Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại hiện trường vụ tai nạn tàu khách Bắc Nam đoạn qua xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu cho biết vào lúc 5 giờ 20 sáng 9/10 đường sắt Bắc Nam đoạn qua nơi xảy ra tai nạn đã được thông tuyến.
Khoảng 23 giờ 40 phút ngày 7-10, tại km 258+600 đường sắt Bắc-Nam đoạn qua địa phận xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, đã xẩy ra một vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, khiến 7 toa của đoàn tàu thống nhất SE6 chạy hướng TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội bị trật bánh ra khỏi đường ray, khiến hơn 400 hành khách được một phen hú vía.
Theo thông tin từ phía ngành đường sắt, đoàn tàu SE6 có 12 toa, với trên 400 hành khách, vụ tai nạn đã khiến 7 toa phía đầu máy dồn lại, trượt hẳn ra khỏi đường ray, nghiêng khoảng 30 độ, và bị hư hỏng nặng.
Nhận được tin báo, ngay trong đêm, ngành đường sắt đã huy động hàng trăm công nhân cùng với các loại xe cứu hộ chuyên dụng đến hiện trường khắc phục hậu quả tai nạn, nhằm đảm bảo thông tuyến một cách sớm nhất.
Đây là nỗ lực rất lớn của cán bộ, công nhân viên, các chuyên gia về kỹ thuật của Tổng công ty và một số đơn vị thành viên trên địa bàn Nghệ An trong việc khắc phục sự cố, bất chấp thời tiết trời mưa, đường trơn và không thuận lợi về vận chuyển thiết bị vào hiện trường vụ tai nạn.
Nỗ lực khắc phục nhanh sự cố.
Hiện nay tuy đường sắt Bắc Nam đoạn qua nơi xảy ra tai nạn đã thông tuyến nhưng để đảm bảo an toàn cho tàu, ngành đường sắt quy định tốc độ tàu đi qua là 5 km/giờ.
Liên quan đến việc xác định nguyên nhân tai nạn, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Ban an toàn giao thông đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân tai nạn.
Cũng theo ông Quang, để xác định được nguyên nhân tai nạn các đơn vị chức năng thuộc Tổng Công ty sẽ phải tiến hành khám nghiệm hiện trường một cách tỷ mỷ, cẩn trọng về toa xe, đầu máy và các yếu tố liên quan khác theo đúng quy định của luật pháp mới có được kết luận chính thức về nguyên nhân xảy ra tai nạn.
Tuy đường sắt Bắc Nam đoạn qua vụ tai nạn đã thông đường nhưng hiện nay Tổng Công ty đường sắt Việt Nam vẫn đang huy động bộ phận cứu hộ và đơn vị sở tại là Công ty quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh để tiến hành gia cố đường và tiếp tục trả tốc độ đường.
Việc trả tốc độ đường như trước khi chưa xảy ra tai nạn chưa xác định được thời gian cụ thể mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó có nỗ lực của cán bộ, công nhân của các đơn vị này.