Sau kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hồng Hoa (đã đổi tên) ở Quảng Ngãi đăng tâm thư gửi lãnh đạo Bộ GD&ĐT trên một diễn đàn học tập, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Nữ sinh cho biết bạn vừa thi xong môn Toán, Văn, Anh và tổ hợp Khoa học Xã hội, dự định đăng ký vào ĐH Đà Nẵng.
Hoa nói lên suy nghĩ của mình với mong muốn lãnh đạo Bộ GD&ĐT có thể đọc, thấu hiểu suy nghĩ của học sinh sau kỳ thi căng thẳng. Từ đó, Bộ GD&ĐT xem xét việc giảm tốc độ thay đổi cách thi để học sinh, giáo viên có thời gian làm quen.
Cháu là học sinh 2000, vừa tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018. Cháu cảm thấy rất hoang mang và lo lắng về kết quả thi năm nay.
Sau kỳ thi mang tính chất quyết định cuộc đời, không chỉ cháu mà khoảng 2/3 trong số hơn 900.000 thí sinh thật sự hoang mang, lo lắng về tương lai của mình với kết quả được dự đoán là rất thấp. Cánh cổng vào đại học có còn rộng mở hay dễ dàng hơn khi điểm thi chỉ 17 đến 22?
Cháu biết kết quả là phụ thuộc kiến thức, khả năng của mỗi người nên đã cố gắng hết sức để ôn luyện và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi bước ngoặt. Thế nhưng, cháu biết làm sao khi đề thi vừa dài, vừa khó, quá sự hình dung của cả giáo viên như thế? Cháu không đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhưng thật sự đề thi quá sức học sinh.
90 phút làm đề Toán gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm từ dễ đến khó, thí sinh chỉ có trung bình 1,8 phút cho mỗi câu. Có những câu giải nửa trang giấy vẫn chưa tìm ra đáp án. Có những câu cần 10 phút mới tìm ra kết quả. Đề thi với thầy cô đã khó, làm sao học sinh giải được?
Đề Tiếng Anh được xem là "mang tính phân loại cao", liệu bao nhiêu phần trăm học sinh có thể làm được? Cháu dự đoán khoảng 30% đến 40% đạt từ 7, 8 điểm trở lên, còn lại là 4, 5, 6. Học lực khá, thí sinh cũng chỉ đạt khoảng 6 điểm mỗi môn.
Trước đó, các bác ở Bộ GD&ĐT phát biểu trên báo chí rằng chỉ cần ôn luyện kiến thức trong sách giáo khoa là làm được bài, hay nắm chắc kiến thức cơ bản là được 6 điểm. Sự thật không đơn giản như "lý thuyết" các bác đã đưa ra. Xin các bác hãy suy nghĩ cho học sinh chúng cháu, cho cả phụ huynh được không ạ?
Các bác có nghĩ đến chúng cháu thức đến tận 1-2h sáng để ôn bài, rồi 4h dậy ôn tiếp. Thời gian biểu của cháu suốt khoảng 2-3 tháng trước khi thi chỉ như thế, nhưng đổi lại kết quả chỉ là sự lo lắng và nỗi buồn.
Cháu từng động viên bản thân rằng thà mồ hôi rơi trên trang vở chứ không để nước mắt đổ ở phòng thi. Nhưng cố gắng thế nào, cháu vẫn rơi nước mắt vì đề thi quá khó và dài như thế. Cháu biết nhiều bạn đã suy nghĩ tiêu cực do áp lực thi cử.
Sau khi thi xong, cháu đã phải trốn tránh những lời hỏi thăm từ gia đình chỉ vì xấu hổ, thất vọng và sợ mọi người buồn. Nhìn ba mẹ ngày đêm vất vả, lo lắng, cháu thật sự đau lòng.
Cháu được ba mẹ rất kỳ vọng. Họ phải đi làm thêm vào buổi tối cho đến đêm chỉ với mục đích kiếm tiền cho con vào đại học. Nhưng giờ cháu nghĩ, không chỉ mình mà nhiều bạn đang cùng chung hoàn cảnh. Cháu thấy có lỗi với ba mẹ khi kết quả không thể bù lại những giọt mồ hôi, nước mắt họ đã hy sinh vì con.
Học sinh thế hệ sau sẽ học và thi ra sao?
Cháu đã khóc sau kỳ thi. Lúc viết những dòng này, cháu cũng đã khóc, khi học sinh mỗi năm lại trở thành "thế hệ chuột bạch".
Năm nay, kiến thức hai năm lớp 11 và 12 đã khó và quá sức như thế thì năm sau không thể tưởng tượng các em phải trải qua như thế nào? Các em sinh năm 2001, 2002 sẽ tạo áp lực và hoang mang riêng cho mình khi phải ôn luyện kiến thức của cả 3 năm học phổ thông.
Có nền giáo dục nào 30 điểm vẫn sợ rớt đại học và việc học trở thành nỗi ám ảnh chung của học sinh? Cháu xin các bác hãy suy nghĩ cho học sinh, phụ huynh.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã đi qua. Giờ đây, cháu thật sự rất lo lắng về điểm số và điểm chuẩn. Cháu biết thế cũng chẳng ích gì, nhưng làm sao có thể không lo?