Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương giải quyết, đồng thời giao cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng hỗ trợ xử lý.
Đánh giá các mục tiêu và chỉ tiêu tăng trưởng của ngành Công Thương tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 diễn ra sáng 29/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ ra nhiều điểm tích cực.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 tăng trưởng 8,6% và thặng dư thương mại đạt 2,68 tỷ USD. “Đây là kết quả rất tích cực nếu xét trong bối cảnh chung của toàn thế giới cũng như thị trường giá cả thế giới, đặc biệt là khi giá dầu giảm tác động tiêu cực tới xuất khẩu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá và cho biết, tổng mức luân chuyển hàng hóa cũng như giá trị tiêu dùng của toàn xã hội tăng khoảng 10,4% cũng là mức cao so với năm ngoái, trong khi giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 7,4%... góp phần vào sự tăng trưởng chung của GDP.
Liên quan đến việc đảm bảo cung cấp điện, theo yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế dự kiến khoảng 7% GDP, ngành Công Thương phải đảm bảo tăng trưởng về điện từ 11-11,5% mỗi năm, trong năm 2016, tăng trưởng điện khoảng 11,28%, là mức cao so với tổng sơ đồ 7 và dự kiến tăng trưởng những năm tới, tuy nhiên việc đảm bảo cân đối năng lượng sẽ rất căng thẳng.
“Năm 2017 và những năm tới, Bộ Công Thương đã thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là tập trung quyết liệt đảm bảo cung ứng đủ điện cho tăng trưởng kinh tế và nhu cầu xã hội. Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho cơ chế đặc thù để đảm bảo cho các dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng, các dự án cung cấp vùng nguyên liệu phục vụ cho các dự án điện qua đó đảm bảo cho việc tăng trưởng của đất nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất.
Để đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, biện pháp lớn năm 2017 và năm tới, Bộ Công Thương cần phải tập trung đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các dự án trọng điểm như Vĩnh Tân 1, Duyên hải 2,3, cũng như dự án nhiệt điện Sông Hậu, nhiệt điện Thái Bình. Khi đưa các nhà máy này vào hoạt động sẽ đảm bảo tốc độ tăng trưởng yêu cầu là 11,5%.
Ngành Công Thương cũng sẽ tập trung quyết liệt cho các dự án về hạ tầng nguồn, đặc biệt là hệ thống hạ tầng của truyền tải điện, tăng thêm khả năng truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Trung khoảng 5 tỷ kWh/năm
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nêu rõ trọng tâm công tác trong năm 2017 của ngành Công Thương, ngoài việc đảm bảo đúng yêu cầu cho năng lượng cũng như đảm bảo cho phát triển kinh tế cần hướng tới bảo vệ môi trường, đảm bảo đời sống người dân.
Từ đó kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đẩy nhanh việc xây dựng những quy chuẩn liên quan đến vật liệu xây dựng từ hệ thống tro xỉ thải của những nhà máy nhiệt điện than để từ đó giải quyết được cơ bản tro xỉ thải của các nhà máy đang có nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường.
Trong lĩnh vực thương mại, người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, năm 2016 chứng kiến sự tăng trưởng cao của thị trường bán lẻ với mức độ tăng trưởng đóng góp vào GDP là 28,6%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 7 triệu lao động. Việt Nam đã thực hiện các dự án lớn và cũng như đã thực hiện các cam kết như mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời điều chỉnh, điều hành một cách phù hợp cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
“Tuy nhiên trong tổng thể chung, các chính sách cập nhật diễn biến của thị trường cũng như trong hội nhập chưa kịp thời và đầy đủ. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng chiến lược ngành công nghiệp bán lẻ trong 2017 tầm nhìn 2025. Nhưng có vấn đề là trong khuôn khổ cam kết hội nhập, Việt Nam vẫn còn những công cụ để ổn định thị trường, đặc biệt là trong công tác đầu tư. Các địa phương có xu hướng thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho nước ngoài, vì vậy, những điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác điều kiện đất đai, mặt bằng, cơ chế khác rất khó dẫn đến nhiều lĩnh vực nước chiếm ngoài 100%”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Bên cạnh đó, hệ thống chợ nông thôn, chưa có sự quan tâm đầy đủ về chính sách, phát huy nguồn lực, chưa được đưa vào các khu vực tín dụng, chưa được hưởng các ưu đãi đầu tư… Bộ Công Thương đề nghị đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư, được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư để phát triển, đặc biệt hệ thống thương mại tại vùng xa, sâu, nơi những nhu cầu người tiêu dùng lớn và hệ thống phân phối nước ngoài chưa tới được.
Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa. Khẩn trương xây dựng hệ thống hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm nội địa và thị trường trong nước cho phù hợp với những cam kết.
Đánh giá tích cực hoạt động của Bộ Công Thương năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bộ máy của Bộ Công Thương đã gọn hơn, làm việc tốt hơn, tiết kiệm hàng trăm, nghìn tỉ đồng. Các bộ khác cần nghiên cứu theo Bộ Công Thương trong việc cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, hiện nay, Bộ Công Thương còn chưa bãi bỏ các thủ tục về hoá chất, năng lượng. Đối với 12 dự án thua lỗ tại Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương giải quyết kịp thời, đồng thời giao cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hỗ trợ Bộ Công Thương để xử lý các bất cập hiện nay.
“Chúng ta xử lý làm sao để phát triển được ngành Công Thương - đây là ngành có những lĩnh vực rất quan trọng. Tôi đánh giá cao cải cách đổi mới, sáng tạo nhất là trong bộ máy của bộ Công Thương”, Thủ tướng nêu rõ.
Theo VOV