Thu hút nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài ở các lĩnh vực và địa bàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chiều 14/3, tại Hà Nội, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc công tác phi chính phủ nước ngoài năm 2023.

Đồng chí Hà Kim Ngọc - Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài chủ trì hội nghị.Tham dự có đồng chí Phan Anh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.

Tại điểm cầu Nghệ An, tham dự có đồng chí Trần Khánh Thục - Giám đốc Sở Ngoại vụ và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc công tác phi chính phủ nước ngoài năm 2023 tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc công tác phi chính phủ nước ngoài năm 2023 tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Hơn 338 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam

Năm 2022, có 338 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Viện trợ phi chính phủ nước ngoài được triển khai trên 63 tỉnh, thành phố, trên tất cả các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường... qua đó đã giải ngân giá trị 223,7 triệu USD, trong đó việc viện trợ triển khai nhiều dự án và tỷ lệ giải ngân đạt cao là tại các Khu vực: Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ...

Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành liên quan luôn có sự quan tâm, đánh giá đúng bản chất công tác phi chính phủ nước ngoài và sử dụng nguồn viện trợ đúng quy định, phù hợp với định hướng ưu tiên của các bộ, ngành, địa phương.

Người dân miền Tây Nghệ An trồng cây luồng, tre giúp bảo vệ môi trường, phát triển sinh kế. Ảnh tư liệu

Người dân miền Tây Nghệ An trồng cây luồng, tre giúp bảo vệ môi trường, phát triển sinh kế. Ảnh tư liệu

Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong quá trình triển khai đã chấp hành tốt quy định pháp luật Việt Nam, thực hiện đầy đủ các cam kết với chính quyền, địa phương và góp phần có những chương trình, dự án, phi dự án hữu ích với mục đích nhân đạo, hỗ trợ phát triển. Đồng thời đã phối hợp tốt với các cơ quan đối tác Việt Nam và hầu hết các dự án đều phù hợp với nhu cầu, phát huy được hiệu quả... Năm 2023, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vẫn tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam.

Hơn 4,1 triệu USD triển khai các dự án và phi dự án tại Nghệ An

Hiện có 60 tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại địa bàn Nghệ An có giấy đăng ký hoạt động, có 3 tổ chức phi chính phủ nước ngoài xin bổ sung địa bàn hoạt động, 9 tổ chức phi chính phủ nước ngoài xin gia hạn thời gian hoạt động...

Trong năm 2022, có 19 dự án và 7 phi dự án đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Nghệ An với tổng số vốn cam kết viện trợ là 4.169.041 USD bằng 94,57% so với cùng kỳ năm 2021 (tổng vốn cam kết viện trợ năm 2021 là 4.408.273 USD); Giải ngân thực tế năm 2022 được 980.334 USD, đạt 87,13% so với kế hoạch năm 2022 (kế hoạch ngân sách năm 2022 là 1.125.056 USD).

Các dự án và phi dự án viện trợ vào các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, tài nguyên môi trường, phát triển kinh tế - xã hội... trong đó nhiều dự án triển khai rất hiệu quả là dự án “Lồng ghép các hoạt động học thông qua chơi cho học sinh tiểu học ở Việt Nam - iPLAY Việt Nam” do tổ chức VVOB tài trợ; Dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững đề phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2” do tổ chức CTFK tài trợ; Chương trình học bổng SEEDs do tổ chức PALS tài trợ; Dự án “Chia sẻ tình yêu nhỏ” do tổ chức KTCA tài trợ; Dự án “Cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ” do tổ chức EMWF tài trợ; Dự án “Hỗ trợ chăm sóc y tế cho đối tượng dưới 18 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An” do tổ chức GIBTK tài trợ; Dự án “Phục hồi cảnh quan rừng sản xuất theo cơ chế giảm phát thải khí nhà kính từ nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon gắn với quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+)"...

Các dự án phi chính phủ nước ngoài triển khai tại các huyện, thành thị của tỉnh Nghệ An tập trung ở khu vực miền núi nghèo, khó khăn như huyện Con Cuông, Quế Phong, Thanh Chương, Anh Sơn... Nguồn viện trợ phi chính phủ đã góp phần nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương và người dân trong việc bảo vệ môi trường, phát triển sinh kế, nâng cao chất lượng dạy và học... Tuy nhiên, giá trị viện trợ của các dự án khá nhỏ nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Người dân tham gia bảo vệ phát triển rừng bền vững. Ảnh tư liệu

Người dân tham gia bảo vệ phát triển rừng bền vững. Ảnh tư liệu

Để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác phi chính phủ nước ngoài, năm 2023, tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của tỉnh Nghệ An theo định hướng tại Quyết định số 1031/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về Chương trình tăng cường hợp tác và vận động viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 và Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019-2025. Đảm bảo kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với ổn định quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội. Ưu tiên thu hút nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài ở các lĩnh vực và địa bàn...

Tại hội nghị trực tuyến, các đại biểu đã phân tích những khó khăn, dự báo nguồn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ sẽ bị cắt giảm do tình hình khó khăn chung của thế giới. Đồng thời đề xuất các giải pháp để công tác quản lý hoạt động và vận động viện trợ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài năm 2023 hoạt động hiệu quả vừa đảm bảo lợi ích kinh tế gắn với an ninh đối ngoại./.

Tin mới