Đảm bảo cân đối ngân sách

Trong tháng 9 thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 94,8 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so cùng kỳ năm 2021 (ngân sách Trung ương đạt 93,4% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 94,8% dự toán).

Trong đó: Thu nội địa trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.045,8 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán, tăng 18,8% so cùng kỳ năm 2021. Thu từ dầu thô trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 60 nghìn tỷ đồng, bằng 213% dự toán, tăng 103,5% so cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do giá dầu tăng mạnh.

Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt gần 216,5 nghìn tỷ đồng, bằng 108,8% dự toán, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021, trên cơ sở: tổng số thu thuế ước đạt 329,5 nghìn tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ gần 113 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8% dự toán.

Bên cạnh đó, tổng chi cân đối NSNN tháng 9 ước đạt 132,7 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 9 tháng ước đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2021.

Các nhiệm vụ chi NSNN được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 542,1 nghìn tỷ đồng; bên cạnh đó, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,…) tăng khoảng 58,36 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Việc cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã thực hiện phát hành 114,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,72 năm, lãi suất bình quân 2,62%/năm.

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94,8 nghìn tỷ đồng ảnh 1
Toàn cảnh họp giao ban công tác tháng 9/2022. Ảnh: Đức Minh

Thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực

Thị trường bảo hiểm duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực trong 09 tháng đầu năm 2022, cụ thể: Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 176.574 tỷ đồng (tăng 15,49% so với cùng kỳ năm 2021), tổng tài sản ước đạt 790.627 tỷ đồng (tăng 18,95% so với cùng kỳ năm 2021), đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 653.443 tỷ đồng (tăng 19,23% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong tháng 09 năm 2022, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị 48,3 tỷ đồng thu về 109,1 tỷ đồng và có 01 đơn vị thoái vốn không thành công. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 466 tỷ đồng, thu về 2.289,5 tỷ đồng.

Thực hiện 53.784 cuộc thanh tra, kiểm tra

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 53.784 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 645.325 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính gần 10.807 tỷ đồng (trong đó: kiến nghị thu hồi nộp khoảng 10.213 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác khoảng 35.304 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính khoảng 3.034 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp NSNN là 7.756,5 tỷ đồng.

Giá xăng, dầu liên tục giảm mạnh

Trong tháng 9, một số mặt hàng tăng giá như xi măng, thép xây dựng; một số mặt hàng giảm giá như giá phân bón, giá thịt lợn hơi, giá xăng dầu... Tháng 9 vừa qua, giá bình quân các mặt hàng xăng và dầu mazut thế giới trong tháng 9 giảm so với tháng 8/2022, giá các mặt hàng dầu khác cơ bản giữ ổn định.

Trên cơ sở biến động của giá xăng, dầu thế giới, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá trong nước giảm liên tiếp qua 3 kỳ điều hành trong tháng 9.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, qua 26 kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước, giá mặt hàng xăng có 13 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ ổn định; giá dầu diezel 0,05S có 15 lần tăng, 11 lần giảm; giá dầu hỏa có 14 lần tăng, 11 lần giảm, 1 lần giữ ổn định; giá dầu mazut có 10 lần tăng, 11 lần giảm và 5 lần giữ ổn định. Sang đầu tháng 10, giá xăng dầu đã về mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua.

Giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh. Ảnh: Quang An

Trong 9 tháng qua, Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến về cơ chế chính sách về giá và thẩm định giá theo đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương về phương án giá một số sản phẩm, dịch vụ công nhà nước đặt hàng; thẩm định phương án giá mua, bán; chi phí nhập, chi xuất, bảo quản hàng hóa nông nghiệp thuộc danh mục hàng Dự trữ quốc gia và hàng hóa Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch.

Theo dõi việc kê khai giá đối với giá than, khí hoá lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, sách giáo khoa, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vắc-xin dùng cho gia súc gia cầm.../.