Kết quả điều tra sơ bộ của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, rất nhiều người Việt Nam trong độ tuổi 26-64 tiêu thụ lượng muối cao hơn so với lượng muối do WHO khuyến cáo là ít hơn 5 g một người một ngày. Gần 60% người dân tiêu thụ lượng muối cao gấp 2 lần lượng muối được khuyên dùng hàng ngày.
Theo Phó giáo sư Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, người Việt ăn rất mặn. Nguyên nhân do tập quán ăn uống từ lâu đời với đủ các loại mắm, cà muối, dưa muối... Lâu dần quen mọi người quen với thói quen ăn mặn.
Theo bác sĩ, tiêu thụ quá nhiều muối có thể dẫn đến (hoặc góp phần vào) bệnh tăng huyết áp và làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ. Ăn mặn sẽ khát nước. Khi nước vào cơ thể sẽ đi vào máu làm tăng thể tích tuần hoàn, tăng áp lực trong máu dẫn đến tăng huyết áp. Việc sử dụng quá nhiều muối còn gây giữ nước với bệnh nhân suy tim, thận nhiễm mỡ…
Lượng muối tiêu thụ hàng ngày chủ yếu từ việc nêm nếm trong quá trình chế biến, nấu nướng, các loại nước chấm. Ngoài ra còn có một lượng lớn đến từ các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, đồ đóng hộp, giò chả, mì tôm... Thành phần chủ yếu của muối trong khẩu phần ăn là natri. Natri cũng có trong mì chính (bột ngọt), một loại gia vị được nhiều nơi trên thế giới sử dụng.
Một nghiên cứu tại Anh cho thấy giảm ăn muối 5 g một ngày sẽ giảm 23% nguy cơ tử vong do đột quỵ và khoảng 17% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân cao huyết áp chỉ nên dùng 2-4 g muối mỗi ngày. Người trưởng thành nên sử dụng dưới 5 g muối mỗi ngày, trẻ em dưới 5 tuổi nên sử dụng ít hơn 3 g muối mỗi ngày, trẻ em 6-11 tuổi chỉ nên ăn dưới 4 g.
Theo VNE