"Tôi rất bất bình và quả thật là kinh hoàng trước hành động của các cô giáo ở đó. Những hành động bạo hành của các cô đối với trẻ khiến tôi rất đau lòng".
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khi trao đổi với PV Dân trí về vụ giáo viên bạo hành trẻ mầm non tại cơ sở giáo dục Mầm xanh (quận 12, TP Hồ Chí Minh) gây bức xúc dư luận.
- Một video quay lại cảnh cô các cô giáo đánh, đạp, dùng dao dọa học sinh vừa được báo chí ghi lại gây phẫn nộ dư luận. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nắm được việc này chưa, thưa Thứ trưởng?
Trước khi có báo cáo của lãnh đạo Vụ mầm non về sự việc, tôi đã trực tiếp xem video này qua chương trình thời sự trước đó.
Tôi rất bất bình và quả thật là kinh hoàng trước hành động của các cô giáo ở đó. Những hành động bạo hành của các cô đối với trẻ khiến tôi rất đau lòng.
Tối qua (26/11), Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) đã có báo cáo bằng văn bản nhưng trong sáng nay (27/11), tôi đã đích thân gọi đến Ban Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, yêu cầu Giám đốc, Phó Giám đốc Sở phải đích thân kiểm tra tận nơi và phối hợp với các ban ngành để xử lý nghiêm sự việc.
- Đây không phải lần đầu tiên một nhóm lớp tư thục để xảy ra tình trạng bạo hành. Theo bà, trách nhiệm của những đơn vị đứng ra cấp phép các nhóm lớp này đến đâu, khi để xảy ra nhiều câu chuyện bạo hành đau lòng như vậy?
Việc cấp phép các nhóm lớp mầm non trực tiếp ở các địa phương. Đơn vị giáo dục địa phương chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn.
Tôi nghĩ, đây là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý ở các địa phương, cũng như việc tăng cường kiểm tra, cấp phép cho các nhóm lớp theo quy định để xử lý, đặc biệt là ở cấp phường.
- Giáo viên bạo hành trẻ ở trường học từ lâu đã gây phẫn nộ cho người dân. Bà nghĩ thế nào khi trẻ đến lớp đáng ra phải được an toàn nhưng ở đây lại xảy ra bạo lực thân thể nghiêm trọng?
Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này bởi trẻ đến trường, lớp trước hết phải an toàn. Thế nhưng ở đây, các cô sử dụng tất cả các vật dụng có thể như: Muôi, gáo nhựa, chai… thậm chí dùng dao uy hiếp học sinh. Điều đó không những ảnh hưởng tới thể xác mà còn gây tổn thương sâu sắc về tinh thần trẻ.
Từ trước đến nay, có một số vụ bạo hành trong nhà trường, nhưng có lẽ đây là vụ việc nghiêm trọng nhất. Qua đây cũng cho thấy, các địa phương, các phòng giáo dục, cần xem xét lại việc cấp phép cho các cơ sở giáo dục đã đúng quy định chưa, đồng thời tăng cường công tác thanh tra giám sát.
- Quan điểm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT như thế nào về vụ việc này, thưa Thứ trưởng?
Trong chiều 27/11, các đơn vị sẽ có báo cáo sự việc về Bộ GD&ĐT. Điều đó để thấy, chúng tôi rất quan tâm đến vụ việc. Các cơ quan chức năng và phía công an cũng đang điều tra và quan điểm của chúng tôi, phải xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội.
Thậm chí theo tôi, những hành động trên đây thậm chí có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự. Tôi cũng trao đổi với cả Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, ngay cả chủ nhóm lớp cũng bạo hành thì không thể tin nổi được.
- Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nhiều vụ giáo viên bạo hành trẻ mầm non nghiêm trọng được phát hiện bởi báo chí. Nếu không có báo chí, các sự việc này liệu sẽ kéo dài bao lâu và ảnh hưởng đến trẻ thế nào, thưa bà?
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương mà Thành ủy, Ủy ban và các ban ngành vào cuộc rất quyết liệt. Họ có Nghị quyết 01/2014 NQ- HĐND về hỗ trợ giáo dục mầm non. Họ cũng là đơn vị tiên phong thí điểm nhận trẻ từ 6 tháng tuổi tại các cơ sở giáo dục nhưng vẫn quá tải trường lớp vì dân nhập cư quá đông nên phải mở nhóm lớp tư thục.
Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa, vẫn phải giám sát chặt chẽ việc mở trường lớp bởi nhiều khi, các cô thường dồn mọi bức xúc trong cuộc sống lên đầu trẻ là hoàn toàn không được. Đây có thể xem là hành hạ các cháu chứ không đơn giản nữa.
- Theo bà, làm thế nào để phụ huynh có thể yên tâm gửi con ở các nhóm lớp vừa và nhỏ khi ở đây chủ yếu tập trung các giáo viên không đạt chuẩn? Trong khi đó,nhiều phụ huynh không có điều kiện gửi con ở các nhóm lớp có camera?
Vừa qua, Chính phủ có quyết định 404/QĐ-TTG hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục. Trong đó có 10 tỉnh đã thực hiện và TP Hồ Chí Minh là một trong 10 tỉnh đó. Cụ thể, địa phương này đã hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên để đủ điều kiện cấp phép... Ngoài ra, Hội phụ nữ cũng có nhiều hoạt động để hỗ trợ các nhóm lớp tư thục.
Tuy nhiên, tại các khu chế xuất công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai…có rất nhiều nhóm lớp nhưng hiện vẫn không đủ. Và những nhóm lớp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ bởi có những người được đào tạo chu đáo nhưng có những người không được đào tạo bài bản, thiếu trình độ, kỹ năng thường tìm đến làm việc tại các cơ sở này.
Do đó, theo tôi thêm một giải pháp nữa ngoài việc hỗ trợ cơ sở vật chất là tăng cường kết hợp với công tác thanh kiểm tra thường xuyên, bắt đầu từ cấp phép đến giám sát hoạt động.
- Theo bà, nên chăng cần bổ sung quy định trường công lập có thể nhận trẻ dưới 2 tuổi bởi độ tuổi này, trẻ cần chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, các trường công lập thường từ chối trẻ có độ tuổi quá nhỏ?
Nói thế này chưa chính xác bởi theo Điều lệ trường mầm non quy định, trường mầm non được nhận trẻ từ 3 tháng- 72 tháng tuổi.
Tuy nhiên, do nhiều cơ sở công lập chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất và giáo viên để có thể nhận trẻ quá nhỏ tuổi vì nguy cơ mất an toàn cao, cho nên phụ huynh thường phải gửi con đến các nhóm lớp tư thục. Và không hẳn địa phương nào cũng đủ điều kiện cơ sở vật chất để thí điểm trường mầm non nhận trẻ 6 tháng tuổi trở lên như ở TP Hồ Chí Minh vừa qua.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Dân trí