(Baonghean) - Sang tới thời Nguyễn, các vua Nguyễn nâng tầm quản lý các vấn đề biển đảo lên một tầm cao mới, vì thế hầu hết những vấn đề liên quan tới Hoàng Sa, Trường Sa đều được biên chép đầy đủ và chi tiết hơn. Cụm từ “Hoàng Sa Trường Sa” xuất hiện hầu hết trong các bộ sách lớn của Nhà nước.
Đầu tiên, phải kể tới tác phẩm Lịch triều hiến chương loại chí của tác giả Phan Huy Chú - bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam. Phan Huy Chú sinh ra và lớn lên tại Bắc Hà, nhưng quê gốc của ông ở xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Bộ sách của ông gồm 49 quyển, 10 phần, trong đó có phần Địa dư chí đề cập tới Bãi Cát Vàng như sau: “Thôn An Vĩnh thuộc huyện Bình Dương ở ngoài biển... giữa hòn đảo có bãi Hoàng Sa dài độ 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy... Ngày trước, các chúa Nguyễn có đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy thôn An Vĩnh thay phiên bổ sung vào. Hàng năm, cứ đến tháng 3 nhận lệnh đi làm việc...”. Khi bộ sách này soạn xong và dâng lên vua Minh Mệnh năm 1821, thấy được tầm quan trọng của bộ sách, nhà vua đã cho khắc mộc bản và in dập thành nhiều bản để phổ biến rộng rãi.
Phần ghi chép việc Thủy đội Trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật xem xét đo đạc
tại Hoàng Sa trong tác phẩm Đại Nam thực lục.
Bộ sách thứ hai là Đại Nam thực lục. Đây là bộ chính sử biên niên đồ sộ nhất dưới thời Nguyễn do triều đình tổ chức biên soạn và được thực hiện bởi hàng chục vị đại thần. Trong đó, có rất nhiều sử quan người Nghệ như Trương Đăng Quế (quê gốc tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), Nguyễn Trung Mậu (người huyện Diễn Châu, Nghệ An), Phan Bá Đạt (người huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) biên soạn phần Tiền biên; Trương Quốc Dụng (người huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), Đặng Văn Kiều (người huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), Phạm Hữu Nghi (quê gốc tại Nghệ An), Trương Quang Đản (con trai của Trương Đăng Quế), Cao Xuân Dục (người huyện Diễn Châu, Nghệ An), Cao Xuân Tiếu (con trai Cao Xuân Dục) biên soạn phần Chính biên.
Phần Tiền biên ghi rõ: “Tháng 7 mùa thu năm Giáp Tuất (1753), dân đội Hoàng Sa gặp gió to, dạt vào hải phận Quỳnh Châu thuộc nhà Thanh. Quan Tổng đốc nhà Thanh chu cấp đầy đủ rồi đưa về, chúa sai viết thư gửi qua. Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có 130 cồn cát, cách xa hoặc một ngày đường hoặc vài trống canh, chiều dài không biết tới mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa Châu, trên có giếng nước ngọt, sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, ba ba.
Hồi quốc sơ đầu triều Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 người lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ đến tháng 3 cưỡi thuyền ra đảo, ba ngày ba đêm tới nơi, thu lượm hóa vật, đến tháng 8 trở về nộp. Lại có đội Bắc Hải mộ dân Tư Chính, Bình Cố hoặc xã Cảnh Dương sung vào, được lệnh cưỡi thuyền nhỏ ra các đảo Côn Lôn ở Bắc Hải thu lượm, cũng do đội Hoàng Sa cai quản luôn”. Trong phần Chính biên việc ghi chép cụ thể và chi tiết hơn: “Năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816) vua ra lệnh cho thủy quân đi thuyền ra đảo Hoàng Sa để khám xét và đo đạc hải trình”. “Năm Giáp Ngọ, niên hiệu Minh Mạng thứ 15 (1834), sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sỹ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền tới đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ”.
Qua phần ghi chép trên ta thấy sang thời Nguyễn, Hoàng Sa Trường Sa đã là một đơn vị hành chính cụ thể trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đặc biệt, Chính biên có phần ghi chép việc vua Minh Mạng sai Chánh đội trưởng suất đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa dựng bài làm dấu chủ quyền. Hoàng Sa không những là một đơn vị chịu sự quản lý trực tiếp của Nhà nước mà Hải đội Hoàng Sa còn phải tuân thủ những quy định và thể chế của triều đình cả về mặt tổ chức cũng như hoạt động: “Bộ Công tâu đảo Hoàng Sa thuộc vùng biển nước ta, đây là nơi hiểm yếu, trước đã từng sai vẽ bản đồ, nhưng vì hình thể xa rộng nên chỉ mới vẽ được một số chỗ, vả lại cũng chưa biết làm thế nào cho rõ. Hàng năm thường sai người đi quan sát khắp cả để biết tường tận đường biển. Kể từ năm nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng chọn phái thủy quân đội mũ cùng giám thành đáp một chiếc thuyền nhằm thượng tuần tháng 2 đến Quảng Ngãi, giao cho 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, khiến họ dẫn đường ra đảo Hoàng Sa... Hình thể hiểm trở dễ dàng thế nào phải quan sát, đo đạc cho rõ ràng rồi vẽ thành bản đồ... Tất cả đều nhất thiết phải miêu tả cho rõ, lần lượt đem về dâng trình. Vua y lời tâu. Sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, chuẩn bị mang theo mười cái bài gỗ, đến nơi dựng bài lên làm dấu ghi rõ. Mặt bài khắc chữ “Năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân (1836), Thủy đội Trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng lệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.
Ngoài những bộ sách kể trên, dưới triều Nguyễn còn có hai bộ quốc chí lớn khác đó là Đại Nam nhất thống chí và Quốc triều chính biên toát yếu. Cả hai bộ sách này được thực hiện bởi Quốc sử quán triều Nguyễn do một danh nhân kiệt xuất của xứ Nghệ là Đông các Đại học sỹ Cao Xuân Dục làm Tổng tài phụ trách việc biên soạn. Đại Nam nhất thống chí là bộ sách viết về lịch sử và địa lý được coi là bộ sách lớn nhất và quan trọng nhất về địa chí Việt Nam dưới thời phong kiến. Sách gồm 28 tập và 31 quyển, trong đó quyển chép về tỉnh Quảng Ngãi có đoạn: “Trên đảo có bãi Trường Sa, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục danh là Vạn Lý Trường Sa...”.
Còn Quốc triều chính biên toát yếu là bộ sử biên niên giản lược về triều vua Nguyễn. Tuy không chi tiết như Đại Nam thực lục nhưng phần ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa lại cụ thể hơn, đó chính là việc xuất hiện đền miếu và bia đá thờ thần Hoàng Sa: “Dựng đền thờ Thần Hoàng Sa ở Quảng Ngãi. Hải phận Hoàng Sa ở Quảng Ngãi có một cồn cát trắng, nơi ấy cây cối xum xuê tươi tốt. Ở trong cồn cát có một cái giếng. Phía Tây Nam có một ngôi miếu cổ, bia đá có khắc 4 chữ “Vạn lý ba bình” (muộn dặm sóng yên). Cồn cát trắng kia có tên là Phật Tự Sơn (núi chùa Phật)... Ra lệnh xây miếu và dựng bia chỗ này, trước miếu có xây bình phong...”. Ta thấy rằng, triều Nguyễn không chỉ thiết lập chủ quyền mà còn đưa văn hóa tâm linh tín ngưỡng ra tận ngoài biển đảo, chứng tỏ sự quản lý Hoàng Sa, Trường Sa dưới thời các vua Nguyễn đã đạt tới mức độ hoàn thiện.
Không những vậy, cuốn sách này còn cho biết một chi tiết đặc biệt hơn đó là việc triều Nguyễn cho cứu tế một con tàu phương Tây gặp nạn ở Hoàng Sa và thái đội của triều đình đối với việc đó: “Tháng 12 năm Bính Thân, tàu buôn nước Anh Cát Lợi qua bãi Hoàng Sa bị mắc cạn, ghé vào bờ biển Bình Định hơn 90 người. Vua sai tìm nơi cho ở và hậu cấp tiền gạo. Thuyền trưởng, đầu mục tỏ ra rất cảm kích... Vua sắc cho phái viên đi Tây. Nguyễn Tri Phương đem mấy người đó xuống bến ở Hạ Châu đưa về nước...”. Những việc làm của vua Nguyễn trong việc đối xử với các tàu buôn phương Tây, đều nằm trên phương diện quốc gia, không những thể hiện quyền tự quyết trong phần lãnh hải chủ quyền của mình mà còn thể hiện tính nhân văn, tinh thần thân hữu với các quốc gia khác.
Như vậy, từ thời Lê Trịnh đã có ít nhất 5 bộ sách nhắc tới hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa. Trong 5 bộ sách kể trên, chỉ có Đại Việt sử ký tục biên là bộ quốc sử do triều đình tổ chức biên soạn. Những ghi chép về Bãi Cát Vàng về căn bản vẫn dựa trên nền tảng các bộ sách trước đó. Nhưng điểm quan trọng chính là Quốc sử viện triều Lê Trịnh đã biết tiếp thu những dữ liệu khoa học, khách quan mang của cá nhân để hoàn thiện nó, chính thống nó trở thành một bộ quốc sử mang tầm vóc và vị thế quốc gia.
Sang thời Nguyễn, Vua Minh Mạng xem Đại Việt sử ký tục biên là một cuốn yêu thư, không phải là tín sử và ra lệnh cấm lưu hành, tiêu hủy. Thế nhưng những ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa trong Đại Việt sử ký tục biên lại được các sử quan dưới triều Nguyễn giữ lại và cũng trên tinh thần đó đã kế thừa để tiếp tục biên soạn nên bộ quốc sử Đại Nam thực lục và những bộ chính sử khác của triều đại mình. Chứng tỏ vấn đề biển đảo là mối quan tâm lớn nhất của nước ta thời phong kiến, vượt lên cả danh nghĩa và khuôn khổ của triều đại, là sự thống nhất và xuyên suốt của nhiều thế hệ người Việt trong lịch sử. Xứ Nghệ địa linh nhân kiệt, sản sinh nhiều nhân tài đóng góp cho đất nước trên nhiều lĩnh vực. Qua những bộ thư tịch cổ này, xứ Nghệ tự hào đóng góp một phần lớn trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa!