Chủ trì tại điểm cầu Nghệ An, có đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chủ trì có các đồng chí: Hoàng Viết Đường – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Cần một chế tài mạnh để xử lý, giải quyết khó khăn
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thời điểm hiện nay, nhân dân đang khó khăn về thu nhập do hậu quả của đại dịch Covid-19, công nhân mất việc, người lao động tiền lương thấp và đất nước đang gặp nhiều thử thách. Các dòng vốn đầu tư kể cả đầu tư xã hội, đầu tư nhà nước đều chậm và thấp so với kế hoạch. Trong bối cảnh đó, đầu tư công là một trong những cứu cánh để nước ta vượt qua khó khăn, đảm bảo sự ổn định về kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh rằng, công tác giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đang chậm, hiệu quả thấp. Thủ tướng yêu cầu thông qua hội nghị lần này để làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan về việc chậm trễ trong thực hiện nguồn vốn này.
Thủ tướng đặt câu hỏi, tại sao cũng chính sách như nhau, điều kiện, hoàn cảnh như nhau nhưng địa phương này thực hiện tốt nguồn vốn đầu tư công, trong khi các địa phương khác vẫn thực hiện ì ạch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bệnh quan liêu xa dân chính là một trong những nguyên nhân khiến cho hoạt động đầu tư công chậm tiến độ, nhiều công trình, dự án quan trọng không thể triển khai. Người đứng đầu Chính phủ cũng biểu dương 10 tỉnh thực hiện tốt nguồn vốn đầu tư công với tỷ lệ giải ngân đạt từ hơn 44 – hơn 67%, đồng thời nhắc nhở, phê bình các tỉnh yếu kém.
Nhấn mạnh không được đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, Thủ tướng yêu cầu thông qua hội nghị nhằm đưa ra một chế tài mạnh trong điều hành, xử lý, giải quyết những khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công, bởi đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa cấp thiết, quan trọng để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019 nhưng tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu.
Theo đó, bên cạnh 3 Bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%, vẫn có 30 Bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 Bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.
Đối với tỉnh Nghệ An, nguồn đầu tư vốn ngân sách nhà nước đã được giao là hơn 5.697 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 30/6/2020 là hơn 3.591 tỷ đồng, đạt 63%, trong đó một số nguồn vốn giải ngân đạt khá là vốn ngân sách địa phương 74,8%; nguồn Chương trình mục tiêu theo ngân sách Trung ương là 67%.
Tính đến ngày 30/6/2020, Nghệ An đã thực hiện thẩm tra, phê duyệt quyết toán 1.162 dự án với tổng giá trị đề nghị quyết toán 2.162 tỷ đồng, chênh lệch giảm sau thẩm tra 5.242 tỷ đồng, tiết kiệm 1,66%.
Về tình hình thẩm định dự án đầu tư, công tác đấu thầu thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tiếp nhận, thẩm định 95 dự án mới với tổng mức đầu tư trình duyệt là 619,9 tỷ đồng, được duyệt 608,3 tỷ đồng, giảm 11,6 tỷ đồng (tỷ lệ giảm 1,87%).
Về thẩm định điều chỉnh, bổ sung dự án, tổng số dự án tiếp nhận, thẩm định là 17 dự án với tổng mức đầu tư trình duyệt là 1.133,6 tỷ đồng, được duyệt 1.104,8 tỷ đồng.
Về tình hình thẩm định kế hoạch đấu thầu: tổng số 406 gói thầu với tổng giá trị 1.068,3 tỷ đồng, trong đó, đấu thầu rộng rãi 69 gói; Chào hàng cạnh tranh 23 gói; Chỉ định thầu 291 gói; Tự thực hiện 23 gói.
Được chỉ định tham gia thảo luận đầu tiên tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, nhất là tác động của dịch Covid-19 nhưng Nghệ An vẫn đạt được những kết quả khả quan về công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Theo chia sẻ đồng chí Nguyễn Đức Trung, có 3 thuận lợi lớn thúc đẩy tiến độ thực hiện vốn đầu tư công. Thứ nhất việc giao vốn đầu tư công năm 2020 được thực hiện sớm, là năm đầu tiên ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao vốn là các địa phương có thể phân khai chi tiết. Khác với trước đây, sau khi Thủ tướng giao sẽ đến Bộ KH&ĐT giao, sau đó mới về địa phương giao. Đây là khâu đổi mới trong công tác kế hoạch và tạo điều kiện cho các địa phương có thể thực hiện giao vốn nhanh, giải ngân sớm.
Thứ hai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều kiện tác động của dịch Covid-19 đã có chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều văn bản như: Chỉ thị 11, Nghị quyết 84, Công văn 622 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ coi công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% trong năm 2020 là 1 trong 5 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ ba đó là sự hướng dẫn kịp thời, tháo gỡ vướng mắc kịp thời của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các thủ tục giải ngân vốn đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, ngay từ đầu năm tỉnh đã bám sát, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ, và có các văn bản cụ thể hóa các chỉ đạo này. “Chúng tôi thực hiện phân khai ngay một lần các nguồn vốn được giao để các địa phương, các ngành có điều kiện triển khai sớm; thành lập các tổ công tác đôn đốc, chỉ đạo giải ngân vốn. Đối với các dự án trọng điểm, giao trực tiếp cho đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc giải ngân, kịp thời tháo gỡ vướng mắc các dự án này để đạt được mục tiêu giải ngân vốn 100% trong năm 2020" - đồng chí Nguyễn Đức Trung chia sẻ.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh chỉ đạo quyết liệt hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đầu tư, thanh toán các dự án sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện việc giải ngân; phân công, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Những ngành, địa phương có kết quả giải ngân thấp thì người đứng đầu phải có giải trình và chịu trách nhiệm.
Tỉnh cũng giao rà soát tiến độ cụ thể đối với từng dự án để thực hiện, và cương quyết trong tháng 7 năm nay các dự án không đạt được tỷ lệ giải ngân sẽ điều chuyển vốn cho các dự án có khả năng giải ngân cao hơn.
Biểu dương tỉnh Nghệ An về những tiến bộ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ cho rằng kinh nghiệm mà tỉnh nêu ra là rất quan trọng. Đó là những dự án lớn, lĩnh vực quan trọng, giao cho Phó Chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo điều hành, bao gồm cả việc xử lý và đôn đốc giải ngân. “Chứ không phải ông chủ tịch ôm hết tất cả, trong khi không nắm cụ thể, không kiểm tra đôn đốc. Điều này các tỉnh nên lưu ý” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Theo kế hoạch năm nay cả nước phải giải ngân 28 tỷ USD, tương đương 630.000 tỷ đồng, trong đó các địa phương chiếm gần 80%. Tuy nhiên, qua nắm tình hình cho thấy công tác chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư còn yếu kém, nhiều bất cập, chưa phân bổ gần 6% vốn trong 7.000 tỷ đồng để giải ngân.