Chiều 2/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ tổ chức họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19.

Tham dự tại điểm cầu TP. Hà Nội có các đồng chí: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; cùng lãnh đạo các bộ, ngành.

Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì. Tham dự có đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, các sở, ngành.

bna_img_51806292115_282020.jpgCác đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

NGUY CƠ DỊCH BỆNH LÂY LAN RỘNG

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tham dự đông đủ, thể hiện sự quan tâm, sự “đồng thanh nhất trí” về quyết tâm chống dịch Covid-19 trong giai đoạn 2.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tinh thần là bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng không để đổ gãy kinh tế, điều này đòi hỏi chỉ đạo thật tốt để nhân dân ủng hộ, chỉ có nhân dân ủng hộ thì mới thành công. 

"Giai đoạn trước chúng ta nói chống dịch như chống giặc, bây giờ mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ trong pháo đài ấy để huy động toàn dân chống dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng phát biểu mở đầu cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Báo cáo về tình hình dịch Covid-19, đến 18h ngày 2/8, Việt Nam ghi nhận 620 trường hợp mắc Covid-19, đã có 5 trường hợp tử vong.

Từ ngày 25/7 đến nay, cả nước có thêm 205 trường hợp mắc được ghi nhận. Số trường hợp mắc gia tăng và lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng. Riêng trong ngày 31/7, số trường hợp mắc đạt mức kỷ lục với 82 trường hợp, trong đó có 56 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng.

Các ca bệnh được ghi nhận trong cộng đồng tới thời điểm hiện tại hầu hết đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại các bệnh viện của TP. Đà Nẵng, là bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế và các trường hợp có tiếp xúc gần với các trường hợp nói trên.

Hiện đã tiến hành khoanh vùng cách ly, tiêu độc, khử trùng để dập dịch tại cụm 3 bệnh viện và một số địa điểm ghi nhận có ca mắc tại cộng đồng. Đồng thời, phong tỏa tất cả các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao tại các địa phương đã phát hiện các trường hợp lây nhiễm tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Thái Bình.

Tại Nghệ An, hiện tổng số người đang cách ly là 658người. Trong đó, cách ly tập trung tuyến tỉnh 455 trường hợp trở về từ Lào; cách ly tập trung tuyến huyện 110 người (57 trường hợp trở về từ Đà Nẵng; 1 Quảng Ngãi; 44 người tiếp xúc với với trường hợp nhiễm Covid-19); cách ly tại cơ sở khám, chữa bệnh 52 người.

Bên cạnh đó, quản lý, theo dõi sức khỏe 12.575 trường hợp. Ngành Y tế đã triển khai lấy 17.677 mẫu xét nghiệm Covid-19, trong đó 17.665 mẫu có kết quả âm tính; 12 mẫu đang chờ kết quả, chưa có trường hợp nào dương tính với Covid-19.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tại Đà Nẵng, có khả năng có nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau và còn nhiều trường hợp mắc bệnh khác hiện đang ở ngoài cộng đồng, đồng thời việc truy vết F0 đầu tiên là rất khó khăn. 

Bộ Y tế dự báo, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường tại TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, có nguy cơ lây lan rộng ra các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời, có thể sẽ có thêm các trường hợp tử vong do có nhiều bệnh nhân đã có bệnh lý nền rất nặng.

Bởi theo thống kê, từ đầu tháng 7/2020, có hơn 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng và trở về các địa phương; có hơn 800.000 người đã từng đến 3 bệnh viện tại Đà Nẵng. 

MỖI NGƯỜI DÂN LÀ MỘT CHIẾN SỸ PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự cố gắng của ngành Y tế, TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và nhiều tỉnh, thành khác đã khoanh vùng tích cực, mạnh mẽ, nhất là giãn cách ở những ổ dịch.

Đồng thời cho rằng, dịch bệnh sẽ phức tạp và lan rộng nếu công tác khoanh vùng không thực sự quyết liệt, hiệu quả và có những giải pháp cụ thể. Nhất là ở những trung tâm dịch hiện nay ở TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, đặc biệt tại các bệnh viện ở Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không được chủ quan, lơ là, trước hết hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt. Phải khởi động hệ thống, đặc biệt là hệ thống ngành Y tế để sẵn sàng phòng, chống dịch. Quản lý chặt chẽ biên giới, các khu cách ly, kích hoạt các biện pháp để khả năng chống dịch đạt kết quả tốt nhất, hạn chế thấp nhất các ca tử vong.

Các ngành, địa phương tranh thủ từng giờ, từng phút truy vết, có biện pháp cách ly phù hợp, xét nghiệm diện rộng các trường hợp phát bệnh và có nguy cơ phát bệnh, các trường hợp trở về từ vùng dịch. Kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế, nhất là những trường hợp có biểu hiện ho, sốt. Tại các địa phương chưa giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì đảm bảo sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy kinh tế.

“Yêu cầu các cấp, ngành, người dân bĩnh tĩnh, chủ động, kiên quyết ngăn chặn, để ngăn ngừa có hiệu quả, tinh thần không để lây lan trong diện rộng, không để những ổ dịch mới khi phát hiện không được ngăn chặn. Không chủ quan nhưng không hoang mang, bị động”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Phương châm chỉ đạo lần này dịch ở cấp độ mới là mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi ngôi nhà, thôn, xóm, khu phố là một pháo đài chống dịch. Chúng ta cần bảo vệ chính mình, gia đình mình và toàn xã hội.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị người dân thực hiện tốt các khuyến cáo của các cơ quan chức năng về các biện pháp phòng, chống dịch. Để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, đề nghị người dân cài đặt ứng dụng Blue zone để thực hiện tốt việc truy vết nhanh những trường hợp có khả năng lây nhiễm.

Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh, không để xảy ra ổ dịch, nhất là tại các bệnh viện, cơ sở y tế, bảo vệ nhân viên y tế tốt nhất. Xử lý nghiêm những ai tung tin giả gây hoang mang dư luận.

Đặc biệt, không được tuyên bố cách ly xã hội khi chưa có phương án phù hợp. Khuyến khích thúc đẩy, triển khai các ứng dụng về dạy học trực tuyến, các dịch vụ công trực tuyến, công nghệ điện tử, chuyển đổi số.

Bộ GD & ĐT căn cứ tình hình thực tiễn chỉ đạo các địa phương có phương án tổ chức kỳ thi THPT an toàn, chặt chẽ, đúng quy định. 

Lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp trở về từ vùng dịch. Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc những gói hỗ trợ, giải quyết vướng mắc trong hoạt động sản xuất, đặc biệt là gói hỗ trợ đời sống người lao động. Tăng cường vận động nhân dân vào công cuộc phòng, chống dịch.  

Đồng thời, đề nghị các ngành, địa phương thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch, nhưng không gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Từ đó, để nhân dân tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.