Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng và cảm ơn cử tri về các ý kiến phát biểu đầy tâm huyết và trách nhiệm.
Thông tin tới cử tri về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước năm 2019, Thủ tướng nêu rõ trong bối cảnh khó khăn chung từ ảnh hưởng sự suy giảm kinh tế, thương mại thế giới cùng với tác động từ thiên tai, dịch bệnh trong nước nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và phát triển ở mức cao, hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới.
Đặc biệt, mức sống người dân được cải thiện rõ rệt, chênh lệch giàu nghèo giảm. Niềm tin trong các tầng lớp quần chúng nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ không ngừng được nâng cao.
Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri Phạm Nghiêm (thị trấn Cát Bà) cho rằng sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất sâu sát, quyết liệt đối với các nhiệm vụ, nhất là đối với những nơi khó khăn, xa xôi, hẻo lánh và những sự việc nhạy cảm, phức tạp nổi cộm, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng.
Bày tỏ tự hào về việc năm 2020 Việt Nam là quốc gia Chủ tịch ASEAN và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cử tri Nguyễn Văn Chương (thị trấn Cát Hải) đề nghị Thủ tướng giải đáp những giải pháp để hoàn thành trọng trách to lớn này.
Cử tri Nguyễn Văn Chương cũng đề nghị Thủ tướng thông tin rõ hơn về quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng trong phát triển kinh tế và văn hóa: “Phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng cũng phải trở thành một cường quốc văn hóa thì mới thành công”.
Trả lời câu hỏi của cử tri Nguyễn Văn Chương, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam vinh dự đảm nhiệm hai vai trò quan trọng trong năm 2020 đó là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để hoàn thành tốt hai vai trò này. Đây cũng là những trách nhiệm quốc tế và khu vực hết sức nặng nề của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong năm tới.
Cụ thể, đối với vai trò Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng cho biết, trong năm 2019 có hơn 300 cuộc họp thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều cấp bộ, ngành liên quan mà quốc gia Chủ tịch ASEAN 2020 - Việt Nam phải tổ chức. Cùng với đó là khoảng 400 cuộc họp trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà Việt Nam phải tham gia.
Thủ tướng thông tin thêm với cử tri về việc Chính phủ đã thành lập các Tiểu ban liên quan và chỉ đạo thường xuyên để triển khai tốt công tác chuẩn bị, đảm bảo cho thành công hai vai trò đối ngoại lớn lao này; tổ chức thành công các hội nghị liên quan để qua đó nâng cao thêm một bước vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về quan điểm “phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng cũng phải trở thành một cường quốc văn hóa thì mới thành công", Thủ tướng nêu rõ 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam có một tài sản vô cùng đáng quý là văn hóa dân tộc và sức mạnh của tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, toàn diện cả về kinh tế và văn hóa, việc chú trọng gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống, văn hóa riêng của từng dân tộc, văn hóa của đất nước, đảm bảo vật chất và tinh thần cho nhân dân là một nhiệm vụ có tầm quan trọng tương đương với phát triển kinh tế, cần phải được quan tâm thực hiện một cách hiệu quả.
Cử tri Đoàn Thị Tiến (thị trấn Cát Bà) bày tỏ lo ngại về tình trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm không bảo đảm an toàn có xu hướng gia tăng, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của nhân dân, vừa tạo tâm lý bất an trong xã hội.
Cử tri mong muốn Chính phủ và chính quyền các cấp phải có các chương trình hành động đồng bộ, lâu dài, khả thi để tạo sự thay đổi căn bản trong nhận thức và ý thức trách nhiệm xã hội của các hộ, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.
Cử tri cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ và khuyến khích việc áp dụng khoa học - kỹ thuật và các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, là xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, để thực phẩm không an toàn không còn là nỗi lo hằng ngày của người dân.
Chia sẻ với lo lắng của đại biểu Đoàn Thị Tiến về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các cửa hàng, siêu thị, cơ sở sản xuất thực phẩm. Do đó, các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã giảm hẳn trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn tái diễn. Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng chỉ đạo ngành Công Thương và các ngành liên quan điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để làm sao “người dân sống mạnh khỏe hơn".
Đi liền với đó, Thủ tướng cũng đề nghị từng gia đình, khu phố giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, buôn bán thực phẩm tại địa phương; tránh tình trạng “lợn hai chuồng, rau hai luống".
Trả lời cử tri Phạm Trường (huyện Cát Hải) về các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thủ tướng nêu rõ khu vực kinh tế tư nhân đóng góp ngày càng to lớn vào sức tăng trưởng GDP của đất nước. Cả nước cũng đang phấn đấu để đạt mốc 1 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2020.
Nhấn mạnh kinh tế tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong giải quyết việc làm, đóng góp tăng trưởng của kinh tế đất nước, Thủ tướng cũng viện dẫn những minh chứng cụ thể như sự xuất hiện của những tập đoàn quy mô lớn, đang làm đổi thay thành phố Hải Phòng như SunGroup, VinGroup, Vietjet, FLC...
Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa vào thành tựu kinh tế của đất nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, các ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân, coi đây là một trong những thành phần kinh tế quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước./.