Chiều 7/5, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
PHẢI KHỞI ĐỘNG LẠI HỆ THỐNG PHẢN ỨNG NHANH Ở CÁC CẤP
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, đến nay tổng số tích lũy trường hợp dương tính tại Việt Nam là 3.091 trường hợp, trong đó có 1.691 ca trong nước. Tính từ ngày 27/4 đến nay, số ca nhiễm Covid-19 là 121 trường hợp.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, đây là đợt dịch thứ 4 của nước ta. Đợt dịch này có 2 điểm phức tạp hơn các đợt trước. Thứ nhất là tại các ổ dịch ở các tỉnh Hà Nam, Yên Bái, Đà Nẵng, Hải Dương và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 thì đến nay chưa rõ nguồn lây, có nghĩa là trong cộng đồng đã có mầm bệnh. Thứ hai, chủng virut Ấn Độ này lây lan nhanh và nhiều khả năng mạnh hơn, nặng hơn.
Vì vậy theo Phó Thủ tướng Chính phủ, tinh thần chung là phải quyết liệt, phải khởi động lại toàn bộ hệ thống phản ứng nhanh ở tất cả các cấp, lập các tổ Covid cộng đồng. Cùng đó là phải hết sức cảnh giác, bởi dịch có thể xảy ra ở bất cứ ở tỉnh nào.
Trong công tác phòng, chống dịch thì phải quán triệt 3 nguyên tắc lớn. Nguyên tắc thứ nhất, dù tình hình thay đổi thế nào thì những bước đi mang tính nguyên lý: Phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị là không thay đổi. Nguyên tắc thứ 2 là bình thường mới, theo quy định 5K, đặc biệt là khẩu trang. Nguyên tắc thứ 3 là phương châm 4 tại chỗ.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong thời gian qua công tác quản lý người nhập cảnh hợp pháp không tốt. Rất nhiều khách sạn thực hiện không nghiêm các quy định về cách ly tập trung đối với các chuyên gia nước ngoài; cách ly xong mặc dù vẫn nằm trong diện theo dõi y tế nhưng gần như buông lỏng. Và đây là nguyên nhân chính gây ra đợt dịch vừa qua.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng yêu cầu phải lắp camera giám sát tại các cơ sở cách ly dân sự, quân sự và nếu cơ sở nào vi phạm sẽ kiến nghị xử lý nghiêm chính quyền nơi đó. Ngay từ bây giờ phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản trong trường hợp có 30.000 người nhiễm bệnh, không để bị động. Các tỉnh phải xử phạt nghiêm đối với những người không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Đối với Nghệ An, đến 17h chiều 7/5, tỉnh đã ghi nhận ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng là bệnh nhân N.P.Q (trú xã Quỳnh Lập, TX. Hoàng Mai) sau khi trở về từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ngay sau khi phát hiện, tỉnh đã áp dụng giãn cách xã hội đối với 5 xóm của xã Quỳnh Lập, cho học sinh toàn thị xã nghỉ học, tổ chức phun tiêu độc khử khuẩn, xử lý môi trường toàn bộ khu vực có liên quan đến ổ dịch.
Liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, tính đến 11h ngày 7/5, toàn tỉnh đã rà soát được 75 trường hợp là F1 và đã tiến hành lấy mẫu cho 36 trường hợp, hiện có 1 trường hợp là ông Q. cho kết quả dương tính.
Liên quan đến bệnh nhân này, tính đến 11h ngày 7/5, đã truy vết được 91 F1, tổ chức cách ly 100% và lấy 88 mẫu xét nghiệm; 50 mẫu đã có kết quả âm tính lần 1, 38 mẫu đang chờ kết quả; truy vết được 902 F2, 100% cách ly bắt buộc tại nhà và đã lấy được 395 mẫu đang làm xét nghiệm. Tỉnh cũng đang triển khai tiếp cận, điều tra, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm 42 trường hợp F1 đi cùng chuyến xe với bệnh nhân Q. từ Hà Nội về Nghệ An.
CHUYỂN TRẠNG THÁI CHỐNG DỊCH TỪ PHÒNG NGỰ SANG TẤN CÔNG
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cho đến thời điểm này, chúng ta đang cơ bản kiểm soát được tình hình và cho rằng, một nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bùng phát đợt dịch này chính là sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác của nhiều địa phương và của Nhân dân. Bên cạnh đó, dịch diễn biến nhanh, ngày càng khó lường.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tránh 2 khuynh hướng trong phòng, chống dịch Covid-19. Đó là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hoảng hốt, sợ sệt, mất bình tĩnh. Trong lúc này, phải càng hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, đánh giá đúng tình hình, lựa chọn phương án phù hợp với tình hình thực tế, nhằm đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa ổn định tình hình, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch và khắc phục hậu quả tốt hơn.
Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền, huy động sự vào cuộc của nhân dân, phát huy hết nội lực với tinh thần phòng cơ bản là chiến lược, lâu dài, quyết định; chống là quan trọng, thường xuyên và quyết định và tư tưởng chỉ đạo chống dịch như chống giặc.
Chuyển từ trạng thái phòng ngự, sang trạng thái kết hợp hài hòa giữa phòng ngự với tấn công, lấy tấn công là chính. Thông qua việc tăng cường các biện pháp về công nghệ, kiểm soát, giám sát, kiểm tra, đặc biệt thực hiện nghiêm biện pháp “5K+Vacxin”. Quán triệt phương châm hành động là phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình.
Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp, phân quyền từ Trung ương tới địa phương trong công tác phòng chống dịch, các cấp không làm thay trách nhiệm của nhau, vì sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Biểu dương, khen thưởng cá nhân, đơn vị làm tốt; phê bình, kỷ luật những tổ chức, cá nhân có vi phạm, thiếu tinh thần trách nhiệm, với quan điểm không nể nang, né tránh.
Đồng chí Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, phát huy vai trò của người dân trong việc giám sát, phát hiện những người nhập cảnh trái phép, siết chặt quản lý xuất nhập cảnh, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, cư trú bất hợp pháp. Tư tưởng chỉ đạo là tăng cường về cơ sở, hướng về cơ sở và kiểm soát chặt chẽ ở cơ sở và quy trách nhiệm nếu cơ sở làm không tốt. Bịt ngay các lỗ hổng trong thời gian qua về cách ly.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế nhanh chóng tiếp cận các nguồn để mua vaccine và tiêm vaccine trên diện rộng, trong đó ưu tiên các đối tượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao. Bộ Y tế cần rà soát các quy định, quy chế, tiêu chuẩn trong công tác phòng chống dịch theo các nguy cơ, các biện pháp xử lý. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, quyền hạn, tình hình cụ thể, từ các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ Y tế, chủ động quyết định các biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả.
Các tỉnh, thành quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo thẩm quyền nhưng cần đảm bảo phạm vi áp dụng gọn, hẹp nhất có thể, tránh tối đa các tác động bất lợi về kinh tế - xã hội, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, nguyên liệu sản xuất. Không áp dụng các biện pháp cực đoan, thái quá. Các tỉnh chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm, năng lực cách ly, xây dựng các kịch bản, tình huống có thể xảy ra, không được trông chờ, ỷ lại.
Đảm bảo an ninh, an toàn, an dân, mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, xây dựng kịch bản nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra các giải pháp bảo đảm kết thúc năm học 2020-2021 phù hợp, hiệu quả. Tăng cường thông tin truyền thông trung thực, khách quan, đúng bản chất về công tác phòng, chống dịch bệnh và hiệu quả đã đạt được để nhân dân biết, yên tâm và tích cực tham gia trong phòng chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh xảy ra.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, chúng ta đang đặt trong tình trạng báo động rất cao, do đó đề nghị các địa phương phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, coi như địa phương đang trong dịch, để khi xảy ra không bối rối, bỡ ngỡ.
Bởi đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (với chủng của Anh và Ấn Độ) nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước. Do vậy, dịch trong nước đang diễn biến nhanh, phức tạp và khó kiểm soát hơn so với các đợt trước và có thể xuất hiện thêm các ổ dịch có nguồn lây chưa kiểm soát được.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phươngnâng cao năng lực và chủ động xét nghiệm để phát hiện ca bệnh; các cơ sở y tế từ tuyến Trung ương đến tuyến cơ sở phải thực hiện công tác phòng, chống dịch; những cơ sở nào đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế mới cho phép nhận người cách ly.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trong công tác cách ly đối với chuyên gia nước ngoài thì cần làm chặt chẽ, sau cách ly thì phải bàn giao cho các cơ sở cư trú/nơi làm việc, không để tình trạng không có ai chịu trách nhiệm. Nếu doanh nghiệp mà vi phạm thì cũng phải chịu trách nhiệm, xử lý nghiêm.
Về công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh chưa có phòng xét nghiệm thì phải làm ngay, tập huấn cho các cán bộ CDC tại các tỉnh chưa có khả năng kết luận mẫu xét nghiệm. Quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 là quy trách nhiệm cho cá nhân theo từng cấp nếu để xảy ra sai phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Và chúng ta cùng nhau quyết tâm, phấn đấu và có lòng tin sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19./.