(Baonghean) - Trở lại làm việc sau kỳ nghỉ thu, Quốc hội Mỹ do phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát đã bắt tay vào thảo luận một nghị quyết liên quan tới thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký với Iran. Mặc dù Quốc hội Mỹ có đến 10 ngày để xem xét các điều khoản của thỏa thuận, song những thông tin nhận được tới nay cho thấy Tổng thống Barack Obama đã cầm chắc số phiếu ủng hộ tại Thượng viện. 
Ngay từ khi nhóm P5+1 và Iran đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi, người ta đã dự đoán rất nhiều về sự phản đối gay gắt trong cả Thượng viện và Hạ viện mà Tổng thống Barack Obama sẽ phải đối mặt. Kịch bản được đề cập nhiều nhất là các nghị sỹ đối lập tập hợp đủ số phiếu phủ quyết bản thỏa thuận giữa P5+1 và Iran. Nếu nghị quyết này được thông qua, nó sẽ ngăn cản Tổng thống Barack Obama gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran để đổi lấy việc ngừng các hoạt động trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Rất có thể, ông Obama sẽ phải dùng quyền phủ quyết của mình như nhiều lần đã tuyên bố - đồng nghĩa với hành động “tuyên chiến” với Quốc hội. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, nhiều khả năng mọi việc sẽ diễn ra theo một chiều hướng khác, thuận lợi hơn nhiều cho ông Obama. 
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Internet
Để đảm bảo thỏa thuận hạt nhân do nhóm P5+1 đạt được với Iran hồi giữa tháng 7 có hiệu lực, Tổng thống Barack Obama cần sự ủng hộ của 34 trên 46 Thượng nghị sỹ thuộc phe dân chủ, và khi con số này tăng lên 41 người, Thượng viện sẽ không thể bác bỏ thỏa thuận. Trong 5 tuần trở lại đây, số nhà lập pháp Dân chủ ủng hộ thỏa thuận này ngày càng tăng và cán mốc 34 nghị sỹ ủng hộ vào hôm 2/9 khi Thượng nghị sỹ Dân chủ bang Maryland Barbara Mikulski tuyên bố “Không có thỏa thuận nào hoàn hảo, đặc biệt là khi đàm phán với Iran. Tôi cho rằng Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung là lựa chọn khả dĩ nhất để ngăn cản Tehran sở hữu bom hạt nhân. Với lý do này, tôi sẽ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận”. 
Tiếp đến, ngay trong ngày Quốc hội Mỹ bắt đầu làm việc trở lại sau kỳ nghỉ thu, ông Obama lại nhận được tin vui từ 3 nghị sỹ đảng Dân chủ trước đây còn do dự là Ron Wyden, Gary Peters và Richard Blumenthal, nâng tổng số Thượng nghị sỹ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran lên 41 người, đủ số phiếu cần thiết theo luật định để ngăn chặn Thượng viện bác bỏ thỏa thuận. Theo giới phân tích, các nghị sỹ Dân chủ còn do dự đã đưa ra quyết định cuối cùng bởi họ có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc bầu cử năm sau nếu quyết định thách thức Tổng thống của mình. 
Trong khi đó tại Hạ viện, mặc dù đảng Dân chủ chưa giành đủ 146 lá phiếu ủng hộ để ngăn chặn việc bác bỏ thỏa thuận, nhưng do Thượng viện đã có đủ số phiếu nên dù gì thì nghị quyết này cũng chỉ mang tính tượng trưng. Như vậy, Tổng thống Barack Obama sẽ không cần phải sử dụng quyền phủ quyết như ông từng nhiều lần tuyên bố nhằm bảo vệ đến cùng kết quả đàm phán đã đạt được với Iran.
Trước khi đi đến hồi kết về việc ủng hộ hay phủ quyết bản thỏa thuận, cả hai phe đều đưa ra nhiều lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Phe đối lập liệt ra hàng loạt những lý do như sự ủng hộ liên tục mà Iran dành cho các tổ chức khủng bố và đánh thuê, suy giảm khả năng gây áp lực của Mỹ với Iran sau khi nước này có được nguồn tài chính khổng lồ nhờ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đe dọa quan hệ với đồng minh lâu năm của Mỹ ở khu vực là Israel… Và hơn cả, phe đối lập tin rằng “nước Mỹ và thế giới cần một thỏa thuận tốt hơn”. 
Chưa biết “một thỏa thuận tốt hơn” là như thế nào, nhưng dường như những người ủng hộ quyết định Tổng thống Obama đã chỉ ra được nhiều lợi điểm của bản thỏa thuận. Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nhân vật tích cực nhất trong cuộc vận động nhất kêu gọi ủng hộ thỏa thuận, mục tiêu lớn nhất của bản thỏa thuận ký với Iran là ngăn chặn khả năng Iran chế tạo được bom hạt nhân. Không những vậy, thỏa thuận lịch sử này còn mở ra cánh cửa để giải quyết hàng loạt những vấn đề gai góc khác của khu vực Trung Đông. Điều quan trọng nhất là nếu Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết bác bỏ bản thỏa thuận mà Tổng thống Barack Obama dồn bao tâm sức, hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế sẽ bị sứt mẻ, mất đi niềm tin của các đối tác. 
Việc tập hợp đủ số phiếu để ngăn chặn Quốc hội bác bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể coi là một thắng lợi lớn của Tổng thống Mỹ Barack Obama, và đó cũng là cái kết ngọt ngào cho những nỗ lực vận động hành lang của ông trong suốt kỳ nghỉ thu vừa qua. Theo thông tin từ Nhà Trắng, ông Obama đã tổ chức các cuộc gặp riêng hoặc theo nhóm nhỏ với gần 100 nhà lập pháp và hơn một chục cuộc họp với nội các và giới chức cấp cao trong suốt thời gian này. Nhà lãnh đạo da màu của nước Mỹ đang ngày càng tiến gần hơn tới một chiến thắng quan trọng – một trong những di sản nổi bật của ông trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ, sau những thỏa thuận về khí hậu với Trung Quốc và tuyên bố quan hệ bình thường hóa quan hệ với Cuba. 
Thúy Ngọc
TIN LIÊN QUAN