(Baonghean) - Trong thời gian qua, cả chính phủ Syria cùng với Mỹ và Thổ Nhỹ Kỳ đều đứng trên một mặt trận chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Thế nhưng, chính quyền Syria hôm qua (4/11) tuyên bố, dù Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng, thì cả hai nước này vẫn là kẻ thù của họ. Đây có thể xem là chính sách mới nhất của Syria trong mối quan hệ giữa Syria với Mỹ và Thổ Nhỹ Kỳ. Với tuyên bố này, liệu cuộc chiến chống lại IS có gặp thêm thách thức?

“Mỹ vẫn là kẻ thù của người dân Syria và Syria vẫn đang đối phó với Mỹ như là kẻ thù” là lời tuyên bố đầy cứng rắn của Bộ trưởng Hòa giải Syria Ali Haidar. Điều này chứng tỏ mối quan hệ giữa Syria với Mỹ hiện nay vẫn rất căng thẳng. Dư luận thế giới còn nhớ hồi tháng 9 năm ngoái, Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến nhằm lật đổ Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thời điểm đó, các chiến hạm tại Vùng Vịnh và Địa Trung Hải của Mỹ đã sẵn sàng phối hợp với lực lượng không quân ở các căn cứ  Mỹ tại các nước đồng minh xung quanh tấn công ồ ạt vào Damascus. Cuộc đối đầu tàn khốc đã ở rất gần, song cuối cùng bằng những nỗ lực ngoại giao, đặc biệt là đề xuất khéo léo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cuộc tấn công của Mỹ vào một quốc gia có chủ quyền đã không xảy ra. Song Mỹ vẫn luôn coi chính quyền thân Nga của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là cái gai trong mắt cần nhổ đi, đồng thời Washington không ít lần công khai ủng hộ phe đối lập của Syria. 

Bộ trưởng Hòa giải Syria Ali Haidar. Ảnh: AP
Bộ trưởng Hòa giải Syria Ali Haidar. Ảnh: AP

Trong mối quan hệ với nước láng giềng phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO và là đồng minh của Mỹ, chính quyền Syria cũng có mối quan hệ không mấy tốt đẹp. Bộ trưởng Hòa giải Syria Ali Haidar cho biết, ngay từ khi Syria rơi vào khủng hoảng thì nước này đã ở trong trạng thái chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ. Giống như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ dành sự ủng hộ cho phe nổi dậy tại Syria nhằm lật đổ Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Thậm chí, căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang một cách đáng báo động sau sự kiện Syria tuyên bố bắn hạ 1 máy bay chiến đấu của nước láng giềng hồi tháng 6 năm ngoái. Kể từ đó, khu vực biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên nóng bỏng với các hoạt động triển khai vũ khí thị uy lẫn nhau cũng như những vụ pháo kích qua lại giữa hai bên.

Trong bối cảnh hiện nay, khi sự nổi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria không chỉ đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của hai Nhà nước Iraq và Syria mà còn tấn công vào các lợi ích của Mỹ, thậm chí trở thành nguy cơ khủng bố mới được đánh giá nguy hiểm hơn Al Qaeda. Lẽ tự nhiên, cả Mỹ và chính quyền Syria đều coi IS là kẻ thù cần phải xóa bỏ. Tuy nhiên, lại không có cái bắt tay nào giữa Mỹ và Syria trong cuộc chiến này. Khi quyết định tấn công IS trên lãnh thổ Syria, Mỹ tuyên bố không phối hợp với Chính phủ Syria, không thông báo trước với Syria ở cấp độ quân đội cũng như không cho biết thời gian tấn công các mục tiêu cụ thể. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng không gửi bất kỳ lá thư nào tới chính quyền Syria về hành động của Mỹ. Điều này cho thấy, Mỹ không hề thừa nhận vai trò của chính quyền Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống lại IS.

Do đó, Syria hiện nay vừa phải gồng mình chống đỡ IS đang “gặm nhấm” từng phần lãnh thổ, vừa phải đề phòng các động thái của Mỹ khi quốc gia này tấn công IS trên lãnh thổ Syria. Không những thế, chính quyền Bashar al-Assad còn phải đề phòng những động thái của nước láng giềng phía Bắc là Thổ Nhĩ Kỳ. Song cho dù Mỹ ra sức ủng hộ nhóm đối lập Syria để chống lại IS nhưng quân đội của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad mới là lực lượng có tiềm năng quân sự tốt nhất để chống IS. Chính mối quan hệ phức tạp hiện nay trong khu vực giữa Syria với 2 quốc gia có vai trò quan trọng trong liên minh chống IS là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang khiến cuộc chiến này trở nên phức tạp hơn. Rõ ràng, xét về tình hình cục diện hiện nay tại khu vực, không những chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đang lâm vào tình thế khó khăn mà cuộc chiến chống IS của Mỹ và liên minh quốc tế cũng chưa thể tạo dựng được bước ngoặt quan trọng nào bởi sự thù địch chồng chéo này.

Nguyễn Cao Biền