Sáng 23/1, Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động năm 2017, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.
Các đồng chí: Lê Xuân Đại - Ủy viên Ban Thường Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh và Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh chủ trì.
Minh bạch các khoản thu, chi
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại hội nghị là việc thực hiện dân chủ trong các khoản thu, chi ở các địa phương.
Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Thị Hồng Hoa cho biết, qua các cuộc kiểm tra QCDC ở cơ sở năm 2017 theo Kế hoạch 628/KH-UBND của UBND tỉnh, nhận thấy việc triển khai thu các loại quỹ có nơi còn để tình trạng 1 nội dung thu 2 lần.
“Cán bộ, công chức đã đóng khoản thu đó ở nơi làm việc, nhưng về phường, xã lại bị thu thêm 1 lần nữa. Thêm vào đó, nhiều đơn vị vẫn tiếp tục có văn bản giao chỉ tiêu thu các loại quỹ, trái với tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cần chấn chỉnh ngay”, bà Hoa nói.
Trên cương vị thành viên Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cũng phản ánh bất cập trong xã hội hóa giáo dục ở nhiều nơi.
“Thu - chi thế nào nhiều người dân tỏ ý không yên tâm. Thậm chí nhiều cơ sở đề xuất muốn trở lại thu tiền xây dựng trường để đóng vào ngân sách Nhà nước. Sau đó chi ra từ Ngân sách Nhà nước, có sự kiểm duyệt để người dân cảm thấy hợp lý, yên tâm”, bà Hoa phản ánh.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Huy nêu quan điểm, xã hội hóa trường học một số nơi có biểu hiện áp đặt, thu cao, chi chưa đúng. Bên cạnh đó, việc huy động sức dân ở một số địa phương tuy dân chủ nhưng còn lớn, thậm chí quá sức dân.
Dẫn ví dụ, có địa phương thu bình quân 1 triệu đồng/khẩu, kể cả khẩu dưới 5 tuổi hay trên 60 tuổi, ông Nguyễn Văn Huy cho rằng: "Huy động phải căn cứ mặt bằng mức sống của người dân, tránh tạo gánh nặng quá lớn”.
Người đứng đầu Ủy ban MTTQ tỉnh cũng cảnh báo nếu để xảy ra sơ hở trong huy động sức dân dễ tạo sự cố, điểm nóng để các đối tượng xấu lợi dụng, do vậy cần kiểm tra, rà soát thường xuyên để chấn chỉnh vấn đề này.
Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, người dân
Bên cạnh một số bất cập, theo người đứng đầu Ủy ban MTTQ tỉnh, điểm nổi bật trong năm qua là Pháp lệnh 34 đi vào cuộc sống đã tạo không khí đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân, tác động tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
“Kênh MTTQ đánh giá sự hài lòng của người dân cơ bản tốt, đánh giá năm nay rất sát thực, không tô hồng thành tích, dám nhìn thẳng khuyết điểm”, ông Huy phấn khởi chia sẻ.
Ông cho rằng, có được kết quả trên là nhờ cấp ủy các cấp đã quan tâm, coi trọng thực hiện QCDC ở cơ sở, có các văn bản chỉ đạo, hàng năm nghe, đánh giá sâu kết quả thực hiện; quan tâm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)
Cùng với đó, chính quyền cũng đã quan tâm công tác CCHC, tạo chuyển biến rất rõ, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp tiến bộ, tốt hơn nhiều.
Các địa phương thực hiện rất tốt đối thoại, giúp phát hiện kịp thời vướng mắc ngay tại cơ sở, để mọi người dân đều được phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình, kiến nghị bức xúc ở khu dân cư; góp phần giảm vấn đề nổi cộm, bức xúc, giảm số đơn thư, kiến nghị của nhân dân.
“Đối thoại cũng là dịp để sát hạch đội ngũ cán bộ như chủ tịch UBND, HĐND ở cơ sở, nếu ai có tinh thần trách nhiệm cao thì sẽ làm hết mình, nếu không thì rất sợ đối thoại”, ông Nguyễn Văn Huy nói.
Trong khi đó, liên quan đến tổ chức đối thoại trong các doanh nghiệp, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Tử Phương thẳng thắn chỉ rõ khó khăn, bởi nhiều doanh nghiệp đều bận sản xuất, kinh doanh, khó tổ chức đối thoại. Dù vậy, con số 60-70% doanh nghiệp đã thực hiện nội dung này được xem là sự cố gắng rất lớn, cơ sở để nỗ lực hơn trong thời gian tới.
Ông Phương cho biết thêm, hình thức đối thoại trong doanh nghiệp cũng được “mềm hóa”, đỡ tốn thời gian hơn. Ví dụ, thay vì thực hiện quy định 3 tháng đối thoại 1 lần, doanh nghiệp và người lao động chủ động ngồi lại với nhau khi có vấn đề nảy sinh.
Hoặc có đơn vị lại linh hoạt bằng cách khi người lao động có ý kiến sẽ chuyển cho chủ sử dụng lao động thông qua văn bản để trả lời ngay, không để chờ đợi, chậm trễ.
5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại ghi nhận kết quả thực hiện QCDC trên các loại hình ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi và góp phần vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục: “Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở một số nơi hoạt động không đều, chất lượng hạn chế. Phong cách, lề lối làm việc của một số cán bộ, công chức còn hạn chế, khuyết điểm; cải cách các thủ tục hành chính còn bất cập, gây cản trở, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa xây dựng, thực hiện QCDC, thiếu công khai, dân chủ về sản xuất, kinh doanh, tiền lương,…”
Đồng chí Lê Xuân Đại chỉ đạo các thành viên quan tâm triển khai và thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, thực hiện của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở; thực hiện tốt QCDC ở cơ sở gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, phong trào “Dân vận khéo”; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Quyết định 290 của Bộ Chính trị; tăng cường tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu với nhân dân; tiếp tục kiện toàn, đổi mới hoạt động của ban chỉ đạo các cấp.