(Baonghean.vn) - Trước giờ truyền hình trực tiếp Chương trình giao lưu nghệ thuật “Truông Bồn huyền thoại và tri ân” được tổ chức tối nay 27/10 tại Thành phố Vinh, tôi tìm gặp nhà báo Thanh Phong -  nguyên phóng viên Báo Nghệ An - người đã thường trú tại các trọng điểm giặc Mỹ đánh phá ác liệt trên con đường 15A huyền thoại trong những năm chống Mỹ cứu nước, để được nghe ông kể về một thời làm báo chiến trường.
  
Những năm 1965 - 1968, là trưởng Ban CN - QS – GTVT, nhà báo Thanh Phong được Ban Biên tập Báo Nghệ An cử nằm vùng tại một số cứ điểm ác liệt trên các tuyến giao thông như Truông Bồn, Rú Trét, Bến Thủy. Ông được giao phản ánh và tường thuật các điểm giặc Mỹ ném bom và tinh thần chiến đấu dũng cảm của TNXP trong giai đoạn chiến sự ác liệt đó.

Nhà báo Thanh Phong tại Truông Bồn - Ảnh Hữu Nghĩa

Thời điểm những năm 1968, giặc Mỹ điên cuồng ném bom hòng chặt đứt huyết mạch giao thông trên các cung đường Bắc – Nam. Khi cầu Bến Thủy bị đánh sập, “Đường 1” khó đi, phà Bến Thủy cũng di chuyển rất khó khăn nên hầu hết để chi viện cho miền Nam và vận chuyển thương bệnh binh từ Nam ra Bắc, tất cả đều phải đi vòng qua con đường 15A, đoạn qua xã Mỹ Sơn - Đô Lương.

Là phóng viên chiến trường, với tinh thần tuổi trẻ nhiệt huyết, gan dạ, ông kể: “Dạo ấy vì được giao theo dõi mảng cao xạ tên lửa và đặc biệt là TNXP nên tôi rất thân thiết với các đơn vị 333, 304, 317...Suốt những năm Mỹ đánh phá ác liệt, có thời điểm tôi nằm vùng ở Truông Bồn có khi 5 ngày, 1 tuần”. Được theo sát và chứng kiến tất thảy mọi hoạt động, giờ giấc laviẻercj của các cô gái thanh niên xung phong còn rất trẻ, nhà báo nói: “chỗ ăn ở rất khó khăn, có 2 dãy võng thì nhường khách dãy võng trên, các cô nằm dãy võng dưới, nước ngập, mùi bùn non bốc lên vậy mà vẫn cười nói ca hát, rồi làm đẹp, vô tư lắm. Nghĩ vậy mà thương vô cùng!”  

Vào ngày 30/10/1968, nhà báo Thanh Phong đạp xe từ điểm sơ tán Phong Toàn lên Truông Bồn để phản ánh không khí trước giờ Mỹ ngừng ném bom. Thân thiết với anh Võ Văn Kiếm - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 301 nên nhà báo ở lại đây. Vì chỉ còn một ngày nữa Hiệp định ngừng ném bom trên Miền Bắc có hiệu lực nên Mỹ đã tranh thủ đánh phá đến giây phút cuối cùng. Bác Phong kể: Con đường mới làm chưa thành đường mà trong đêm 31/10 ấy  điện báo có 40 chiếc xe chở thương binh từ chiến trường Miền Nam ra, và 80 chiếc xe chở hàng chi viện từ Miền Bắc vào Nam. Cả đêm hôm đó, các em đã hăm hở làm ngày cuối để mai hoàn thành nghĩa vụ. Mỹ đánh ác quá nên đèn pha không được bật. Em Hiên có sáng kiến mỗi người sẽ đứng cách nhau một đoạn rồi mặc cái áo đông xuân mới được phát, từng người sẽ dẫn xe qua, áo trắng làm cọc tiêu dẫn đường, đến điểm có bạn thì giao xe cho bạn mình và trở về vị trí cũ lại tiếp tục dẫn xe khác...Sau khi đã hoàn thành công việc, khoảng 4-5 h sáng chưa kịp vào hầm trú ẩn, Mỹ điên cồng quay lại ném bom lần nữa.

 Ruột gan như bỏng lửa, sáng ngày mai bác Phong cùng những người ở các đơn vị khác sang 317. Nơi đây bộ đội TNXP đã nằm lại trong lòng đất, trong tiếng kêu gào, tiếng gọi đồng đội, tiếng khóc thảm thiết của đồng đội, của những người còn lại. Chỉ tìm được 5 người còn nguyên, những mảnh thân thể của thiếu nữ mười tám đôi mươi nõn nà không biết của ai, chỉ gom lại vào những hũ tiểu rồi chôn vào lòng đất Truông Bồn thành một ngôi mộ chung. Những cánh tay buộc khăn mùi soa trong đó có tem phiếu, có quyết định được đi học chỉ trong ngày mai thôi, những cánh tay vươn dài với bao ước mơ hoài bão của tuổi trẻ nay nằm lại với đất. 

Nhà báo Thanh Phong nói: “Hôm nay về lại Truông Bồn khi lần tìm trên bia mộ tên các em, tôi như nhớ lại một thời oanh liệt của tuổi trẻ. Những gương mặt các em vẫn hiện lên rất rõ trong tâm trí tôi với tiếng cười khúc khích, với tinh thần quả cảm gan dạ. Chúng ta biết ơn những cô gái trẻ - những nam nữ TNXP đã đổi cả máu xương để lấy hòa bình cho Tổ quốc chúng ta...”.

Thanh Nga