Sau khi Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 5, chiều 21/6, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp thông báo về kết quả kỳ họp.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thảo luận, thông qua 9 dự án luật và 2 Nghị quyết. Đó là: Luật Hòa giải cơ sở; Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi); Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật Doanh nghiệp; Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2013 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014; Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân.

Việc Quốc hội thông qua 9 dự án luật và các Nghị quyết nói trên đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Như vậy, so với chương trình đề ra, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được thông qua tại kỳ họp này. Lý do, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một đạo luật quan trọng, tác động lớn đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước và mọi người dân. Một số nội dung của dự án Luật có liên quan đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hiện nay, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, ý kiến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi thông qua Hiến pháp 1992 (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi thành từ ngày 1/7/2014.

Tuy nhiên, việc quyết định thời gian thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 sẽ liên quan đến quy định trong Luật Đất đai hiện hành về thời hạn giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối. Theo đó, phần lớn đất được giao đến ngày 15/10/2013 là hết hạn. Trên cơ sở tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân.

Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm và cũng đã thông qua Nghị quyết số 44/2013/QH13 ngày 11/6/2013 xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 47/49 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (trừ 2 người giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp này nên theo quy định của Nghị quyết số 35/2012/QH13 không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này).

Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện đảm bảo nghiêm túc, đúng mục đích, nguyên tắc, quy trình; quá trình lấy phiếu được công khai để các cơ quan thông tấn báo chí theo dõi đưa tin. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dư luận cử tri đánh giá cao việc Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, cho rằng đây là việc làm cần thiết và cũng là hình thức giám sát quan trọng của Quốc hội.

Theo ý kiến của cử tri, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là cơ hội để những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhìn vào đó để nỗ lực làm việc. Điều này đã thể hiện rõ tính công khai, minh bạch của một thể chế đang vận động theo hướng tiến bộ, góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ luôn thu hút sự quan tâm, chú ý theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Theo đó, kỳ họp này có 203 chất vấn của 89 đại biểu Quốc hội về nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: Nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, lao động, tư pháp…

Trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày báo cáo về việc thực hành các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.

Quốc hội đã dành 2,5 ngày để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Cụ thể, Quốc hội đã bố trí 2 ngày để chất vấn 4 Bộ trưởng, trưởng ngành. Đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Quốc hội đã bố trí nửa ngày để Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Một số Bộ trưởng, trưởng ngành khác cũng tham gia giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan.

Căn cứ vào kết quả chất vấn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Ngoài ra, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát: “Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012”; Ban hành Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014./.

Theo (vov.vn) - L.T