Hàng tỷ tấn rác thải nhựa đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trên Trái Đất có khoảng 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa
Nhựa bắt đầu được sử dụng cách đây 60 - 70 năm và đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống hiện đại, ảnh hưởng đến cách thiết kế quần áo, nấu ăn, các hoạt động kỹ thuật và thiết kế sản phẩm, theo Telegraph. Vì vậy, tốc độ sản xuất nhựa ngày càng tăng, tạo ra hàng tỷ tấn nhựa trên Trái Đất.
Các chuyên gia ước tính, con người đến nay sản xuất khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa. 6,3 tỷ tấn đã trở thành phế thải, 79% trong số đó nằm ở các bãi rác hoặc ngoài môi trường tự nhiên.
Đến năm 2050, nhựa sẽ vượt cá về khối lượng
Chuyên gia David Attenborough cảnh báo trên chương trình phim tài liệu tự nhiên Blue Planet rằng các đại dương đang bị đe dọa chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Lượng nhựa dưới biển ước tính khoảng 150 triệu tấn, xấp xỉ 1/5 khối lượng cá. Với tốc độ sản xuất và tiêu dùng nhựa như hiện tại, khối lượng nhựa sẽ vượt cá năm 2050.
Tã lót có thể tồn tại đến 450 năm
Một trong những lý do nhựa được dùng phổ biến là chúng rất bền. Điều này nghĩa là phần lớn lượng nhựa sản xuất ra ngày nay vẫn tồn tại dưới dạng nào đó, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Một chiếc tã lót có thể tồn tại khoảng 450 năm, gấp hơn 5 lần tuổi thọ trung bình của người Anh. Dây câu cá thậm chí còn bền hơn với thời gian phân hủy lên đến 600 năm.
Có hơn 200 sản phẩm nhựa trên mỗi 100 m bờ biển Anh
Hồi tháng 9, gần 7.000 người tham gia một chiến dịch dọn sạch 255.209 mảnh rác trên 339 bãi biển tại Anh. Kết quả cho thấy, trung bình có 718 mảnh rác trên mỗi 100 m bờ biển mà những người tham gia dọn dẹp, tăng 10% so với năm ngoái.
Các mảnh nhựa nhỏ là thứ xuất hiện phổ biến nhất, cứ 100 m lại có 225 mảnh. Trong số đó, rác thải từ thức ăn và đồ uống, những vật thường chỉ dùng một lần rồi bỏ đi, chiếm ít nhất 20%.
Có 20.000 chai nhựa được bán ra mỗi giây
Chai nước là một trong những yếu tố chính gây ra tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Năm 2016, có khoảng 480 tỷ chai nhựa được bán ra trên toàn thế giới. Chính phủ Anh đang cân nhắc những biện pháp để kiểm soát lượng tiêu thụ này, trong đó có việc tạo điểm cung cấp nước uống miễn phí và áp dụng chính sách trả chai sau khi sử dụng.
Theo VNE