Điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị xã.
Đến năm 2030 cả nước có 35.000 hợp tác xã
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước đã quan tâm phát triển tổ hợp tác (THT), HTX và Liên hiệp HTX.
Đến ngày 31/12/2018, cả nước có 101.405 THT trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp; 22.861 HTX nông nghiệp, Quỹ Tín dụng nhân dân và HTX phi nông nghiệp.
Cả nước có 74 Liên hiệp HTX (39 LH HTX nông nghiệp và 35 LH HTX phi nông nghiệp), tăng gấp 2,8 lần so với năm 2003. Các Liên hiệp HTX thành lập chủ yếu ở các vùng: Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Trung ương, lĩnh vực kinh tế tập thể nói chung còn tồn tại nhiều yếu kém. Nguyên nhân, do nhiều nơi chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển.
Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo, đảng viên và người dân chưa thấy hết được vai trò, vị trí quan trọng của khu vực KTTT trong nền kinh tế, nhất là đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bộ máy quản lý nhà nước về HTX đa phần là kiêm nhiệm, chưa nắm chắc chuyên môn, nên việc tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về HTX còn hạn chế.
Mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 150.000 THT, 35.000 HTX, 120 LH HTX. Phấn đấu số HTX hoạt động hiệu quả đạt 80%, có khoảng 25.000 HTX, LH HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Tại Nghệ An, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể, thể chế hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW, áp dụng các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển KTTT phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về KTTT trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp.
Đến 31/12/2018, toàn tỉnh có 2.974 tổ hợp tác, tăng 1.341 tổ hợp tác so với thời điểm 31/12/2003. Trong đó, có 2.036 THT nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, 235 THT công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 208 THT xây dựng, 152 THT thương mại, 104 THT vận tải, 239 THT môi trường. Trong số 2.974 THT có 2.800 THT hoạt động có hiệu quả (chiếm 94,15%).
Các ngành nghề hoạt động của các THT chủ yếu là trồng trọt, đánh bắt hải sản, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, cung ứng vật tư nghề cá, sản xuất mây tre đan, dệt thổ cẩm chế biến hải sản và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng.
Đến năm 2030, phát triển mới khoảng 04 Liên hiệp HTX. Xóa xã trắng về HTX; Có khoảng 90% HTX hoạt động có hiệu quả. Tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTT, HTX đạt 9,7% GRDP của tỉnh.
Một số khó khăn, vướng mắc mà các THT, HTX đang gặp phải đó là vốn và sự tiếp cận nguồn vốn; trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý HTX; cơ chế về đất đai...