(Baonghean) - Theo dự báo trong vòng 10 năm tới, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thiết yếu tại Việt Nam trong lĩnh vực giao thông, điện, cấp nước, y tế vào khoảng 400 tỷ USD. Trong khi đó, khả năng huy động vốn nhà nước chỉ có thể đáp ứng được 40-50% nhu cầu. Để huy động có hiệu qủa các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng, giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư được đặt ra. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng, việc thúc đẩy thực hiện các hình thức đầu tư hiệu quả trong lĩnh vực này, nhất là hình thức đối tác công tư (PPP) rất được chú trọng, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ NSNN chỉ đáp ứng một phần rất hạn chế.
 
Cần tới 300 nghìn tỷ đồng
 
Hiện nay, Bộ GTVT đang quản lý 53 dự án PPP, chủ yếu là dưới hình thức xây dựng - kinh doanh - quản lý (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT) với tổng mức đầu tư khoảng 132 nghìn tỷ đồng, gồm 17 dự án đã hoàn thành đưa vào kha thác với tổng mức đầu tư khoảng 16 nghìn tỷ đồng, 36 dự án đang thực hiện giai đoạn đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 116 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều dự án khác chuẩn bị triển khai.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đề xuất vốn cho khoảng 171 dự án PPP dự kiến thực hiện trong 2016 - 2020, nhu cầu vốn cho cả nước vào khoảng 300 nghìn tỷ đồng. Như vậy, PPP là cơ chế được đánh giá hữu hiệu và tin cậy nhất để thu hút nguồn lực tư nhân (tài chính, năng lực, kinh nghiệm). Xét về bản chất, PPP là sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ công. Đây là phương thức đầu tư trong đó khu vực công và khu vực tư trở thành đối tác của nhau, cùng tham gia đầu tư thực hiện các dự án để cung cấp dịch vụ công. Tuy PPP không phải là chìa khóa vạn năng để giải quyết những tồn tại trong đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng được xem là công cụ hữu hiệu để huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển và là giải pháp tăng hiệu quả đầu tư. 
 
Cần sự sẵn sàng của nguồn lực nhà nước
 
Theo quan điểm của Bộ KH&ĐT, để triển khai được PPP, các bên tham gia cần phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản. Theo đó, việc bảo đảm nghĩa vụ và quyền lợi hài hòa giữa các bên được đặt lên hàng đầu. Cần nhấn mạnh PPP là quan hệ đối tác, gắn bó lâu dài, có sự bình đẳng giữa các bên tham gia hợp đồng.
 
Quyền lợi, nghĩa vụ được phân bổ tương xứng với phần tham gia của mỗi bên và rủi ro mà mỗi bên phải chịu, phát huy được thế mạnh của cả khu vực tư và khu vực công. PPP dựa trên các thế mạnh của các tổ chức nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân nhằm giảm thiểu rủi ro và khuyến khích thích đáng các bên khác nhau tham gia vào quá trình huy động vốn, xây dựng và vận hành công trình cơ sở hạ tầng - chuyên gia kinh tế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) Lê Văn Tăng nói.
 
images1395999_3.jpgThi công đoạn đường qua xóm 6, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) xuống cảng cá Lạch Quèn. Ảnh: Hữu Hớn
 
Nguyên tắc quan trọng thứ hai là phải có sự bố trí sẵn sàng nguồn lực tham gia của nhà nước. Điều hiển nhiên là các dự án PPP đều cần sự tham gia về nguồn lực hoặc cam kết về chính sách hỗ trợ của nhà nước để dự án trở thành khả thi. Sự tham gia của nhà nước chính là nghĩa vụ mà khu vực công đóng góp trong thực hiện dự án. Có nhiều hình thức nhà nước tham gia vào dự án PPP như: bỏ một phần vốn đầu tư xây dựng công trình, chi trả các khoản thanh toán hàng năm, miễn giảm thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà đầu tư tư nhân, các ưu đãi đầu tư... 
 
Bên cạnh đó, cần xác định rõ cơ chế tài chính của dự án PPP trước khi thực hiện đầu tư. Phải có dự án được chấp nhận cho vay vốn. Nói cách khác là phải thỏa mãn các yêu cầu, tiêu chuẩn của các tổ chức tài chính, ngân hàng - đối tượng cung cấp nguồn vốn vay chính cho dự án. Cơ chế tài chính dự án PPP còn có một điểm lợi nữa là các khoản vay để đầu tư thực hiện dự án không làm tăng nghĩa vụ trả nợ của nhà nước như đối với các dự án ODA, trong khi đó nhà nước vẫn bảo đảm thực hiện được chức năng cung cấp công trình, dịch vụ công.
 
PPP không phải là tư nhân hóa 
 
Theo ông Lê Văn Tăng, nếu coi tư nhân hóa là việc nhà nước thoái vốn hay từ bỏ quyền sở hữu, quản lý, nhà nước chuyển giao các quyền này cho nhà đầu tư tư nhân, Nhà nước chỉ quản lý thông qua quy định của pháp luật, tiêu chuẩn chuyên ngành thì trong thực hiện đầu tư theo hình thức PPP, nhà nước vẫn giữ nguyên quyền quản lý, kiểm soát và thậm chí còn đặt ra những chuẩn mực, yêu cầu ràng buộc về cam kết chất lượng và dịch vụ đối với nhà cung cấp tư nhân. Việc sở hữu công trình, dự án về bản chất vẫn nằm ở phía nhà nước, bởi sau một thời gian giao cho tư nhân vận hành khai thác, công trình sẽ được chuyển trả lại cho nhà nước - ông Lê Văn Tăng khẳng định.
 
Ông Lê Văn Tăng, trong PPP, có nhiều loại hợp đồng, và nhà đầu tư cần phải nắm rõ đặc điểm của từng loại. Đối với các loại hợp đồng BT, BOT, BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), thường được áp dụng cho các dự án GTVT có nguồn thu tốt từ người sử dụng. Đối với loại hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ), BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao), nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm thu xếp tài chính để đầu tư xây dựng công trình/kết cấu hạ tầng và vận hành, khai thác dự án. Nhà nước chịu trách nhiệm thu phí từ người sử dụng và thực hiện việc thanh toán định kỳ cho nhà đầu tư. Như vậy, loại hợp đồng này sẽ phù hợp với các dự án mà nhà đầu tư khó thu phí từ người sử dụng hoặc giá trị thu thấp, không đủ để hoàn vốn và tạo lợi nhuận như: hệ thống hạ tầng đường sắt (đường ray, đường ngầm đối với các tuyến Metro), các hệ thống đường băng sân bay, hệ thống nạo vét luồng vào ra vào các cảng đường thủy, một số tuyến đường bộ không thu phí).  
Ảnh minh họa
 
Tuy nhiên, có những trường hợp, nhà nước sẽ thanh toán định kỳ cho nhà đầu tư dựa trên chất lượng dịch vụ. Dự kiến trong thời gian tới, loại hợp đồng O&M sẽ được áp dụng đối với các dự án như: vận hành các đường cao tốc, một số cảng hàng không, cảng biển đã được nhà nước xây dựng, vận hành hệ thống đường sắt, hệ thống tín hiệu giao thông, hệ thống thu phí đường bộ tự động không dừng...
 
Cuối cùng là hợp đồng BT sẽ chỉ được Chính phủ thanh toán bằng quỹ đất mà không còn hình thức thanh toán bằng tiền như trước đây, và thường được áp dụng cho các dự án giao thông địa phương quản lý.
 
Với một số đặc điểm, nguyên tắc đó, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Quang Vinh, từng loại hợp đồng PPP nếu muốn được triển khai thành công và bền vững, cần nghiên cứu thật kỹ để lựa chọn, sử dụng loại hợp đồng phù hợp. Bên cạnh đó, việc áp dụng phải được xét trên bài toán tổng thể toàn ngành, toàn quốc để có sự hỗ trợ giữa các dự án với nhau cũng như có kế hoạch cân đối nguồn lực đầu tư công tổng thể và dài hạn. Việc áp dụng các hợp đồng PPP cũng là một trong những bước đi quan trọng trong quá trình hội nhập TPP của Việt Nam.
 
Sông Hồng