Trao đổi từ vị trí nhận áp lực trực tiếp nhất, đòi hỏi cao nhất về sự chuyển động, thay đổi, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ, chỉ có thể cố gắng vì chậm bước, đứng ngoài cuộc là... chệch hướng.

Thủ tướng lăn lộn, Bộ trưởng có thể đứng ngoài cuộc chơi?

PV:Năm 2018 đã về đích, cũng có nghĩa hơn một nửa chặng đường của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã trôi qua, để lại nhiều dấu ấn và không ít những kỳ tích trên các lĩnh vực. Là một thành viên Chính phủ, lãnh đạo cơ quan “siêu Bộ”, người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng có thể dùng từ gì để nói về Chính phủ nhiệm kỳ này?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Điểm đáng nhắc tới trước hết ở Chính phủ nhiệm kỳ này là tinh thần kiến tạo xuyên suốt mà Thủ tướng quyết tâm chỉ đạo làm cho được. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ vẫn luôn nỗ lực để hành động, liêm chính, nói và làm, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ nhiệm kỳ này cũng hướng tới việc chấn chỉnh kỷ cương.

090850-1.jpgBộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

3 năm qua, những mục tiêu đó luôn được kiên trì theo đuổi trong công tác điều hành của Chính phủ, nhất là của người đứng đầu (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - PV).

Để trở thành một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, các quyết định điều hành phải trên cơ sở xem xét, giải quyết thấu tình đạt lý những vấn đề bức xúc của xã hội, của người dân, là điểm nghẽn với phát triển.

Kết quả của những nỗ lực đó, chúng ta mừng vì năm nay, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng đều rất tích cực. Theo đó, “chống” cũng là góp phần xây dựng, kiến tạo. Nhiều phiên thảo luận ở các hội nghị Trung ương, tôi đều phát biểu, làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm những vụ án nghiêm trọng, minh bạch thông tin khi xử lý cán bộ, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu… không hề là việc kìm hãm, làm ảnh hưởng tới tăng trưởng vì có làm được những việc đó mới tạo minh bạch, tạo công bằng tốt hơn, sức cạnh tranh tốt hơn cho đất nước.

Tôi thấy tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu quan điểm như thế. Từ sự thống nhất đó, nhiều sức ép phải hành động đã được tạo ra quyết liệt từ người đứng đầu.

Theo tinh thần đó, các mệnh lệnh, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành, địa phương luôn gắt gao. Việc thực thi công vụ của cán bộ công chức đã chuyển biến rất mạnh. Nơi bìa rừng, góc biển, chúng tôi vẫn nói, không thể không còn những việc này việc khác, không thể làm trọn ngay nhưng sự chuyển biến tư tưởng, hành động, thời gian sẽ minh chứng.

PV:Nói như Bộ trưởng, sức ép từ lãnh đạo Chính phủ xuống các tư lệnh ngành hẳn là trực tiếp nhất, những đòi hỏi về chuyển biến tư duy, hành động có thể hiểu là lớn nhất. Điều hành cơ quan tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, có khi nào Bộ trưởng quá tải, áp lực?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đúng là áp lực thật. Nói không áp lực, không vất vả, trầy trật là nói dối. Công việc của tôi thực sự rất áp lực. Từ phạm vi hoạt động tại một địa phương lên Trung ương, làm tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng, quy mô công việc rộng lớn hơn hẳn trong khi năng lực của tôi phải nói là có hạn. Vậy nên tôi cũng như toàn bộ cán bộ nhân viên Văn phòng Chính phủ đều phải quán triệt tư tưởng cởi mở, chịu khó lắng nghe, chịu học và quyết tâm thực hiện cho đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Mà không chỉ riêng tôi, tất cả các Bộ trưởng, tôi nghĩ đều có áp lực như vậy. Với sự lăn lộn, nhiệt huyết, quyết liệt như thế của Thủ tướng, không thể nào các Bộ trưởng, tư lệnh ngành có thể đứng ngoài cuộc chơi. Anh tạo ra đường riêng, anh chần chừ, chậm bước là đi chệch đường hướng ngay.

Văn phòng Chính phủ mà mãi chỉ là ông đưa thư thì… vứt

PV:Đúng là có thể thấy, từ đầu nhiệm kỳ này, thông điệp mà Thủ tướng,  người phát ngôn Chính phủ đưa ra nhiều nhất là cải cách, đổi mới. Nhưng những rào cản với cải cách thực sự là tầng tầng, lớp lớp. Bộ trưởng có thấy nản?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Không! Tôi cho là không nản vì những việc xã hội, doanh nghiệp cần nhiều lắm, làm cũng khó, không thể xong trong ngày một, ngày hai. Trước đây chúng ta cũng nỗ lực cải cách nhưng mới xử lý những vấn đề bên ngoài, chưa thay đổi căn cơ. Còn vừa qua, chúng ta đã rất quyết liệt khi cắt giảm hơn 6.000 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, giúp tiết kiệm hơn 11,6 triệu ngày công, tương đương khoảng hơn 5.400 tỷ đồng; cắt bỏ được hơn 3.000 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm cho xã hội khoảng 1.000 tỷ đồng/năm…

Nói vậy để thấy, công việc có vất vả cũng phải gồng lên, cố gắng, lăn xả vào. Người đứng đầu Chính phủ quyết liệt như vậy thì Văn phòng Chính phủ cũng phải là cơ quan đi đầu trong cải cách. Nếu Văn phòng mãi chỉ là ông văn thư, những văn bản đưa lên là chuyển đi nguyên như thế, ra văn bản mà không có ý kiến rõ ràng, không tham mưu cụ thể, chỉ tròn trịa kiểu “cần tuân thủ theo quy định của pháp luật” thì… vứt. Cán bộ nào còn làm thế, chúng tôi kiểm điểm ngay.

PV:Bộ trưởng từng nói người làm cải cách phải tâm huyết, phải đau đáu mới làm được. Cán bộ cải cách phải dám đối mặt, đương đầu với lợi ích nhóm. Bản thân Bộ trưởng đã phải đương đầu với vấn đề này?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tôi từng trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng về vấn đề nóng như chuyện thu phí, lệ phí. Tôi cương quyết là nhiều khoản lệ phí phải xem xét, điều chỉnh, bãi bỏ vì chính chuyện này buộc người dân, doanh nghiệp phải đến “cửa quan” mà khi người ta đến, lệ phí chính thức thì ít, phi chính thức phải “nộp” thì nhiều.

Vậy nên công việc chúng tôi làm có sự tham dự của báo chí để công khai, minh bạch. Nói sai thì tôi chịu, tôi nhận lỗi, còn nói đúng thì không sợ, tôi cứ làm vì làm cũng có để mang lợi ích về nhà tôi đâu. Nếu bảo tôi đòi cắt cái này, cái kia rồi mang về nhà tôi thì mới sợ. Quan trọng nhất, nếu doanh nghiệp, người dân ủng hộ thì mình phải làm, không khác được. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ đã mạnh mẽ như thế mà Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ không làm thì có tội. Không thể thấy những việc chướng tai gai mắt mà cứ lờ đi.


Bản thân tôi trưởng thành từ địa phương, cũng tham gia hoạt động doanh nghiệp rồi nên chúng tôi hiểu nỗi khổ của dân, của doanh nghiệp. Nếu người ta có cơ hội trong tích tắc, người ta sẽ nên cơ đồ còn nếu bị mất cơ hội đó thì cũng thôi luôn.

PV:Động lực nào cho việc chấp nhận đương đầu, chấp nhận va chạm như thế, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Doanh nghiệp và người dân hiện rất cần, rất mong chờ cải cách. Thực tế đang tồn tại những nghịch lý như người chết vì tai nạn giao thông mà khai tử không được, người mất đã 4 năm mà chưa nhận được tiền mai táng phí… Người dân bức xúc vì bị sách nhiễu, doanh nghiệp phát nản vì nhiều rào cản kinh khủng. Yêu cầu thực tế đặt ra rất nhiều, vấn đề là làm sao để cải cách phải đi vào thực chất.

Chúng ta đã làm được bước đầu nhưng tôi biết nhiều cải cách vẫn mang tính cơ học, cắt bỏ điều kiện này nhưng lại đẻ ra những tiêu chuẩn khác. Vậy nên cần phải cải cách mạnh mẽ hơn, làm liên tục, làm cương quyết, làm “rắn”, theo nghĩa là đi vào cụ thể. Giờ làm cái kẹo chocolate mà phải qua đủ 13 giấy phép, kẹo thế thì ăn “đau răng” lắm.


Cải cách được xác định chính là dư địa lớn cho tăng trưởng. Cải cách mà đến nơi, tận mắt thấy doanh nghiệp khó khăn mà không dám nói, không dám kết luận cuối cùng thì sao thay đổi được gì!

Tôi đã “hạ bệ” mấy anh Vụ phó

PV:Đặt vấn đề cải cách, đổi mới từ chính mỗi con người, từ lề lối tới tác phong làm việc. Bộ trưởng xây dựng cho mình tác phong thế nào, muốn được “định danh” thế nào, là một “Bộ trưởng gần dân”, “Bộ trưởng hành động”, “Bộ trưởng không ngại va chạm”, “Bộ trưởng hét ra lửa”...?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tôi quan niệm, cải cách như thế nào đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là con người. Nếu chúng ta không thay đổi cách làm, vẫn bảo thủ thì rất là khó, nhưng nếu để tự giác thì không bao giờ có, nên phải áp đặt.
Khi lãnh đạo nêu yêu cầu, mình phải cố gắng để việc cải cách đi vào thực chất chứ không hình thức, để thấy được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Giúp việc cho Thủ tướng thì chúng tôi phải gương mẫu, không để cho anh em cán bộ Văn phòng Chính phủ “đánh võng” lung tung.

Tôi đã “hạ bệ” mấy anh Vụ phó rồi đó, tôi nói “lên được thì cũng xuống được”, anh không làm thì có người khác làm. Nói tóm lại, mọi việc chỉ cần thay mỗi “thằng người” là được hết, vì thay người chưa ổn, người khác vào, trách nhiệm sẽ tốt hơn. Tất nhiên, trước hết phải nỗ lực cùng anh em tháo gỡ các vướng mắc nhưng nếu mãi vẫn không thay đổi thì phải… thay. Thái độ phải cương quyết như vậy.

PV:Cụ thể trong 3 năm qua, Bộ trưởng đã “hạ” bao nhiêu cán bộ không chịu thay đổi trong diện quản lý của mình?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Nói chính xác thì là tôi đã cho một số trường hợp cán bộ phải thay đổi vị trí. Ví dụ, những anh “ham” dự án quá thì không cho tiếp xúc dự án nữa. Nhìn chung, làm việc gì cũng phải có căn cứ xác đáng, phải “bắt tận tay, day tận mặt”. Mọi việc đều giao thanh tra, kiểm tra cẩn thận trước, lập văn bản rồi thì mới xử lý.

Ở Văn phòng Chính phủ, tôi khẳng định mọi chuyện được nói hết. Tôi có rất nhiều thông tin và khi có thì tôi xử lý ngay.

PV:Xin cảm ơn Bộ trưởng!