(Baonghean) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa có chuyến công du 5 ngày tới 3 nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương là Seychelles, Mauritius và Sri Lanka. Đây là 3 quốc gia vốn nằm trong khu vực “sân sau” của New Dehli và được đánh giá là có tầm quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương. Vì vậy theo giới phân tích, chuyến đi của Thủ tướng Modi là nhằm điều chỉnh chính sách đối ngoại, tái khẳng định vị thế của Ấn Độ tại khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tiến sâu hơn vào khu vực này và hình ảnh của New Delhi cũng đang bị suy giảm ngay chính tại “sân sau” trong những năm vừa qua.
Mục đích của chuyến công du
Ngay trước chuyến công du, báo chí Ấn Độ đã nhận định rằng, chuyến công du 3 nước Ấn Độ Dương của Thủ tướng Modi là nhằm gửi thông điệp đến các nước trong khu vực về sự cần thiết tăng cường hợp tác để đối phó với những thách thức an ninh và hướng tới một số kế hoạch hợp tác an ninh, quốc phòng chung trong khu vực. Và trong đó, dĩ nhiên có đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc. Mặc dù như thông lệ, trong các buổi hội đàm và thảo luận tại các điểm dừng chân của Thủ tướng Modi, yếu tố Trung Quốc không hề xuất hiện. Thế nhưng người ta có thể thấy được các bước đi mà New Dehli đang hướng tới đều nhắm tới Bắc Kinh.
Nhìn lại những năm qua, sự xuất hiện của Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao và các chương trình hợp tác kinh tế, hỗ trợ tài chính với các quốc đảo trong khu vực Ấn Độ Dương đã thể hiện một chiến lược tăng cường hiện diện và ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực này.
Thực tế, Ấn Độ từ lâu cũng đã có một chiến lược bài bản với khu vực được gọi là “sân sau”, thế nhưng theo giới phân tích, dù đến sau nhưng Trung Quốc đã nhanh chân hơn và xúc tiến mạnh mẽ hơn. Chính điều này đã khiến New Dehli “sực tỉnh” và buộc phải điều chỉnh lại chính sách với Ấn Độ Dương.
Những thỏa thuận vừa đạt được cũng như đang thảo luận giữa Thủ tướng Modi và lãnh đạo 3 nước Seychelles, Mauritius và Sri Lanka đã cho thấy điều này. Có thể kể đến kế hoạch hợp tác, hỗ trợ quốc phòng như: cung cấp tàu tuần tra, xây dựng năng lực, mở rộng các cuộc diễn tập quân sự 3 bên (Ấn Độ - Maldives - Sri Lanka) với Seychelles và Mauritius cũng như tìm kiếm các biện pháp tăng cường hợp tác an ninh hàng hải. Đáng chú ý nữa là việc khánh thành hệ thống ra đa đầu tiên trên đảo Mahe thuộc Syschelles. Tiếp đó, 7 trạm tiếp theo tại Seychelles sẽ được triển khai trong 6 tháng tới. Các trạm tiếp theo sẽ đặt tại Mahe và các đảo khác bên ngoài. Theo các chuyên gia, mạng lưới này sẽ hỗ trợ kiểm soát Vùng đặc quyền kinh tế của các quốc đảo Ấn Độ Dương, đồng thời giúp Ấn Độ giám sát các tàu thuyền qua lại khu vực “sân sau” của mình. Rõ ràng, Thủ tướng Modi từ khi lên cầm quyền đã nhận rõ được các bước đi của Trung Quốc, và từng bước cho Bắc Kinh thấy rằng, Ấn Độ Dương vẫn luôn là “sân sau” của New Dehli.
Tái khẳng định vị trí chiến lược
Là sân sau và cũng có vị trí địa chiến lược quan trọng, bởi vậy khu vực Ấn Độ Dương và các quốc gia trong khu vực này chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Ngoài yếu tố Trung Quốc thì việc hợp tác trong nhiều mặt với các quốc gia như Seychelles, Mauritius và Sri Lanka cũng nằm trong chiến lược phát triển lâu dài của Ấn Độ. Ấn Độ Dương có diện tích 75 triệu km2, lớn thứ 3 sau Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, có vai trò quan trọng hàng đầu với an ninh, hàng hải, nguồn năng lượng dự trữ khoáng sản…; và dĩ nhiên, là mục tiêu của nhiều nước lớn như Nga, Trung Quốc và tất nhiên có Ấn Độ… Ấn Độ Dương có các tuyến đường biển quan trọng nối Trung Đông, châu Phi và Đông Á với châu Âu và châu Mỹ, đồng thời có các tuyến vận chuyển dầu khí và các sản phẩm dầu khí quan trọng. Số liệu thống kê cho thấy, hiện có khoảng 40% sản lượng dầu khí trên biển của thế giới là từ Ấn Độ Dương.
Hiện chính sách của Thủ tướng Modi là duy trì và phát triển an ninh hàng hải an toàn và hiệu quả; khai thác các nguồn tài nguyên biển, nguyên nhiên liệu; thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường và không nằm ngoài mục tiêu cạnh tranh với Trung Quốc. Bởi vậy, Thủ tướng Modi nhấn mạnh rằng, chuyến thăm của ông tới 3 quốc đảo tại khu vực phản ánh ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với các nước láng giềng liền kề và mở rộng.
Trong bối cảnh mới, Thủ tướng Modi đang xúc tiến hợp tác trên 2 mặt chính: Thứ nhất là hợp tác kinh tế, đây là mũi tên chính của Ấn Độ và cũng là cách mà Trung Quốc đang thực hiện. Thứ hai, đa dạng hóa các lĩnh vực hợp tác khác để phục vụ các mục tiêu chiến lược mà Thủ tướng Modi đặt ra trong khu vực. Ví dụ, Ấn Độ đang xác định vai trò của mình như là một nhà cung cấp an ninh mạng, tàu tuần tra, radar giám sát và lập bản đồ biển cho các quốc đảo này. Như tại Seychelles, Ấn Độ và nước này đã ký 4 thoả thuận nhằm tăng cường đối tác an ninh và hàng hải, gồm hợp tác về thủy văn, năng lượng táo tạo, phát triển hạ tầng và trao đổi về bản đồ hàng hải điện tử. Hay với Mauritius, Thủ tướng Modi đang có kế hoạch hỗ trợ tài chính để nước này sở hữu 13 chiếc tàu Barracuda trong thời gian tới.
Cạnh tranh không xung đột
Như vậy không thể phủ nhận, chuyến công du lần này của Thủ tướng Modi là chiến lược nhằm giành lại ảnh hưởng và vị thế của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và Nam Á thông qua con đường ngoại giao và hợp tác kinh tế, quốc phòng. Giới phân tích đã nhiều lần đưa ra nhận định rằng, Ấn Độ Dương sẽ là một trong những đối tượng hàng đầu trong các cuộc cạnh tranh lớn giữa các “ông lớn” trong thế kỷ XXI. Nhận định này đang ngày càng được chứng minh rõ hơn với kế hoạch xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển” trị giá tới 40 tỷ USD của Trung Quốc. Chiến lược này của Bắc Kinh được cho là vòng cung hạn chế sức ảnh hưởng của New Dehli đã khiến chính quyền Thủ tướng Modi khó có thể ngồi yên, vì thế mà đang xúc tiến gia tăng hiện diện quốc phòng tại khu vực này.
Cạnh tranh về chính trị, kinh tế và quốc phòng nhưng giới chuyên gia dự báo rằng, sẽ khó xảy ra một kịch bản xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực này. Bởi cả hai bên đều hiểu rằng, nếu điều này xảy ra sẽ chỉ làm hỏng chiến lược của cả hai bên. Có thể có những cọ xát nhỏ, thế nhưng, cảnh báo lẫn nhau mới là công việc chính mà hai bên đang và sẽ làm. Vì vậy, chưa biết Trung Quốc hay Ấn Độ sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua giành ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương, thế nhưng, chuyến công du Seychelles, Mauritius và Sri Lanka của Thủ tướng Modi ít nhất cũng đang mở ra một giai đoạn mới có tính bước ngoặt của cuộc đua chưa có hồi kết này.
Khang Duy
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sinh ngày 17/9/1950, là con thứ ba trong một gia đình bán hàng tạp phẩm ở Mehsana, phía Bắc bang Gujarat. Ông chính thức bước vào chính trường kể từ khi gia nhập đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) năm 1987. Trước khi trở thành Thủ tướng, ông Modi giữ chức Thủ hiến bang Gujarat trong 10 năm liên tục và đã đưa bang này trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của Ấn Độ. |