Phát biểu tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều nay (30/3) về biện pháp phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý công bố dịch Covid-19 toàn quốc vàyêu cầu tiếp tục rà soát mọi đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, nhất là người bệnh, người thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/3. Đặc biệt, cương quyết và không do dự yêu cầu người dân ở nhà. Tỉnh nào ở tỉnh đó, nhà nào ở nhà đó.
Bệnh viện Bạch Mai được đón bệnh nhân nặng trở lại
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống dịch, trong đó, ngành công thương đã sản xuất thành công bộ đồ bảo hộ, sản xuất đầy đủ khẩu trang phục vụ nhu cầu trong nước.
"Việt Nam đã rất sớm, rất kiên quyết và đúng thời điểm, giúp nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam; cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài cảm thấy may mắn khi là công dân của nước có thể yên tâm nhất trong dịch bệnh. Chúng ta quyết không để mất điều này. Chiến lược hay cách làm của chúng ta có bước đi phù hợp, trong đó đã bình tĩnh, áp chế ngày càng cao, dứt khoát. Cả hệ thống đã lao động quên mình để có được tình hình như hiện nay. Chúng ta cảm ơn tất cả nhân dân; biểu dương cán bộ nhân viên ngành Y tế; cảm ơn bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai tình nguyện ở lại bệnh viện với bệnh nhân nặng và các y, bác sĩ tình nguyện khác", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng đồng ý cho phép Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục nhận bệnh nhân nặng cấp cứu, yêu cầu Bệnh viện đảm bảo tổ chức chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân.
Bộ Y tế nghiên cứu quy trình khám, chữa bệnh phù hợp, tránh xảy ra tình trạng một cá nhân mắc Covid-19 dẫn đến lây nhiễm, ảnh hưởng đến toàn bộ bệnh viện, nhất là khi số người có nguy cơ dương tính vẫn ở ngoài xã hội.
“Thần tốc” dập ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai
Yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15 của Thủ tướng, các kết luận của Thủ tướng và của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục “thần tốc” trong chống dịch, cương quyết dồn mọi nguồn lực dập dịch bằng mọi nguồn lực.
"Đây là thời điểm có tính chất quyết định đến cục diện chống Covid-19. Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch. Trước hết là ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội, ngành công an, các cơ quan khác, tranh thủ từng phút, từng giờ, rà soát khoanh vùng những đối tượng nguy cơ lây nhiễm ở hai ổ dịch lớn nhất, trước hết là Công ty Trường Sinh. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, ngành Công an và các địa phương phải truy tìm hơn 2.000 người nữa, tinh thần là phải thần tốc, kiên quyết, dồn mọi nguồn lực dập ổ dịch này. Chúng ta tiếp tục kêu gọi người dân đã thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/3 đến nay, yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm Covid-19", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Cần bố trí cán bộ làm việc tại nhà
Trước việc đi lại của người dân còn quá đông, trong khi đây là nguồn có nguy cơ lây nhiễm cao, Thủ tướng đề nghị mọi người dân ở nhà.
"Một số biện pháp cần thiết đó là vấn đề cách ly xã hội để ngăn chặn có hiệu quả dịch lây lan ra cộng đồng trong 15 ngày tới bắt đầu từ ngày hôm nay. Chúng ta không được chủ quan, lơ là vì dù chúng ta có nhiều biện pháp mạnh mẽ, nhưng trên đường phố vẫn đông người, bãi biển vẫn nhiều người và một số điểm vẫn chưa thực hiện tốt hạn chế tụ tập đông người.
Đây là yếu tố có nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, phải vận động, yêu cầu người dân, tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó ít nhất 15 ngày để tránh lây nhiễm. Các cơ quan bố trí cán bộ làm việc ở nhà và xử lý qua công nghệ thông tin, trừ trường hợp phải đến cơ quan trực sẵn sàng chiến đấu, xử lý tài liệu mật, trực cơ quan đầu não, hoạt động sản xuất phục vụ sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Thủ tướng kêu gọi từng gia đình, từng cá nhân hãy tự bảo vệ bản thân. Các biện pháp phòng, chống dịch, các cấp chính quyền, công tác tuyên truyền phải vận động theo hướng này. Cùng với vận động, người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm nếu để cơ quan có nhiều người lây nhiễm vì không nắm vững các quy định phòng, chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu cơ bản dừng vận chuyển công cộng, hạn chế tối đa phương tiện cá nhân. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng để trình Thường vụ Quốc hội và Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp khi cần thiết.
Không để dịch lây lan rộng ở Hà Nội
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Quốc phòng cần nghiên cứu tách riêng hai khu cách ly cũ và mới để tránh lây chéo. Các cơ quan, địa phương không tự công bố các ca dương tính mà báo cáo Bộ Y tế để công bố 2 lần 1 ngày.
Thủ tướng cũng yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ hơn khai báo y tế tự nguyện; thực hiện tốt vấn đề đảm bảo an ninh trật tự. Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không triển khai và không giới thiệu gói bảo hiểm liên quan đến Covid-19.
Nhấn mạnh phải kiểm soát để không lây lan trên diện rộng trên địa bàn Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, các bộ, ngành hỗ trợ cho Hà Nội.
Về đảm bảo an sinh xã hội tối thiểu cho người dân, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ thảo luận theo hướng ưu tiên cho những người thu nhập quá thấp trên tinh thần ngân sách Trung ương và địa phương cố gắng hỗ trợ. Mức và đối tượng hỗ trợ cụ thể sẽ được thảo luận tại cuộc họp Chính phủ vào ngày 1/4 tới.
Về sản xuất máy thở, khẩu trang, Thủ tướng giao Bộ Y tế là cơ quan đầu mối để đề xuất cụ thể về chất lượng trên tinh thần cấp bách “thời gian, thời gian và thời gian”. Cần phát huy cống hiến của những giáo sư đầu ngành trong sản xuất máy thở, bởi đây là thiết bị quan trọng góp phần sinh mạng của con người./.