(Baonghean) - Đang lúc vội đến công sở vì đã muộn giờ, hay phải đón con cho kịp giờ học thêm mà bị tắc đường, kẹt xe, hay “nhẹ” hơn là phải chen chúc vì đám đông mua mua, bán bán ven đường phố khiến tốc độ không được như ý muốn, thì thể nào người ta cũng càu nhàu. Càu nhàu và mắng nhiếc, chê bai là người mua thiếu ý thức giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tiếp tay cho hàng rong lấn chiếm lòng, lề đường…

Nghe thế, ai cũng nghĩ là ra tay dẹp bỏ các xe thồ, gánh hàng rong bán rau quả, thịt thà, cá mú trên vỉa hè, dưới lòng đường thể nào cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Nhưng hóa ra là “nói dzậy mà hổng phải dzậy”. Hà Nội là nơi mà giao thông trên phố bị ách tắc khá nặng nề từ những gánh hàng rong, những chợ cóc bên đường phố. Thành phố đã có lệnh cấm hàng rong từ lâu rồi, nhưng người bán vì sinh kế nên kiên quyết đánh “bài bây”, cố tình phớt lờ lệnh cấm và người mua vì sự tiện lợi, nhanh chóng mà vẫn tỉnh bơ tiếp tay cho người bán. Thế là, việc đâu vẫn nằm đó. Để giải quyết triệt để vấn đề và để cho công bằng, chính quyền đang dự tính ngày 1/1/2015 tới đây sẽ phạt nặng cả người bán lẫn kẻ mua không đúng nơi quy định là các “chợ dã chiến”, “chợ di động” trên vỉa hè, lòng đường. 

Mới dự tính thế, mà đã vấp phải sự phản đối từ chính những người đang ngày ngày gánh chịu sự phiền hà, khó chịu vì ách tắc giao thông từ những gánh hàng rong đó. Họ không đồng ý không hẳn là vì thương người bán hàng rong mất kế sinh nhai, mà vì mất đi sự tiện lợi, khi chỉ việc dừng xe lại bên đường là mua được đủ thứ, không phải mất công vào chợ vừa tốn tiền gửi xe lại mất thời gian. Với lại, người ta cũng đã quá quen với chuyện mua bán trên vỉa hè, lòng đường. Quá quen trở thành thói quen nên khó bỏ và không muốn bỏ. Cũng tương tự như chuyện chống tham nhũng. Khi nói đến chống tham nhũng, ai cũng tỏ ý hồ hởi, phấn khởi và không ngớt lời chê bai, kết tội tham nhũng.

Thế nhưng khi tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học thì thấy có tới 70% số người được hỏi sẵn sàng chi tiền lót tay theo kiểu hối lộ để cho công việc của mình được thuận lợi. Như thế là đã có sự vênh nhau giữa tư tưởng, lời nói và hành động. Ai cũng biết tham nhũng là xấu, là cần phải loại bỏ, nhưng để cho thuận lợi công việc của bản thân, người ta cũng không ngại ngần thực hiện hành vi tiếp tay cho tham nhũng. Lâu dần, hành vi chi tiền để “bôi trơn” trong mọi việc trở thành thói quen của nhiều tầng lớp trong xã hội. Dẫn đến nạn tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt tràn lan rất khó loại trừ.

Mới thấy, trong cuộc sống có không ít hành vi, việc làm sai trái, nhiễu nhương thậm chí là xấu xa như tham nhũng vặt vẫn cứ tồn tại mãi là bởi tại những thói quen khó bỏ của chính tất cả chúng ta.

Tri Kỷ