(Baonghean) - Với trị giá 1.200 tỷ USD, ngành công nghiệp thời trang toàn cầu là thị trường béo bở của nhiều công ty và là mối quan tâm của tất cả mọi người. Trong đó, xu hướng fast fashion (tạm dịch: thời trang “ăn liền”) đã xuất hiện trên thế giới khá lâu, nay các hãng thời trang kiểu này như Zara hay H&M đã bắt đầu có mặt tại Việt Nam và đem lại nhiều mối quan tâm cho xã hội.
Thời trang "ăn liền”
Thời trang “ăn liền” là một hiện tượng trong ngành công nghiệp thời trang trong đó quá trình sản xuất đều được triển khai một cách nhanh chóng nhằm đáp ứng được xu hướng mới của thị trường một cách nhanh nhất và rẻ nhất có thể.
Từ góc nhìn của các nhà bán lẻ, thời trang “ăn liền” là bước tiến khi liên tục giới thiệu các sản phẩm mới và lôi kéo các khách tới cửa hàng. Để đảm bảo được tiêu chí nhanh và rẻ, các hãng thời trang này thường lấy ý tưởng từ các sàn trình diễn thời trang hay trang phục của người nổi tiếng cộng với việc tối ưu hóa các khâu trong chuỗi cung ứng để tạo ra các bộ trang phục thời thượng có mức giá phải chăng.
Trong những năm gần đây, các hãng thời trang fast fashion tăng trưởng cao hơn so với các hãng thời trang truyền thống. Một số thương hiệu lớn có thể kể đến như Zara, H&M, Topshop, Peacocks và Primark, trong đó Zara là nhãn hiệu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.
Chiến lược bán lẻ
Công ty mẹ của Zara là Inditex - công ty bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới có trụ sở tại Tây Ban Nha với các nhãn hiệu khác nhau. Trong năm 2015, hãng này đã mở tới 330 cửa hàng tại 56 thị trường trên khắp thế giới với lợi nhuận ròng đạt 3,17 tỷ USD. Công ty này hy vọng sẽ mở thêm 400-460 cửa hàng trong năm 2016. Trong khi Zara nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh của mình, các hãng bán lẻ thời trang khác dường như đang bế tắc trong việc thu hút khách hàng.
Ngay cả khi là thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, Zara vẫn phải hiểu khách hàng nơi mình đến, và đó cũng chính là một phần thành công của hãng thời trang này. Ngoài việc chọn địa điểm đặt cửa hàng tại các khu vực mua sắm, Zara thay đổi chính sách bán lẻ tại từng khu vực.
Hơn nữa, không giống như các hãng bán lẻ khác khi họ tìm hiểu về các xu hướng thời trang từ bên thứ ba, Zara thành lập một đội ngũ thiết kế của riêng mình để dự đoán các xu hướng thời trang trong 12 tháng tiếp theo. Trong khi các thương hiệu khác cập nhật các bộ sưu tập một lần trong một mùa thì Zara bổ sung các mẫu thiết kế mới 2 lần/tuần. Chiến lược này giúp cho Zara kích thích khách hàng trở lại với cửa tiệm thường xuyên hơn và tạo cho người mua hàng cảm giác rằng họ phải sở hữu món đồ trước khi nó bị bán hết.
Sản phẩm của các hãng thời trang fast fashion hầu hết đều sản xuất tại Trung Quốc hay một vài quốc gia châu Á khác. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên khi so sánh chi phí nhân công tại khu vực này với các nước châu Âu hay Mỹ.
Tuy nhiên, một đặc điểm của fast fashion là phải tận dụng xu hướng một cách nhanh chóng, liệu việc sản xuất ở một đất nước xa xôi có đem lại bất lợi về mặt thời gian cũng như chi phí quản lý? Để ứng phó với khó khăn này, Inditex - công ty sở hữu Zara tìm đến các nguồn cung ứng từ nước đặt trụ sở của mình hay một số nước láng giềng như Bồ Đào Nha hay Morocco, các sản phẩm từ các nước trên chiếm hơn một nửa nguồn cung ứng. Mặc dù việc sản xuất tại chỗ có thể làm chi phí sản xuất tăng lên nhưng nó giảm thiểu số lượng hàng phải bán hạ giá khi mà xu hướng thời trang kết thúc.
Những mặt trái
Mặc dù đem lại cho các nhà sản xuất lợi nhuận khổng lồ, tuy nhiên ngành thời trang nhanh và rẻ này tồn tại nhiều vấn đề cho xã hội. Đầu tiên là vấn đề bản quyền thiết kế. Để có được thiết kế một cách nhanh chóng, việc các công ty thời trang “ăn liền” lượm lặt ý tưởng là điều không thể tránh khỏi. Vào năm 2015, nhãn hiệu Forever 21 đã bị H&M kiện vì sao chép thiết kế “Beach Please’’ của họ, ngoài ra nhãn hiệu này cũng gặp phải hơn 100 tranh chấp bản quyền khác trong những năm gần đây.
Xu hướng thời trang này còn tác động lớn đến môi trường khi mà nó kích thích người tiêu dùng sử dụng nhiều quần áo hơn cũng như thay bỏ các trang phục chỉ trong thời gian ngắn. Việc các hãng thời trang liên tục cho ra các mẫu sản phẩm mới khiến quần áo được sản xuất ra với số lượng lớn. Để sản xuất ra một lượng lớn trang phục, các nhà sản xuất tiêu tốn một lượng nước sạch khổng lồ, và theo ước tính phải mất 7.000 lít nước để sản xuất 1 chiếc quần jean hay 2.700 lít nước cho một chiếc áo sơ mi.
Bên cạnh đó, thường các sản phẩm thời trang “ăn liền” giá rẻ nên dễ tiềm ẩn nguy cơ từ nguyên liệu kém chất lượng. Hơn nữa, các hóa chất từ quần áo bỏ đi có thể ngấm vào các mạch nước ngầm cũng như các nguyên liệu nylon, polyester có nguồn gốc từ dầu mỏ phải mất hàng trăm năm để phân hủy.
Các hãng thời trang fast fashion cũng hay tìm đến các xưởng may công nghiệp tại các nước châu Á nhằm giảm chi phí sản xuất. Các xưởng sản xuất này thường đi kèm với môi trường làm việc độc hại, chật chội cũng như các vụ bê bối liên quan đến việc sử dụng trẻ em.
Phan Vũ