(Baonghean.vn) – Sáng 15/10, tại Hà Nội, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 -2020.

images1715668_10.jpgThủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 -2015, bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28% năm 2015, bình quân trên 6%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra.

Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011, riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần, đạt mục tiêu đề ra.

Giai đoạn 2016 -2020, qua tổng hợp kết quả điều tra các địa phương áp dụng theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, cả nước có hơn 2,3 triệu hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,88% và có hơn 1,2 triệu hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,22%.

Bộ trưởng Bộ LĐ -TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020 đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 -1,5%/năm, (riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3 -4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.

Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015, riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần...

Tổng kinh phí thực hiện chương trình là 48.397 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 41.449 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.848 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp khác 2.100 tỷ đồng. Chương trình này được chia thành 5 dự án thành phần.

Hội nghị đã nghe các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm giảm nghèo cũng như các kiến nghị của một số địa phương như Lào Cai, Quảng Nam, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh và một số cơ quan, đơn vị. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ cần lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm đảm bảo việc thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo đa chiều.

Bà Louise Chamberlain - Giám đốc quốc gia của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Louise Chamberlain - Giám đốc quốc gia của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam ghi nhận những kết quả giảm nghèo cũng như các điểm mới trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 như: chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ cho điều kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo; tăng cường phân cấp cho cơ sở, gắn nâng cao năng lực phát huy vai trò cộng đồng…;

Người đứng đầu UNDP tại Việt Nam cũng khẳng định, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong công tác xóa nghèo cả ở cấp Trung ương và địa phương trong thời gian tới.

Mô hình giảm nghèo của phụ nữ huyện Đô Lương. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: công tác xóa đói, giảm nghèo là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời biểu dương, đánh giá cao các cấp, các ngành, đồng bào chiến sỹ cả nước, các tổ chức quốc tế, những nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã quan tâm cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế, thách thức phải vượt qua trong công tác giảm nghèo, đó là: Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao, đặc biệt cả nước có đến 41 huyện nghèo với tỷ lệ hộ nghèo trên 50%; thu nhập bình quân của đồng bào DTTS chỉ bằng 1/6 mức thu nhập chung của cả nước.

Bên cạnh đó, nhiều chủ trương về chính sách giảm nghèo triển khai chưa tốt, chưa sáng tạo để thực hiện hiệu quả; hạ tầng, dân trí nhiều nơi vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, quá nhiều văn bản dẫn đến phân tán các nguồn lực.

“Trong một số chính sách giảm nghèo chưa khơi dậy tiềm năng của nhân dân, cộng đồng để cùng nhau vươn lên, nhất là xác định hộ nghèo còn chưa chính xác, còn tình trạng xác nhận nghèo luân phiên ở một số địa phương, còn tình trạng kê khai nhầm chỗ tức là ở một số địa phương còn lạm dụng nhất định chính sách giảm nghèo, còn có hiện tượng thu quá mức ở nông thôn trong xây dựng nông thôn mới với người nghèo”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ.

Với tinh thần quyết tâm thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, Quốc hội  về công tác giảm nghèo, mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Để thực hiện tốt phong trào này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng về tiêu chí, yêu cầu nội dung thoát nghèo bền vững; tạo sự đồng tâm, hiệp lực toàn xã hội.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An.

“Tuyên truyền để cả xã hội vì người nghèo và quan tâm đến người nghèo; tinh thần tự thân, tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo; lao động sáng tạo, cần cù để giảm nghèo, vươn lên làm giàu, thực hiện phong trào giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các địa phương”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng giao Bộ LĐ –TB&XH chủ trì cùng với các Bộ, ngành và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có kế hoạch thực hiện phong trào; chú trọng đến công tác truyền thông; nâng cao dân trí, năng lực con người để thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và nguồn lực cho xóa đói giảm nghèo; các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cần đặt mục tiêu giảm nghèo trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phải nhân rộng các mô hình giảm nghèo; phải tính toán phát triển bền vững, không để xảy ra ô nhiễm môi trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý các địa phương củng cố việc thành lập mới Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp tỉnh; cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan dân cử, MTTQ và các đoàn thể phải đôn đốc, kiểm tra, giám sát để ban chỉ đạo các cấp hoạt động hiệu quả, không hình thức.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các cấp bố trí đủ ngân sách cho chương trình giảm nghèo và huy động, lồng ghép mọi nguồn lực xã hội cho chương trình. Các bộ, ngành, địa phương bám vào các tiêu chí để thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều;

Thủ tướng cũng đề nghị: Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Ngân hàng thế giới (WB) tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công tác giảm nghèo trong thời gian tới.

Tại Nghệ An, đến cuối năm 2015, theo tiêu chuẩn nghèo giai đoạn 2011 -2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 7,5%, bình quân giảm 3,07%/năm; Tổng nguồn lực huy động trong giai đoạn này đạt hơn 14.543 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều cò 12,10%, số hộ cận nghèo còn trên 10,23%. Giai đoạn 2016 -2020, Nghệ An phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2-3%/năm, trong đó các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 4 -5%/năm.

Phát biểu với các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 -2020 của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho biết: trong thời gian tới, tỉnh sẽ thành lập 2 ban tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo quốc gia của tỉnh. Hai ban tổ chức do hai đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách hai lĩnh vực làm trưởng ban tổ chức thực hiện dưới sự chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 -2020 của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 -2020 của tỉnh, đặc biệt là cơ quan thường trực tiếp tục những nội dung triển khai thông qua Hội nghị trực tuyến để triển khai thực hiện tốt ở tỉnh. 

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN