Cùng dự lễ khai mạc sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư, thanh niên, sinh viên.
Chưa bao giờ khát vọng khởi nghiệp lại cháy bỏng như bây giờ
“Cũng như các bạn, ai cũng có khát vọng và mơ ước, mong muốn được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống”, Thủ tướng mở đầu bài phát biểu. Khát vọng của mỗi người Việt Nam sẽ hòa mình vào khát vọng lớn hơn của dân tộc chúng ta về một đất nước thịnh vượng, người dân hạnh phúc. Năm 2045, thời điểm tròn 100 năm Quốc khánh, mục tiêu Việt Nam sẽ là một nước phát triển, với thu nhập người dân hơn 18.000 USD. Thủ tướng tin tưởng rằng làn sóng khởi nghiệp hiện nay sẽ hình thành nên lớp thế hệ doanh nhân đầy tự hào của Việt Nam chúng ta. Không món quà nào có ý nghĩa hơn món quà này cho năm 2045.
Thủ tướng cho biết, trên công cụ tìm kiếm Google đang có hàng triệu tin bài liên quan đến các từ khóa “khởi nghiệp”, “sáng tạo”. Trong khi đó, cách đây mấy năm, từ khóa này vẫn còn ít thịnh hành ở Việt Nam. Điều này cho thấy sự quan tâm của xã hội đến vấn đề khởi nghiệp, sáng tạo đang ngày càng lớn. Như vậy là thêm một tín hiệu vui nữa cho ngày hội của chúng ta.
“Chúng ta đang chứng kiến không khí khởi nghiệp đang lan tỏa rộng khắp cả nước, trên mọi miền tổ quốc, từ giới trẻ cho đến người lớn tuổi, bất kể dân tộc, tôn giáo vì khởi nghiệp là không có ranh giới và giới hạn.
Chúng ta có rất nhiều chương trình khởi nghiệp trên truyền hình, một số tờ báo cũng dành nhiều không gian cho các diễn đàn và ý tưởng khởi nghiệp, một số trường đại học cũng có các chương trình đào tạo hay trung tâm khởi nghiệp,... Có thể nói chưa bao giờ khát vọng khởi nghiệp lại cháy bỏng trong mỗi chúng ta như bây giờ. Ai trong chúng ta cũng muốn tạo dựng được một sự nghiệp vững chắc cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội – Thủ tướng khẳng định.
Người Việt có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo
“Nhưng mục tiêu của khởi nghiệp không chỉ thuần túy là một con đường kiếm sống, tạo dựng sự nghiệp mà còn là một triết lý sống, khẳng định mình, thử thách bản thân, kiểm tra giới hạn tiềm tàng của chúng ta”, Thủ tướng nói.
Tại sao chúng ta gọi là khởi nghiệp sáng tạo? Thủ tướng nêu vấn đề và lý giải: Nội hàm của từ khóa này rất sâu sắc, trong đó chúng ta xem sự sáng tạo là một thứ tài nguyên mới để chúng ta khởi nghiệp. Nhân loại không còn nhiều tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy, nhưng chúng ta lại có thứ tài nguyên vô tận, đó chính là sự sáng tạo của con người, của chính tiềm năng trong mỗi chúng ta.
Không có thứ tài nguyên nào vô tận và vĩnh cửu như khả năng sáng tạo cả. Khởi nghiệp trên nền tảng sáng tạo tôi tin thành công ắt sẽ đến.
Sáng tạo phải từ con người và vì con người. Con người phải là trung tâm của sáng tạo. Người Việt Nam chúng ta có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo. Thủ tướng tin nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước. “Chúng ta hãy cùng ươm mầm ước mơ và hiện thực hóa khát vọng khởi nghiệp sáng tạo không giới hạn của chúng ta”.
Bày tỏ vui mừng vì trên bảng xếp hạng về các thương hiệu khởi nghiệp giá trị trên thế giới có 93 cái tên đến từ Việt Nam, trong đó có một số thương hiệu xếp trong top 500 và top 1.000 của thế giới như Baomoi, Web-Sosanh, Lozi, HelloBacsi…, nhưng Thủ tướng tin vẫn còn nhiều khởi nghiệp sáng tạo có giá trị khác của Việt Nam đã chưa được cập nhật hoặc đang bị bỏ sót trên bảng xếp hạng. Bởi vì con số 93 startup của chúng ta vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của chúng ta.
Thủ tướng cho biết, chỉ số Sáng tạo Toàn cầu (GII) 2018 của Việt Nam xếp ở vị trí khá cao, thứ 45/126 nền kinh tế được xếp hạng. Xếp hạng Chỉ số Theo dõi Doanh nhân toàn cầu (GEM), chúng ta xếp thứ 15/54 nền kinh tế được xếp hạng.
Mọi ý tưởng khởi nghiệp dù lớn hay nhỏ đều đáng quý
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một thực trạng là hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta vẫn chưa tốt.
“Tôi muốn hỏi các bạn một câu: Các bạn có sợ thất bại khi khởi nghiệp không? Tôi tin có những bạn trả lời là có. Đó cũng là lẽ tự nhiên. Chúng ta hiểu rằng, hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một sự trải nghiệm mạo hiểm thú vị, đó là quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và khám phá khả năng của bản thân”, Thủ tướng nói.
Dẫn câu nói của ông bà ta “thất bại là mẹ thành công” hay câu nói ở Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ): “Bạn sẽ không thành công nếu chưa bao giờ thất bại. Bạn sẽ học được nhiều điều từ thất bại”, Thủ tướng đặt vấn đề: Các bạn đã sẵn sàng chấp nhận “thử và sai” chưa? Tất cả chúng ta hãy hun đúc tinh thần khởi nghiệp không sợ hãi.
“Tôi mong các bạn trẻ hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa những ước mơ và hoài bão của mình. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không nhất thiết bắt nguồn từ mong muốn làm chủ, tìm kiếm lợi nhuận cao. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng không nhất thiết là bắt đầu từ những điều lớn lao mà nhiều khi từ những công việc giản dị, những điều bình thường với những giải pháp mới, sáng tạo, có khi chỉ là mở rộng kinh doanh, lĩnh vực mới, sản phẩm mới, sáng tạo kỹ thuật mới. Khởi nghiệp có thể bắt đầu bằng việc lập công ty, hoặc hộ kinh doanh hay bắt đầu từ việc tái cấu trúc một doanh nghiệp có lịch sử phát triển lâu dài. Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, miễn là nó tạo cho bạn sống với ước mơ của mình và qua đó tạo ra giá trị cho xã hội. Hãy tự tin lên, hãy có những khát vọng cháy bỏng và luôn duy trì ngọn lửa đam mê và hoài bão của mình”.
Hình thành một Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất
Thủ tướng nhìn nhận, Chính phủ cũng nên tự hỏi mình tại sao có nhiều người Việt Nam phải ra nước ngoài khởi nghiệp, đặc biệt là Singapore. Được biết trình duyệt Cốc Cốc, mạng xã hội về địa điểm ăn uống Lozi… được xem là những dự án khởi nghiệp khá thành công của người Việt nhưng lại chọn Singapore làm nơi đăng ký kinh doanh. “Thiết nghĩ chúng ta phải dám thừa nhận mình đang yếu hơn Singapore để chúng ta học tập họ, nhìn sang những gì họ đang làm tốt để chúng ta làm theo nhưng không hoàn toàn theo sau họ. Chúng ta hãy tự tin rằng mình có thể làm tốt hơn Singapore ở nhiều tiêu chí nào đó”.
Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định Chính phủ cam kết sẽ bảo hộ tối cao quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp. Vì Chính phủ hiểu rằng, đây là tài sản vô cùng lớn, thậm chí là vô giá hoặc duy nhất của các bạn. Các bộ ngành và chính quyền địa phương cần xem việc hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình.
Phải hình thành được một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, kết nối và hội tụ những người có năng lực ở nhiều lĩnh vực như quản trị, công nghệ, tài chính, marketing… vào một cụm. Nói khác đi, chúng ta phải có được một trái tim hệ sinh thái khởi nghiệp.
Hiện tại Việt Nam có nhiều trung tâm khởi nghiệp ở khắp mọi nơi nhưng hoạt động lại rời rạc và thiếu kết nối. Chúng ta cần kết nối các trung tâm khởi nghiệp này lại để tăng khả năng tương tác và hiệu ứng cộng hưởng giá trị.
Thủ tướng đề xuất hình thành một Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất (trước mắt đặt tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng) và xây dựng Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam nuôi dưỡng các bạn thanh niên như người mẹ nuôi dưỡng con khôn lớn. “Đã đến lúc phải đi ra thế giới, chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam. Một giấc mơ quốc gia vĩ đại sẽ làm nên các doanh nghiệp vĩ đại, những con người vĩ đại. Chính bản thân các bạn thanh niên hôm nay cũng cần có một giấc mơ lớn hơn, một khát vọng lớn hơn và đó sẽ là lý do tồn tại, phát triển cho các bạn trong chặng đường phía trước”.
“Tôi xin chúc các bạn nhiều niềm tin hơn, nhiều khát vọng hơn, nhiều lao động hơn, nhiều trách nhiệm hơn với đất nước mình để hiện thực hóa giấc mơ Việt Nam hùng cường”, Thủ tướng nói.