Chiều 24/6, 925.790 thí sinh sẽ đến làm thủ tục để ngày mai bắt đầu thi THPT quốc gia - kỳ thi cuối cùng trong đời học sinh, quyết định tương lai nghề nghiệp của mỗi em. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã có những trao đổi về công tác chuẩn bị kỳ thi.
- Qua kiểm tra các địa phương, Thứ trưởng đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia?
- Để chuẩn bị cho kỳ thi, Ban Chỉ đạo quốc gia thi và tuyển sinh 2018 được thành lập với Trưởng ban là Bộ trưởng Giáo dục. Bộ đã ban hành quy chế, tài liệu hướng dẫn chi tiết quy trình tổ chức kỳ thi, gửi công văn đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh/thành phối hợp chuẩn bị.
63 tỉnh/thành phố đã lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh do một Phó chủ tịch làm trưởng ban, phân công trách nhiệm cụ thể tới từng sở, ngành, đảm bảo cho kỳ thi được tổ chức tốt nhất. Một số nơi còn lập ra Ban chỉ đạo thi cấp huyện, giúp chuẩn bị và tổ chức kỳ thi ở các điểm thi được chu đáo.
Các Sở Giáo dục đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi cho cán bộ coi thi, thanh tra; rà soát kỹ lưỡng điều kiện cơ sở vật chất của điểm thi...
Công an các tỉnh/thành đã triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh cho kỳ thi, đặc biệt là bảo mật đề, vận chuyển đề thi, bài thi, đảm bảo an toàn cho khu vực in sao đề thi, chấm thi. Các thiết bị công nghệ cao có thể sử dụng để gian lận thi cử cũng được công an công khai và có hướng dẫn giúp giám thị nhận biết...
Qua thực tế kiểm tra và báo cáo từ địa phương, đến nay mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã hoàn tất.
- Việc lọt đề thi vào lớp 10 của Hà Nội khiến dư luận lo ngại về tính bảo mật của đề thi THPT quốc gia. Bộ đã làm gì để sự cố không lặp lại?
- Năm nay Bộ Giáo dục đã chỉ đạo cho các địa phương chú ý kiểm soát thiết bị công nghệ cao, có phương án bảo vệ, bảo mật đề, đặc biệt là quán triệt tới thí sinh, giám thị những đồ dùng được mang vào phòng thi.
Cả giám thị và thí sinh tuyệt đối không được mang theo điện thoại di động, thiết bị thu phát sóng vào phòng thi. Dù dùng hay không, người đó vẫn bị lập biên bản, hủy kết quả làm bài và xử lý trách nhiệm.
Chúng tôi cũng yêu cầu trước khi phát đề cho thí sinh, giám thị phải nhắc lại lần nữa việc không được mang thiết bị công nghệ cao, để em nào quên mang vào phòng thi sẽ tự giác gửi ra ngoài. Những thí sinh sau đó bị phát hiện có thiết bị cầm theo là cố tình vi phạm quy chế thi và phải chấp nhận mức kỷ luật cao nhất.
Trong phiên họp đầu tiên của điểm thi (sáng 24/6), các trưởng điểm cần đặc biệt nhấn mạnh cán bộ coi thi thực hiện đúng và hết trách nhiệm của mình, ai có người thân, con em ruột tham gia dự kỳ thi thì tự giác xin thôi làm thi THPT quốc gia. Nếu mỗi cán bộ coi thi làm hết trách nhiệm, việc gian lận thi cử khó có thể xảy ra.
- Những mùa thi năm trước, vẫn có phản ánh giám thị coi thi thiếu nghiêm túc, trông dễ dãi để thí sinh trao đổi bài với nhau. Ở kỳ thi năm nay, công tác này được quán triệt đến các hội đồng thi như thế nào?
- Khi kiểm tra tất cả khâu ở địa phương, đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo quốc gia, thanh tra Bộ đặc biệt chú ý đến công tác chuẩn bị coi thi. Trong Hướng dẫn thực hiện quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp năm 2018, Bộ Giáo dục đã yêu cầu rõ là các Sở Giáo dục, trường đại học phải tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ thi cho giáo viên, cán bộ, giảng viên được cử đi coi thi.
Sáng 24/6, trong buổi họp đầu tiên của điểm thi, một lần nữa trưởng điểm sẽ quán triệt lại quy chế thi, chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên trong điểm thi, từ điểm trưởng, điểm phó, thư ký, giám sát, cán bộ coi thi…
Mỗi điểm thi đều có đội ngũ giám sát và 2 thanh tra thi, một người của địa phương và một của trường đại học. Với cách làm và sự chỉ đạo kỹ lưỡng như thế, các cán bộ khi vào trường thi đều nắm vững quy chế, nghiệp vụ và làm thi nghiêm túc.
- Số lượng thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 tăng hơn 60.000 so với năm trước, đồng nghĩa số đề thi sẽ tăng lên, sai sót trong quá trình in sao đề cũng dễ xảy ra. Qua kiểm tra thực tế và báo cáo từ địa phương, Thứ trưởng ghi nhận như thế nào về công tác in sao đề này?
- Công tác in sao đề thi được địa phương đặc biệt quan tâm, nhất là bảo mật khu vực in sao, đề thi... Đến giờ này, các địa phương đều báo cáo việc in sao đã hoàn tất và không có sự cố gì.
- Đề thi THPT quốc gia 2017 được đánh giá là phân loại kém dẫn đến tình trạng "mưa điểm 10", gây khó khăn trong khâu xét tuyển vào các đại học, cao đẳng. Trong kỳ thi năm nay, nhược điểm này sẽ được khắc phục như thế nào?
- Kỳ thi THPT quốc gia có hai mục tiêu, vừa xét tốt nghiệp THPT và vừa là căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng, do đó đề thi phải đảm bảo được tính phân hóa.
Đề tham khảo được Bộ Giáo dục công bố vào tháng 1/2018 đã thể hiện rõ cấu trúc và tính phân loại của đề chính thức. Trong đó, 60% là kiến thức cơ bản để phục vụ việc công nhận tốt nghiệp THPT, 40% kiến thức nâng cao phục vụ phân loại học sinh vào các đại học, cao đẳng.
Rút kinh nghiệm năm trước, lần này Bộ đã tổ chức cân đối từng đề thi, để đảm bảo độ chênh lệch khó dễ giữa các đề là ngang nhau, đặc biệt phải có tính phân hóa. Tôi tin rằng, với đề thi năm nay, việc đạt được điểm 9-10 sẽ khó khăn hơn.
- Những thay đổi của đề thi THPT quốc gia năm nay so với năm trước là gì?
- Điểm mới của đề thi THPT quốc gia 2018 là có thêm nội dung kiến thức lớp 11. Điều này được công bố từ năm trước nên các nhà trường và học sinh đã chủ động ôn tập kỹ lưỡng.
Đúng theo cấu trúc trong đề tham khảo đã công bố, nội dung kiến thức lớp 11 ở đề chính thức chỉ chiếm 20%, còn chủ yếu là lớp 12. Nội dung đề bám sát chương trình sách giáo khoa, điều này sẽ giúp giảm bớt vất cả cho thí sinh trong ôn tập, thi cử.
- Thứ trưởng muốn nhắn nhủ gì tới tất cả sĩ tử của kỳ thi THPT quốc gia 2018?
- Kỳ thi THPT quốc gia là bước ngoặt quan trọng với học sinh lớp 12 nên các em đều đã chuẩn bị kỹ càng kiến thức, nhà trường cũng dành thời gian ôn tập kỹ lưỡng cho học sinh.
Tôi mong rằng, ngoài kiến thức đó, các em sẽ chuẩn bị tốt tâm lý, mang đầy đủ dụng cụ làm bài đúng quy chế như Atlat địa lý, máy tính cầm tay..., tránh cầm theo thiết bị không được phép vào phòng thi và bị kỷ luật đáng tiếc. Quan trọng nhất khi làm bài là các em phải thật bình tĩnh, tự tin.
Kỳ thi THPT quốc gia đã có nhiều đổi mới theo hướng vất vả dành cho người lớn, thuận lợi để cho thí sinh. Những năm trước, các em phải đi xa để tham gia kỳ thi thì giờ đây chỉ phải di chuyển trong quận/huyện của tỉnh thành mình theo học. Các gia đình cũng không phải lo việc tìm kiếm nhà nghỉ, chi phí đi lại, ăn ở những ngày thi cử kéo dài...
Tinh thần của kỳ thi THPT quốc gia 2018 là nghiêm túc nhưng không căng thẳng. Đây là một trong điều kiện để giúp thí sinh thoải mái tâm lý và làm bài thi tốt nhất. Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi quan trọng này.