(Baonghean) - Nếu như cuối tháng 7 vừa qua, dư luận khu vực Trung Đông thấy chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tích cực hợp tác với Mỹ mở căn cứ không quân phục vụ liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), thì mấy ngày đầu tháng 8 này tình hình đã trái ngược hoàn toàn. Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chứng kiến những ngày bạo lực đen tối với các vụ tấn công liên tiếp nhằm vào các địa điểm được bảo đảm an ninh nghiêm ngặt như lãnh sự quán Mỹ hay trụ sở cảnh sát. Liệu có phải chiến lược của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đang đi chệch hướng?

Sau một thời gian dài lưỡng lự, ngày 29/7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra thông báo đã chính thức ký kết một thỏa thuận với Mỹ cho phép liên minh quân sự do Washington đứng đầu sử dụng căn cứ không quân Incirlik tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Lý giải cho bước đi này của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, giới phân tích cho rằng, có một số nguyên nhân có thể kể ra. Thứ nhất, các quyết định của ông Erdogan thực tế là do kết quả cuộc tổng tuyển cử tháng 6 vừa qua chi phối. Theo đó, đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Tổng thống đã lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua đánh mất đa số và giờ đang phải đàm phán với các đối tác để thành lập chính phủ. Bằng cách tấn công IS song song với các lực lượng người Kurd, ông Erdogan hy vọng rằng có thể đạt được mục đích là giành lại được đa số phiếu mong muốn của cử tri trong cuộc bầu cử mới vào mùa Thu này. Nếu có đủ số phiếu, ông Erdogan mới có cơ sở thể thực hiện tham vọng thay đổi Hiến pháp và hệ thống chính trị tồn tại nhiều năm qua tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó sẽ tập trung quyền lực cho Tổng thống. Cũng bởi, ông Erdogan lo ngại rằng, lực lượng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) đang ngày càng lớn mạnh và vẫn nuôi tham vọng xây dựng một nhà nước độc lập của riêng mình. Vì thế mà những ngày vừa rồi, dù tuyên bố trọng tâm là tấn công IS nhưng người ta thấy chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lại tập trung nhiều vào không kích các đối tượng người Kurk. 
 
images1203343_tho_nhi_ky.jpgThủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Internet
Thứ hai, giới phân tích cho rằng xuất phát từ tình hình thực tế chiến sự đã khiến Thủ tướng Erdogan phải cân đối lại chính sách đối ngoại tại Trung Đông. Nhìn lại thời điểm đầu tiên, Ankara từ chối tham gia chiến dịch chống IS của liên quân do Mỹ đứng đầu, bởi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu vốn bị cáo buộc là ủng hộ lực lượng phiến quân Syria - bao gồm cả IS chống lại chế độ Tổng thống al Assad. Vì vậy, việc đem lực lượng sang giúp quân đội Syria tấn công IS chẳng hóa Ankara lại “tự đánh vào lưng mình”, tức là đi ngược lại chính sách từ trước tới nay. Thế nhưng, các cuộc tấn công gần đây được cho là của IS liên tục xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nghiêm trọng nhất là vụ việc hôm 20/6 vừa qua, khi một vụ đánh bom tự sát giết chết 32 người ở Suruc - một thị trấn của Thổ Nhĩ Kỳ giáp biên giới với Syria. Từ chỗ nghi hoặc Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là “quân tốt” trên mặt trận chống khủng bố tại Trung Đông của Mỹ và phương Tây, sau hàng loạt vụ việc, Thủ tướng Erdogan dường như đã “thức tỉnh” khi an ninh quốc gia đang trực tiếp bi đe dọa. Không chỉ vậy, bản thân Thủ tướng Erdogan thừa hiểu rằng, muốn nâng cao vị thế và tiếng nói của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực thì cũng khó có thể mãi “nói không” với liên minh chống IS.
 
Thế nhưng, tính toán là một chuyện còn thực tế lại là chuyện khác. Ngay sau khi Thủ tướng Erdogan “mở cửa” với liên quân chống IS nhưng thực tế là chống lực lượng PKK, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tiếp hứng chịu các vụ tấn công đẫm máu. Mới nhất là vụ tấn công nhằm vào lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Istanbul và 2 vụ tấn công khác làm 6 nhân viên an ninh thiệt mạng. Nguy hiểm nữa là lại vừa nổi lên một nhóm cực đoan bị cấm hoạt động mang tên Mặt trận Giải phóng nhân dân cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ, dự báo sẽ còn có nhiều hoạt động táo tợn hơn. Nhóm này cũng đã tuyên bố thực hiện vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở ngoại ô Thành phố Istanbul vừa qua. Không chỉ vậy, lệnh ngừng bắn và lộ trình hòa đàm khó khăn giữa lực lượng người Kurd và chính quyền Ankara vốn kéo dài suốt 3 năm qua lúc này có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Như thế, nội tình Thổ Nhĩ Kỳ đã rối nay còn rối thêm. Thực tế, giới phân tích đã sớm nhận định rằng, một mũi tên bắn hai đích của Thủ tướng Erdogan lại đang là mũi tên bay ngược! Và hậu quả của nó chắc chắn sẽ không chỉ ngày một ngày hai.
 
Không chỉ gây phản tác dụng với tình hình an ninh trong nước, việc tham gia chống IS của Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích riêng, còn khiến khu vực Trung Đông thêm phức tạp. Bởi lẽ, không kích tiêu diệt IS thực tế không phải là mục tiêu chính của cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng như đồng minh Mỹ. Với Thổ Nhĩ Kỳ, việc Thủ tướng Erdogan chỉ chăm chăm tiêu diệt lực lượng người Kurd đã gián tiếp khiến cho nỗ lực chống IS tại Trung Đông suy giảm. Vì thời gian qua, chính lực lượng này lại đang giúp ích lớn cho Mỹ và liên quân đánh phá nhiều trọng điểm của IS như Thị trấn Kobani của Syria. Bên cạnh đó, với diễn biến hiện nay thì cuộc xung đột tại Syria càng khó lòng đi đến hồi kết, bởi bất kỳ lối thoát nào cho cuộc xung đột Syria hiện nay đều phải gắn với vấn đề lãnh thổ của người Kurd. “Sai một ly, đi một dặm” - có lẽ lúc này Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan đang phải loay hoay tìm ra một giải pháp hợp lý nhất để ổn định tình hình an ninh trong nước. Nhưng có một hướng giải quyết khả thi mà giới quan sát đã đưa ra - thực tế lại rất đơn giản. Đó là Thổ Nhĩ Kỳ hãy chống khủng bố đúng nghĩa là chống khủng bố, điều này sẽ có lợi cho cả Ankara, cho Syria cũng như cả khu vực Trung Đông.
 
Phương Hoa