(Baonghean) - Lần đầu tiên, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2475/QĐ-UBND (ngày 17/6/2015) công bố thiên tai do hạn hán trên phạm vi toàn tỉnh. Đây là một hiện tượng thời tiết bất thường của “biến đổi khí hậu” đã được các nhà khoa học dự báo lâu nay. Qua thực tế đó, càng cho thấy mỗi người cần tích cực hành động bảo vệ môi trường, trong đó, trồng và bảo vệ rừng là một trong những giải pháp quan trọng chống lại biến đổi khí hậu. 

Những hệ lụy từ thiên tai hạn hán
 
Chưa bao giờ chúng ta lại phải trải qua đợt nắng nóng kéo dài liên tục với nền nhiệt độ vượt quá 40 độ C, có nơi đạt đỉnh 43 độ C như hè 2015 này; so với các mùa hè trước nền nhiệt năm nay cao hơn trung bình khoảng 2 độ C. Ông Tăng Văn An, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ, cho biết: Qua theo dõi diễn biến biến thời tiết trong vòng chu kỳ 10 năm trở lại đây trên địa bàn vùng Bắc Trung bộ nói chung và Nghệ An nói riêng, cho thấy số ngày nắng nóng tăng lên, phản ánh đúng xu thế tăng nhiệt độ của thời tiết từ sự biến đổi khí hậu (BĐKH), bởi một lẽ BĐKH tác động đến khí hậu thủy văn rất rõ...
images1185916_nhi_u_h__nu_c.jpgHồ chứa nước ở xã Hạnh Lâm, Thanh Chương khô cạn.
Đối với tỉnh nông nghiệp và đa số người dân sống ở vùng nông thôn như Nghệ An thì tình trạng hạn hán sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Ở huyện Thanh Chương, theo ông Phan Đình Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện, hạn hán khốc liệt thời gian qua đã khiến cho trong tổng 164 hồ, đập lớn nhỏ, chỉ duy nhất hồ sông Rộ có trữ lượng nước tương đối lớn, số còn lại đều xuống cạn, điển hình như sông đào Rào Gang nước rút khô có thể đi bộ được ở dưới lòng sông. Do thiếu nước sản xuất nên có khoảng 25 - 30% diện tích lúa hè thu bị chậm lịch thời vụ, không có nước để gieo cấy; một số diện tích gieo cấy rồi cũng bị khô cháy hoặc bị ảnh hưởng năng suất, sản lượng. Toàn bộ diện tích đất màu, gồm 2.500 ha đậu xanh, 700 ha ngô và nhiều diện tích rau màu không thể cày bừa, làm đất để trồng trỉa. Đối với cây chè, một số diện tích thương phẩm bị cháy sém cành và hơn 1 tháng nay nhiều diện tích chè trong huyện không cho thu hoạch. Còn huyện Yên Thành, trong đợt nắng nóng vượt đỉnh lịch sử vừa qua, ngoài gần 1.000 ha lúa xuân không thể cấy do không có nước thì diện tích lúa đã cấy cũng bị hạn hơn 2.000 ha, trong đó có khoảng 500 ha lúa và 150 ha màu gồm ngô, đậu bị chết. 
Công nhân Công ty CP Công viên Thành phố Vinh trồng cây xanh.
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mực nước trong các hồ chứa, các triền sông, suối mùa nắng nóng đã giảm mạnh. Lượng nước trong các hồ chứa chỉ còn 20 - 40% dung tích thiết kế, trong đó có nhiều hồ nhỏ khô cạn. Mực nước trước cống Nam Đàn giảm thấp lịch sử, có thời điểm chỉ đạt -0,1 m đến -0,4 m/thiết kế 1,15 m. Do mực nước sông xuống thấp nên các trạm bơm lấy nước dọc sông Lam thuộc các huyện Thanh Chương, Đô Lương, nhất là trạm bơm lấy nước sau cống Nam Đàn phục vụ các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn, Thành phố Vinh không hoạt động được. Chính vì vậy, tình hình thiếu nước, khô hạn đã xảy ra trên diện rộng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, nhiều nơi không có nước sinh hoạt và sản xuất. Tính đến cuối tháng 6, toàn tỉnh có 7.521 ha lúa không gieo cấy được theo kế hoạch, trong đó có khoảng hơn 2.000 ha chuyển đổi sang trồng màu, 3.861 ha chuyển sang trồng lúa và 1.580 ha bỏ hoang. Trong tổng số 48.479 ha lúa hè thu đã gieo cấy thì có khoảng 4.650 ha lúa bị chết hoặc ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch. Diện tích mạ già phải bỏ (quy ra diện tích lúa cấy) là 1.270 ha. Về cây ngô hè thu chỉ gieo trồng được 3.650/16.000 ha; ngô xuân bị cháy và mất trắng là 4.696 ha. Đó còn có nhiều diện tích cây giống lâm nghiệp bị chết, ảnh hưởng đến diện tích trồng rừng hè thu... Tổng giá trị thiệt hại trong sản xuất nông, lâm nghiệp hơn 267 tỷ đồng. 
 
Hệ lụy dễ thấy trước mắt đó là thiệt hại về kinh tế như giảm diện tích mùa màng, số đầu gia súc, thời gian đình chỉ sản xuất và sản phẩm sụt giảm; ngoài ra còn dẫn đến nguy cơ xáo trộn cấu trúc xã hội hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng... Xét ở góc độ bảo vệ môi trường đó là suy giảm chất lượng môi trường, thu hẹp hệ sinh thái, làm mất tính đa dạng sinh học..., ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Trước hàng loạt vấn đề, đặt ra giải pháp nào để giải quyết tình trạng hạn hán?
 
Đề cao vai trò của rừng
 
Có thể nói, xu hướng tăng cường độ và tần suất nắng nóng, giảm mưa, gây ra hạn hán là một biểu hiện rõ nét nhất của BĐKH. Theo PGS, TS Bùi Văn Dũng, Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Vinh, có hai nguyên nhân gây ra BĐKH, đó là do tự nhiên và hoạt động của con người, trong đó có 90% nguyên nhân từ các hoạt động của con người tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức; các hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.
 
Như vậy, đặt ra trách nhiệm đối với con người cần phải giảm tác động BĐKH và thích ứng với biến đổi. Để làm giảm tốc độ của BĐKH không còn cách nào hơn con người phải tiết kiệm năng lượng, thay đổi nhận thức về sử dụng nhiên liệu. Mặt khác, con người cần phải tích cực triển khai những biện pháp thích ứng, nâng cao nhận thức về BĐKH và chủ động đối phó với BĐKH để tránh những thiệt hại có thể xảy ra. Đặc biệt để ứng phó và giảm ảnh hưởng của xu thế thời tiết nắng nóng, nền nhiệt ngày càng tăng cao, giữ gìn và bảo vệ nguồn nước để đảm bảo phục sản xuất và đời sống của con người. Giải pháp theo ông Võ Văn Hồng, chuyên gia về môi trường (nguyên là chuyên viên Sở Tài nguyên và Môi trường) thì ngoài hàng loạt các vấn đề như đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, hồ đập để đảm bảo tích trữ nước tốt thì vấn đề cấp bách nhất là phải nhanh chóng trồng lại rừng và bảo vệ các cánh rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng phòng hộ ven biển nhằm giảm tác dụng khô nóng và làm nơi dự trữ nước tự nhiên cho sông suối, ao hồ, đập. Mặt khác, cây xanh còn có vai trò cực kỳ quan trọng trong bảo vệ môi trường, là “lá phổi” vừa hút khí độc, khí thải, vừa sản xuất lượng ô xy nhất định; đảm bảo sự đa dạng sinh học... Riêng đối với rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn, ngoài có vai trò của rừng nói chung, nó còn có tác dụng ngăn tai họa từ thiên tai sóng thần, nước biển dâng. 
 
Cũng theo ông Võ Văn Hồng, hiện nay, diện tích rừng trồng (chủ yếu là rừng nguyên liệu giấy) vẫn đang chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng diện tích rừng hiện có trên địa bàn toàn tỉnh. Như vậy, vai trò của rừng không được phát huy lớn, bởi lẽ thông thường rừng trồng thì phải mất 3 - 4 năm mới khép tán, thời gian đó lượng nước mưa vẫn bị chảy trôi và đến khoảng năm thứ 7 thu hoạch thì rừng trở thành đồi núi trọc. Đó còn chưa kể diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đầu nguồn mất đi hàng năm do nạn phá rừng, từ việc mở các tuyến đường vành đai biên giới đi qua nhiều khu rừng nguyên sinh, rừng có trữ lượng gỗ, lâm sản lớn; nhiều dự án thủy điện được xây dựng, vừa làm mất diện tích rừng do chuyển đổi hàng nghìn héc ta rừng để làm thủy điện, vừa mất rừng do nhu cầu của người dân lấy gỗ để phục vụ tái định cư...
 
Rõ ràng như chúng ta đã biết rừng đem lại nhiều lợi ích và có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; rừng còn có ý nghĩa bảo vệ và cải thiện môi trường sống, chống lại biến đổi khí hậu... Chính những khả năng và vai trò đáp ứng của rừng đặt ra cho mỗi quốc gia, lãnh thổ đều quan tâm để phát triển rừng một cách bền vững. Ở tỉnh ta, cần tiếp tục nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân bằng cách đẩy mạnh các dự án trồng rừng thay thế nương rẫy. Tiếp tục rà soát và quy hoạch hợp lý 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất), tránh tình trạng khu vực rừng phòng hộ lại quy hoạch rừng sản xuất và ngược lại; đồng thời đóng mốc ranh giới giữa 3 loại rừng để có sự bảo vệ phù hợp và tiến hành cấp chứng chỉ CO cho từng loại rừng. Quan tâm đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng để xác lập rừng có chủ nhằm tạo sự phát triển rừng bền vững. Tăng cường công tác phòng, chống và chữa cháy rừng; xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, nhất là vai trò bảo vệ rừng tại gốc của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, chủ rừng... Việc khai thác rừng để phục vụ cuộc sống con người là việc làm cần thiết, nhưng muốn hưởng lợi ích lâu dài, nhất là hạn chế những tác động của lũ lụt, hạn hán thì con người cần phải bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững. 
 
Bài, ảnh: MAI HOA