Là “kẻ giết người thầm lặng” song điều đáng lo hiện nay là tỷ lệ người dân biết mình bị tăng huyết áp không nhiều. Bệnh nhân tăng huyết áp đang có xu hướng trẻ hóa, thậm chí có người mới 30 tuổi bị tăng huyết áp dẫn tới nhồi máu cơ tim.
Tại Hội nghị báo cáo kết quả hoạt động dự án phòng chống tăng huyết áp năm 2013 và kế hoạch năm 2014 được tổ chức tại Hà Nội sáng 12/3, GS.TS Nguyễn Lân Việt, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Giám đốc Ban quản lý Dự án phòng, chống tăng huyết áp cho biết: Tại Việt Nam, cứ 4 người lớn thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp.
11 triệu người mắc tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp có xu hướng gia tăng rất rõ. Nếu như những năm 1970 cả nước chỉ có khoảng 2% người lớn bị tăng huyết áp thì những năm 1990 tỷ lệ này là 11% và những năm đầu 2001 là 16%. Nghiên cứu năm 2008 cho thấy có tới 25,1% người trưởng thành mắc bệnh. Đến thời điểm này, tỷ lệ trên tăng lên mức 30%.
“Như vậy cả nước có khoảng gần 11 triệu người bị tăng huyết áp. Sự gia tăng này kéo theo sự gia tăng của các biến chứng do tăng huyết áp. Bệnh nhân tăng huyết áp có xu hướng trẻ hóa tại Việt Nam và chúng tôi đã ghi nhận có những bệnh nhân mới 30 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim – điều rất hiếm thấy từ trước tới nay”, GS Nguyễn Lân Việt thông tin.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến căn bệnh này gia tăng. Theo đánh giá của GS Nguyễn Lân Việt, những thói quen không tốt như ăn mặn, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, căng thẳng (stress), lười vận động đều khiến nguy cơ mắc tăng huyết áp tăng cao.
“Ăn mặn khiến khối lượng tuần hoàn gia tăng làm tăng áp lực lên các thành mạch. Hút thuốc lá (thuốc lào) làm viêm nội mạc máu, xơ vữa mạch gây nhồi máu cơ tim. Thời gian nghỉ ngơi quá ít, làm việc quá căng thẳng, … đều rất có hại cho sức khỏe, là nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp. Cần có chế độ sinh hoạt khoa học, khám sức khỏe định kỳ”, GS Việt cho hay.
Bà Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng QG cho biết khẩu phần ăn của người Việt hiện nay quá nhiều muối. Trong khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người chỉ nên dùng tối đa 5g muối/ngày thì mỗi người Việt dùng tới 10-15g muối/ngày (gấp 2-3 lần mức khuyến cáo).
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng của người Việt Nam chưa khoa học khi ăn quá nhiều thịt, ít vận động, rất nhiều trẻ em (và cả người lớn) ở thành thị bị béo phì, thừa cân – đây đều là những yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp.
Đề xuất BHYT coi tăng huyết áp là bệnh mãn tính
Theo GS Nguyễn Lân Việt, tăng huyết áp thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi các biểu hiện của nó rất “ngấm ngầm”, không thể hiện ra ngoài. Hệ quả là rất ít người dân biết mình bị tăng huyết áp và nếu biết thì có biết cần phải điều trị không cũng không nhiều.
Bệnh tăng huyết áp có rất nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó nguy hiểm nhất là đột quỵ. Ngoài ra là các biến chứng lên mắt, tim, não, mạch máu. Điều quan trọng nhất, theo GS Nguyễn Lân Việt, là cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tính nguy hiểm và độ phổ biến của căn bệnh này.
Ngoài ra, các cơ sở y tế cần quản lý và giám sát bệnh nhân tăng huyết áp để không bị biến chứng.
GS Nguyễn Lân Việt cho biết hiện Ban quản lý Dự án phòng, chống bệnh tăng huyết áp đang đề xuất phía BHYT coi tăng huyết áp là bệnh mãn tính, cần điều trị lâu dài.
Đây là điều kiện giúp người bệnh tiếp cận các dịch vụ như khám, điều trị, thuốc được thường xuyên với chi phí vừa phải, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, vừa giúp cán bộ y tế thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Theo.vietnamnet