Chỉ sau 3 trận đấu, từ cái tên ít được để ý,Bùi Tấn Trườngđã có đông đảo fan trên mạng xã hội. Những câu chuyện về gia đình và tuổi thơ của thủ thànhnày mới đây được tiết lộ khiến nhiều người bất ngờ.
Mới đây, thủ môn Bùi Tấn Trường đã livestream trả lời những câu hỏi của khán giả. Từ đây, nhiều người ngỡ ngàng khi biết anh từng trải qua cuộc sống khó khăn từ nhỏ cho đến khi bước chân vào con đường bóng đá chuyên nghiệp.
Thủ môn của đội tuyển Việt Nam cho biết năm 1996, anh bắt đầu bán vé số để kiếm tiền khi mới 9-10 tuổi. Lúc ấy, Bùi Tấn Trường chỉ dám ước mơ làm tài xế để có đủ tiền lo cho gia đình, chứ không nghĩ tới chuyện sẽ trở thành cầu thủ hay thủ môn vì điều đó quá xa vời. Anh kể: "Lúc đó 9 - 10 tuổi, khoảng năm 1996, vé số 1 ngàn đồng/tờ. Nhà tui không phải thuộc dạng quá nghèo vì ở gần chợ, mẹ tui buôn bán mà. Nhưng mọi người biết tại sao tui đi bán vé số không? Để lấy tiền đi chơi, tui ham chơi lắm".
Vì lớn lên không có bố bên cạnh, sống với mẹ cùng 3 người anh em khác trong gia đình, Bùi Tấn Trường có ý thức kiếm tiền bằng đủ thứ nghề, từ bán trái cây cho đến buôn thịt lợn để san sẻ kinh tế gia đình với mẹ.
Anh kể lại tuổi thơ với nhiều cột mốc đáng nhớ: "12 tuổi tui đã biết chạy xe Cub 50cc. Mỗi ngày cứ 1h sáng là mẹ đi chợ mua thịt lợn của thương lái, tui nằm ngủ bên cạnh. Đến khi mẹ cắt thịt xong khoảng 2h sáng thì tui chở đi giao cho những cửa hàng bán hủ tiếu, bán cơm,... xong thì về ngủ tiếp để 7h sáng đi học. Mỗi chuyến như vậy mẹ tui nhờ người khiêng lên xe khoảng 30 - 50kg thịt lợn cho tui đi giao.
Có một lần tui bị té vì vấp ổ gà. Tui bị xây xước sơ sơ thôi nhưng nguyên giỏ thịt heo đổ xuống đường. Trời ơi! 2h - 2h rưỡi sáng, không có một ai mà tui đứng tui khóc quá trời quá đất vì tui khiêng không có nổi. Mà đổ thịt ra thì dơ, không giao cho người ta được. May mắn là khoảng 15 - 20 phút sau có người chạy xe qua người ta giúp.
13 tuổi tui đi đội cát, đội đá khi người ta cần người đội vật liệu từ ghe lên chỗ xây nhà. Tui đội từng thúng cát, từng thúng đá đến sưng đầu, đau nhưng kiếm được tiền nên mừng lắm. Buổi đầu tiên kiếm được 12 ngàn đồng, thời đó là rất nhiều nha. Làm theo số lượng, tui làm nhiều mới được từng đó. 12 ngàn thì tui đưa cho bà ngoại 7 ngàn còn 5 ngàn đem đi chơi".
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của Tấn Trường là lúc anh 15 tuổi, đòi bỏ học, đi làm ở Vũng Tàu để kiếm tiền vì gia đình nợ nần chồng chất, không đủ khả năng đóng tiền học cho con.
Anh nhắc lại quãng thời gian bắt đầu đi làm ở công ty hải sản tại Vũng Tàu với mức lương bèo bọt 6 nghìn đồng/ngày: "Không đủ ăn nên tui bắt đầu trở lại đi ăn cắp vặt. Người ta đem cá từ biển về có cả mực và những loại cá khác mà những loại đó bị gạt qua một bên, đem ra ngoài để bán chứ không làm khô. Tui nghĩ ra cách bỏ vào bao tay, ăn cắp về để ăn. Em gái tui khi đó cũng đi theo tui mà chỉ phụ thôi chứ không làm được gì hết, tại nó nhỏ mà nên tui giao cho em tui cầm cái đồ ăn cắp.
Tui kể mà tui nhục ghê luôn mọi người! Tui ra trước, nó ra sau xong nó bị bảo vệ bắt lại. Tui kể mà tui rớt nước mắt luôn mọi người, tội nghiệp em tui. Nó khóc quá trời khóc nên tui chạy về méc mẹ, mẹ tui lên xin lỗi các kiểu rồi bảo vệ cũng tha. Những cái khoảnh khắc đó không bao giờ tui quên được.
Sau đó, Bùi Tấn Trường chuyển sang bán chôm chôm, từng ế tới mức ăn chôm chôm trừ bữa. "Hồi đó chôm chôm có 1 ngàn rưỡi - 2 ngàn/kg, tui chạy về tận vườn mua 500 - 1 ngàn/kg rồi đem bán lại. Giai đoạn đầu tui mua 50kg bán chạy lắm, bán hết luôn. Hồi đó tui biết tiếng Anh sơ sơ rồi nha nên bán cho Tây nữa, cứ 'tu tháo sừn, oăn kí lô' (two thousand, one kilogram) mà nhỏ em tui nói chứ không phải tui, tui học theo. Lần thứ 2 tui tự đi mua, chở 100kg chôm chôm về bán hết, kiếm được tương đối ổn nhưng những lần sau bán ế quá trời ế, về ăn chôm chôm trừ cơm không".
Trải qua quãng thời gian khó khăn, làm đủ mọi cách để kiếm tiền, Bùi Tấn Trường chính thức bước chân vào con đường bóng đá năm 2001. Cậu của Tấn Trường là bố của cựu tuyển thủ quốc gia Phan Thanh Bình chính là người đã động viên mẹ anh cho con đi theo bóng đá. Mong muốn giản đơn lúc đó của Tấn Trường là theo bóng đá sẽ được nuôi ăn học, không phải bôn ba kiếm sống.