Chiều 18/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, 

bna_hop_52934719_1832021.jpgTại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

NỀN HÀNH CHÍNH CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong 10 năm qua, CCHC đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; Cải cách tài chính công; Hiện đại hóa nền hành chính.
 
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử đã đạt được kết quả quan trọng.

Kiểm tra việc triển khai công tác cải cách hành chính huyện Con Cuông. Ảnh: Thanh Lê

Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11 năm 2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.

 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết  số 653/2019/UBTVQH của UBTVQH cơ bản đã hoàn thành: Ở cấp huyện, đã tiến hành sắp xếp đối với 21 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 8 đơn vị. Đối với cấp xã, đã tiến hành sắp xếp đối với 1.047 đơn vị, giảm 557 đơn vị.
Về biên chế công chức (tính đến 31/3/2020): Các bộ, ngành Trung ương giảm 10.284 người so với số giao năm 2015; các địa phương giảm 13.612 người so với số giao năm 2015. 

Đến nay, tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Giảm 12 vụ và tương đương. Tại các tỉnh, thành phố: Giảm 5 tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 973 tổ chức cấp phòng; 127 tổ chức cấp chi cục; 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; ở cấp huyện: Giảm 294 tổ chức cấp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục.

Đó là, cải cách TTHC vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh. Cắt giảm TTHC ở những lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp ít cần được giải quyết. Tính liên thông trong cải cách TTHC chưa cao.

Tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc. Việc sắp xếp tổ chức chưa gắn kết với việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn là khâu yếu,…
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP TỐT HƠN

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác CCHC thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn, trách nhiệm của từng cơ quan các cấp chưa chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng thiếu văn hóa, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức; bộ máy hành chính Nhà nước vẫn còn cồng kềnh, sử dụng ngân sách Nhà nước còn lãng phí.

Định hướng công tác CCHC trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục khắc phục những tồn tại, bất cập xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại hướng về người dân và doanh nghiệp.

“Chúng ta muốn phát triển tốt hơn thì chúng ta phải có quyết tâm chính trị về CCHC trên các mặt thể chế, bộ máy, pháp luật, thủ tục và đội ngũ. Chúng ta phải thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm, tăng cường tính công khai, minh bạch để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Để làm sao tiếng kêu người dân và doanh nghiệp ít đi chứng tỏ chúng ta giải quyết công việc minh bạch”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo Thủ tướng, công tác CCHC phải làm cho đất nước hùng mạnh, người dân và mọi tổ chức có khát vọng phát triển xây dựng Việt Nam hùng cường vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

“Tôi đề nghị các cấp quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là: Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh, hiệu quả, tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ có chất lượng, tổ chức thực hiện tốt hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên tinh thần ấy công tác CCHC ở nước ta phải sát sao có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ, đột phá chiến lược đề ra. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ sau hội nghị này, tham mưu cho Chính phủ ban hành chương trình CCHC giai đoạn 2021 - 2030 đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm.

Đi cùng với đó là hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng cường công khai, minh bạch tiếp tục cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính; hoàn thiện chính sách pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền; đổi mới phương thức, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức,…

Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Dịp này, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động cho 2 tập thể: Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ và UBND tỉnh Quảng Ninh; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 17 tập thể và  22 cá nhân.