(Baonghean) - Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa bắt đầu chuyến công du 2 ngày đến Trung Quốc. Tính từ khi bắt đầu nắm cương vị Thủ tướng năm 2005, đây đã là chuyến thăm thứ 8 của bà Merkel đến Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức. Ngoài mục tiêu là tăng cường và thắt chặt hợp tác kinh tế, liệu Thủ tướng Đức Merkel còn muốn gửi gắm những thông điệp gì trong chuyến công du lần này?
Kinh tế vẫn là trọng tâm
Nếu xét về số năm cầm quyền và số lần thăm Trung Quốc của Thủ tướng Merkel, tần suất các chuyến công du đã gần đạt đến mức thường niên. Điều này thể hiện rõ mối quan hệ đối tác chiến lược cùng chung nhiều lợi ích giữa Trung Quốc - Đức đã được hai bên khẳng định trong nhiều năm qua.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã từng nhận định, Trung Quốc và Đức là những quốc gia có ảnh hưởng lớn trên thế giới, quan hệ hai nước đã vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ song phương và thực sự bước sang giai đoạn phát triển nhanh chóng.
Chuyến thăm lần thứ 8 này cũng không nằm ngoài lộ trình phát triển này. Theo kế hoạch, bà Merkel sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc tại Bắc Kinh. Sau đó bà sẽ cùng Thủ tướng Lý Khắc Cường và phái đoàn doanh nhân tới Thành phố Hợp Phi, thủ phủ của tỉnh An Huy.
Cũng như những lần trước, kinh tế tiếp tục là nội dung trọng tâm của bà Merkel trong chuyến công du lần này. Từ trước đến nay, quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước luôn phát triển tốt đẹp. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Đức và hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp Đức đang hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.
Đức hiện cũng là thành viên trong Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập. Gần nhất là năm ngoái, trong chuyến thăm của bà Merkel đến Trung Quốc, hai nước đã ký hàng loạt thỏa thuận như hợp đồng của Airbus bán 100 máy bay trực thăng trị giá 400 triệu USD cho Trung Quốc, hay thỏa thuận đầu tư thêm 2,7 tỷ USD của Tập đoàn Volkswagen với đối tác FAW để mở thêm 2 nhà máy ở Thiên Tân và Thanh Đảo…
Với chuyến công du lần này, Thủ tướng Đức Merkel một lần nữa muốn khẳng định vị thế của Đức như một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc, với rất nhiều doanh nhân tháp tùng. Rõ ràng, các dự án và hợp đồng thương mại với Trung Quốc lúc này là liều thuốc vô cùng quan trọng với Đức, trong bối cảnh kinh tế của Đức và châu Âu vẫn chưa thể khởi sắc. Đặc biệt, Đức cũng đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng chưa có giải pháp tận gốc.
Gửi thông điệp đến các đồng minh Anh, Mỹ
Đáng chú ý là với chuyến đi này, Thủ tướng Đức còn nhắm tới mục tiêu vượt qua con số 44 tỷ USD của các hợp đồng thương mại mà Anh và Trung Quốc vừa đạt được trong chuyến thăm cấp nhà nước mới đây của ông Tập Cận Bình tới Anh.
Rõ ràng, cái bắt tay chặt giữa Anh và Trung Quốc sau hàng loạt hợp đồng trong chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình vừa qua chắc hẳn cũng đã khiến bà Merkel phải bận lòng. Hơn ai hết, bà Merkel hiểu rằng, Anh không chỉ đơn thuần muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc mà còn đang tìm kiếm một sức ép nào đó với Liên minh châu Âu thông qua mối quan hệ với Trung Quốc. Thực tế, Anh và Liên minh châu Âu đứng đầu là Đức đang khúc mắc về nhiều vấn đề, trong đó có việc Anh đi hay ở Liên minh châu Âu.
Nước Anh đứng đầu là Thủ tướng David Cameron đang ủng hộ và cũng vừa phát động chiến dịch “Vote Leave” - “Ủng hộ rời đi” đầu tháng 10 vừa rồi. Việc Anh - một trong những trụ cột kinh tế nếu ra đi chắc chắn sẽ là mất mát lớn đối với Liên minh châu Âu vốn đang gặp quá nhiều khó khăn về kinh tế.
Vì thế xét về logic, bà Merkel sẽ không muốn hợp tác kinh tế Trung - Anh vượt qua Trung - Đức, từ đó khiến Anh có thêm điều kiện mặc cả với châu Âu về tương lai “đi hay ở” của nước này. Còn về phía Trung Quốc, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ khiến dòng vốn từ Trung Quốc gặp nguy hiểm. Vì vậy, chắc chắn lãnh đạo Trung - Đức sẽ “gặp nhau” trong vấn đề tương lai của nước Anh.
Một thông điệp nữa mà bà Merkel muốn gửi gắm thông qua chuyến công du này đó là đánh tiếng đến đồng minh Mỹ vốn đang có nhiều rạn nứt với Đức. Mới đây nhất là những tiết lộ hồi tháng 7 của trang mạng Wikileaks liên quan đến hoạt động do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đối với các quan chức ngoại giao Đức.
Rõ ràng, bà Merkel muốn Mỹ hiểu rằng, ngoài Mỹ ra, Đức vẫn có rất nhiều “bạn thân” có thể giúp đỡ nước này khi gặp khó khăn. Và Mỹ cần đặt Đức vào đúng vị trí trong quan hệ song phương. Tất nhiên về phía Trung Quốc, nước này sẽ không để lỡ bất cứ cơ hội nào thắt chặt quan hệ với đối tác hàng đầu là Đức. Như vậy, kể cả khi chưa kết thúc chuyến công du Trung Quốc lần này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có thể nhìn thấy những kết quả rất khả quan.
Phương Hoa