Các báu vật tượng trưng cho quyền lực của hoàng gia được kính cẩn mang vào gian phòng, đó là thanh kiếm mà theo biên niên sử cổ đại thuộc về hoàng đế đầu tiên Jimmu, viên ngọc cổ, con dấu Hoàng gia và con dấu Nhà nước Nhật Bản.
Tham gia nghi lễ có Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu, người thừa kế ngai vàng là Thái tử Naruhito và vợ, các thành viên của hoàng tộc, cũng như đại diện của ba nhánh của chính phủ, tổng cộng khoảng 300 người.
Vào tháng 8/2016, Nhật hoàng Akihito đã có bài phát biểu gửi tới người dân đất nước, trong đó nói rõ rằng do tuổi già, ông nay đã khó lòng hoàn thành nhiệm vụ của mình, vì thế ông muốn chuyển ngai vàng cho người thừa kế và lui về nghỉ ngơi.
Nhưng luật pháp về hoàng gia và hiến pháp của đất nước quy định rằng việc kế vị ngai vàng chỉ có thể thực hiện được sau khi vị hoàng đế hiện tại qua đời.
Sau đó, hơn 10 tháng, các chuyên gia giỏi nhất về luật, lịch sử, văn hóa, giao thức của hoàng gia đã bàn bạc liệu có cách nào cho phép không tuân thủ quy tắc như trên hay không.
Kết quả là vào tháng 6/2017, Quốc hội đã thông qua “đạo luật đặc biệt”, cho phép chuyển trao Ngai vàng hoa Cúc khi vua còn tại thế.
Lần đầu tiên sau 25 năm, Ủy ban về các vấn đề của hoàng tộc được triệu tập, và vào ngày 1/12/2017 đã phê chuẩn ngày thoái vị của Hoàng đế Akihito - 30/4/2019 và sự lên ngôi của Thái tử Naruhito vào ngày 1/5.
Vào ngày 1/4, Nhật đã chính thức công bố tên của kỷ nguyên mới Reiwa, có thể được dịch là “vẻ đẹp và sự hài hòa”.