Cuộc gặp lần thứ hai của Trump và Kim tại Hà Nội

battayzing1_ldjh.jpgCú bắt tay đầu tiên của hai ông Trump và Kim tại Hà Nội

Trong chiều tối 27/2, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã có cuộc gặp đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã bắt tay, cùng chụp hình và trao đổi nhanh trước khi tiến hành cuộc gặp riêng. Đáp lại câu hỏi của một số phóng viên quốc tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông trông đợi vào Hội nghị thượng đỉnh "rất thành công".

Trong khi đó, Chủ tịch Kim Jong-un nói: "Chúng tôi đã có thể vượt qua tất cả và hôm nay chúng tôi có mặt ở đây".

Cũng trong cuộc trò chuyện ngắn trước cuộc gặp riêng, Tổng thống Trump nói với Chủ tịch Kim Jong-un: "Tôi nghĩ đất nước của bạn có tiềm năng kinh tế to lớn. Tôi nghĩ, ngài sẽ đem đến một tương lai huy hoàng cho đất nước. Ngài là một nhà lãnh đạo tuyệt vời. Chúng tôi sẽ giúp điều đó xảy ra".

Tổng thống Trump cũng cho hay, ông và Chủ tịch Kim Jong-un đang có mối quan hệ rất tốt. Về phần mình, Chủ tịch Kim Jong-un nói rằng, Triều Tiên và Mỹ đã vượt qua "rất nhiều trở ngại" để có thể tổ chức các hội nghị thượng đỉnh, và ông tin tưởng rằng hội nghị sẽ mang lại kết quả tích cực. 

Sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dùng bữa tối chung tại khách sạn Metropole ở Hà Nội. Bữa tối được đánh giá là khá thân mật, vui vẻ khi hai bên luôn tươi cười.

Trong bữa tối, ông Trump một lần nữa nhấn mạnh mối quan hệ "rất đặc biệt" với lãnh đạo Triều Tiên. Theo Kim Jong-un, trong 20 phút trao đổi riêng, ông và Tổng thống Mỹ "đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị". Sau cuộc gặp và bữa tối kéo dài khoảng hai tiếng, hai lãnh đạo rời khỏi khách sạn Metropole, trở về nghỉ ngơi để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh ngày 28/2.

Pakistan, Ấn Độ hạn chế không phận giữa căng thẳng trên vùng trời Kashmir

Cận cảnh chiếc MiG-21 của Ấn Độ bị Pakistan bắn rơi. Ảnh chụp màn hình SAMAA TV

Pakistan hôm 27/2 tuyên bố đóng cửa toàn bộ không phận, trong khi Ấn Độ giới hạn hoạt động hàng không tại miền bắc nước này sau khi hai nước tuyên bố đã bắn hạ máy bay chiến đấu của nhau. Cục hàng không dân dụng Pakistan (CAA) thông báo trên Twitter về quyết định “chính thức đóng cửa không phận cho đến khi có thông tin mới”, trong khi phát ngôn viên quân đội nước này cho hay đây là động thái được ban bố phù hợp với tình hình đang diễn ra. AFP dẫn một nguồn tin từ CAA cho biết, toàn bộ hãng hàng không hoạt động tại nước này đều đã được nhận thông báo trên.

Trước đó vài giờ, Pakistan tuyên bố đã bắn hạ hai máy bay của Không quân Ấn Độ xâm phạm không phận, gây leo thang xung đột giữa hai láng giềng - đối thủ ở Nam Á. Pakistan cho hay đã bắt sống hai phi công Ấn Độ, trong đó một người phải nhập viện. Còn theo NDTV, Không quân Ấn Độ đã bắn hạ một chiếc F-16 của Pakistan xâm phạm Đường kiểm soát thực tế tại biên giới hai nước.

Nga, Syria yêu cầu các lực lượng Mỹ rút quân khỏi Syria

Nga và Syria ngày 27/2 đã ra tuyên bố chung kêu gọi Mỹ rời khỏi Syria. Ảnh: Reuters

Nga và Syria ngày 27/2 đã ra tuyên bố chung kêu gọi Mỹ rời Syria, tạo điều kiện để 2 nước này sơ tán người dân trong một trại tị nạn ở đông nam Syria. Tuyên bố được Bộ Quốc phòng Nga phát đi nhấn mạnh, Nga và các lực lượng Syria đã chuẩn bị xe buýt để tái định cư những người dân ở trại tị nạn Rubkan và sẽ tạo một hành lang an toàn để người dân có thể bắt đầu một cuộc sống mới. Nga kêu gọi Mỹ và những đơn vị vũ trang hoạt động bất hợp pháp trên lãnh thổ Syria rời quốc gia Trung Đông này.

Đầu tháng 2/2019, Mỹ tuyên bố sẽ để lại một lượng nhỏ, khoảng 400 binh sĩ ở 2 khu vực của Syria. Cụ thể, 200 binh lính sẽ tham gia với lực lượng khoảng 800 tới 1.500 binh lính từ các quốc gia đồng minh châu Âu để thiết lập và giám sát các vùng an toàn tại miền đông bắc Syria. 200 binh lính khác sẽ ở lại tiền đồn quân sự Al-Tanf của Mỹ, gần biên giới với Iraq và Jordan. Tuyên bố của phía Mỹ được xem là đi ngược với tuyên bố rút toàn bộ 2.000 binh sĩ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hồi tháng 12/2018.

Thủ lĩnh đối lập Venezuela "có thể bị 30 năm tù"

Ông Guaido gặp những người ủng hộ tại Bogota, Colombia vào ngày 25/2. Ảnh: AFP

Hãng Sputnik ngày 27/2 dẫn lời phó chánh án Tòa án tối cao Venezuela Juan Carlos Valdez cho rằng, ông Guaido có thể đối diện bản án 30 năm tù giam vì vi phạm lệnh cấm xuất cảnh.

Ông Guaido đến Colombia vào ngày 22/2 để tìm cách đưa hàng viện trợ về nước, dẫn đến bạo lực bùng phát tại khu vực biên giới sau khi chính quyền Caracas quyết không tiếp nhận viện trợ vì cho rằng đây là “âm mưu” của Mỹ nhằm can thiệp quân sự.

“Ông ta là người trốn tránh pháp luật. Điều gì xảy ra đối với những người bỏ trốn quay về và bị chính quyền phát hiện? Họ phải bị bắt và chịu án tù. Ông ta có thể đối diện đến 30 năm tù giam”, ông Valdez nói và cho biết thêm các công tố viên đang xem xét hành vi vi phạm của ông Guaido.

Nigeria: Tiếp tục làn sóng bạo lực, gần 30 người thiệt mạng

Một vụ tấn công xảy ra tại bang Kaduna của Nigeria. Ảnh: Reuters

Cảnh sát Nigeria ngày 27/2 xác nhận ít nhất 29 người, trong đó có 1 cảnh sát thiệt mạng trong một loạt các cuộc tấn công xảy ra tại bang Kaduna nước này. Nguồn tin từ cảnh sát địa phương cho hay, ít nhất 2 cảnh sát bị thương và 40 ngôi nhà bị phóng hỏa trong các cuộc tấn công được phát động nhằm vào 4 ngôi làng ở khu vực Kajuru thuộc bang Kaduna. Các tay súng di chuyển từ làng này tới làng kia, phóng hỏa đốt cháy nhiều nhà cửa, sát hại dân thường vô tội. Ngay lập tức, lực lượng an ninh đã được tăng cường nhằm kiểm soát tình hình.

Chính quyền bang Kaduna cũng đã xác nhận về loạt vụ tấn công này trong một tuyên bố ngày 26/2, nhấn mạnh các cơ quan an ninh của Nigeria đang tích cực làm việc để ngăn chặn làn sóng bạo lực tại nước này. Đây là đợt tấn công thứ hai tại bang Kaduna chỉ trong tháng này. Trước đó, các tay súng chưa rõ danh tính đã tấn công 8 ngôi làng tại khu vực Kajuru hôm 15/2 vừa qua, cướp đi sinh mạng của hơn 130 người.