(Baonghean) Thấy trâu nhà mình chết nhưng nhiều người dân ở xã Thông Thụ (Quế Phong) vẫn thờ ơ, không báo cáo cho ngành chức năng khiến công tác phòng trừ dịch bệnh trở nên khó khăn.

Gần 1 tháng nay, nhiều con trâu của người dân tại các bản Mường Piệt, Mường Phú, Ăng… (xã Thông Thụ) bị chết không rõ nguyên nhân. Hầu hết những con trâu này khi được phát hiện thì đã chết nhiều ngày trong rừng, thịt đã phân huỷ, bốc mùi hôi thối. Người dân thấy nhiều ngày trâu không về, vào rừng đi tìm, thấy trâu chết nhưng không thể phát hiện được con nào là trâu của nhà mình mà chỉ xót xa cầm những chiếc sừng trâu về làm kỷ niệm.

Ông Quang Văn Bích, người dân bản Mường Piệt (Thông Thụ) cho biết: Hơn 3 ngày không thấy trâu về nhà nên rất lo lắng. Có người thấy trâu chết trong rừng nên đi tìm, nhưng do thịt đã thối rữa nên không biết có phải trâu nhà mình hay không. Nhà ông Bích có 4 con trâu kéo nhưng đã bị chết 1 con, thiệt hại hơn 20 triệu đồng. Ông Bích cho rằng, nguyên nhân trâu chết là do bệnh tụ huyết trùng. Theo tổng hợp của UBND xã Thông Thụ thì đến nay, toàn xã có 7 con trâu bị chết. Tuy nhiên ông Bích lại cho rằng, số trâu bị chết thực tế lớn hơn rất nhiều. Có gia đình như ông Quang Văn Nguyệt, bản Mường Piệt có 5 con trâu bị chết, trong đó có 1 con trâu kéo, 2 con trâu mẹ và 2 con trâu con, ước tính thiệt hại lên đến gần 70 triệu đồng.

Mặc dù hiện tượng trâu chết không rõ nguyên nhân đã xảy ra nhiều ngày (từ ngày 1/6) nhưng Phòng Nông nghiệp huyện không nắm được thông tin mà cán bộ thú y mới nhận được vào ngày 25/6. Ông Trần Trọng Điệp - Trưởng trạm Thú y huyện cho biết: “Thông tin trâu chết tại xã Thông Thụ được cán bộ thú y huyện phụ trách địa bàn nắm được qua dân. Còn chính quyền xã không hề báo cáo cho chúng tôi biết. Hiện nay, chúng tôi chưa thể xác định được nguyên nhân chết và đang nghi ngờ là do bệnh tụ huyết trùng và ký sinh trùng máu”. Trước sự việc trên, Trạm Thú y đã tổ chức cuộc họp ban chỉ đạo và tiến hành thống kê số lượng trâu bị chết. Bên cạnh đó, trạm đang tiến hành cấp hoá chất Bencoxit, phát vacxin phòng bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng (LMLM) để tiêm phòng cho đàn gia súc của toàn xã.

Về thông tin số lượng chính xác tổng số trâu bị chết, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó trạm Thú y huyện cho rằng, một số người dân khai báo không trung thực. Mặt khác, do quá trình di dời nhà cửa đến nơi ở mới nên có thể trâu của các hộ dân đi lạc, bị bắt trộm nên người dân cứ nghĩ là trâu đã chết trong rừng. “Tập tục chăn nuôi của người dân là thả rông nên việc thống kê gặp rất nhiều khó khăn, chưa đầy đủ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền xã và người dân để xác minh thông tin nhằm có số liệu một cách chính xác nhất”, ông Cường nói.

Được biết, nhiều người dân khi phát hiện trâu chết không những không báo cáo cho các ngành chức năng mà còn mổ thịt về ăn. Đây là vấn đề thực sự nguy hại cho sức khoẻ con người và có thể làm bệnh lây lan nhanh. Vì vậy, các ngành chức năng cần sớm vào cuộc để có những biện pháp xử lý kịp thời, nhằm hạn chế việc lây lan bệnh ra diện rộng, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân.


Phạm Bằng - Sông Dinh