(Baonghean) - Nghề ươm cây giống lâm nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nhiều người dân ở xã Ngọc Sơn (huyện Quỳnh Lưu). Từ những vườn ươm, hàng triệu cây giống được xuất bán, góp phần mang lại màu xanh cho rừng và cũng giúp người dân nơi đây nâng cao thu nhập.

Với đặc thù của địa phương là vùng đất đồi, lại có sẵn nguồn nước dồi dào nên nghề ươm cây giống lâm nghiệp từ lâu đã gắn bó và trở thành nghề chính của nhiều hộ dân nơi đây. Năm nay, mặc dù thời tiết nắng gắt kéo dài, nhưng những vườn ươm cây giống ở xã Ngọc Sơn vẫn xanh mướt nhờ được chăm sóc, điều tiết nguồn nước tưới hợp lý. 

Đang chăm sóc các loại giống trong vườn ươm, bà Hồ Thị Loan ở thôn 2, cho biết, năm nay, gia đình ươm 3 sào cây giống (mỗi sào 500m2), ước tính khoảng hơn 50 vạn cây các loại như: bạch đàn, lát hoa, sưa, keo, xoan đâu... Từ đầu vụ, gia đình bà đã chủ động đầu tư xây đường ống phun tưới nước tự động, mua thêm máy phát điện, máy làm đất, xây thêm máy lọc nước nên mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng cây giống vẫn phát triển xanh tốt. "Nếu thuận lợi sau khi xuất bán, trừ chi phí cũng lãi được 50 - 60  triệu đồng", bà Loan phấn khởi chia sẻ.
 
images1192991_11698617_1616604285254771_5608153750203909762_n.jpgVườn ươm cây giống của gia đình ông Hồ Sỹ Nam ở thôn 3 xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu).
Trước đây, những hộ làm vườn ươm ở Ngọc Sơn thường áp dụng kỹ thuật ươm gieo hạt, nhưng gần đây với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, bà con dần chuyển sang hình thức giâm cành. Cách làm này giúp cây giống phát triển nhanh, lợi gỗ, ít bị đổ gãy khi mưa bão. Nhiều hộ dân cũng mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô vườn ươm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào quá trình chăm sóc, vì vậy cây giống được thị trường ưa chuộng. Những cây giống được sản xuất ở xã đã cung cấp cho người trồng rừng trên địa bàn từ Nghệ An vào đến Thừa Thiên - Huế.
 
Xã Ngọc Sơn hiện có gần 40 hộ làm nghề ươm cây giống chủ yếu ở thôn 2 và thôn 3 với diện tích gần 3 ha, chủ yếu sản xuất giống keo, tràm, bạch đàn, lát hoa, cây sưa, keo, xoan đâu… mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục triệu cây giống, góp phần nâng cao thu nhập đáng kể cho người dân. Những vườn ươm cây giống của bà con đã góp phần mang lại màu xanh cho rừng, đồng thời giúp người dân có thêm thu nhập. 
 
Từ nghề ươm cây giống, nhiều gia đình ở xã Ngọc Sơn đã vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu ngay trên chính trên mảnh đất quê hương. Chúng tôi đến thăm gia đình vợ chồng ông Hồ Sỹ Nam ở thôn 3. Trong ngôi nhà cao tầng được xây dựng khang trang, ông Nam phấn khởi cho biết: Trước đây, gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên điều kiện kinh tế khó khăn, xoay qua nhiều nghề cũng không thoát được nghèo. Nhận thấy vùng đất này phù hợp với nghề ươm cây giống lâm nghiệp, vợ chồng mạnh dạn vay vốn để đầu tư. Những ngày đầu khi mới làm, cũng gặp nhiều khó khăn khi nguồn vốn còn khiêm tốn, kinh nghiệm, kỹ thuật còn thiếu... Đặc biệt, khi cây giống đã ươm lên xanh tốt nhưng không tìm được đầu ra. Nhưng vất vả rồi cũng qua, khi nhiều nơi cần nguồn giống để trồng rừng, nên nghề này từng bước phát triển…
 
Mỗi năm, vườn ươm cây giống của vợ chồng ông Nam cho xuất bán 4 lứa, mỗi lứa khoảng từ 20 - 30 vạn cây giống các loại. Với giá bán hiện nay, như: giống lát hoa 2.000 đồng/cây, sưa 5.000 đồng/cây, keo và xoan đâu 600 đồng/cây, na 3.000 đồng/cây… Ngoài ra, gia đình ông còn thu mua cây giống của bà con trong xã để cung cấp cho các mối hàng quen thuộc. “Mỗi năm trừ chi phí, gia đình cũng thu nhập được khoảng 60 - 70 triệu đồng. Nhờ đó mà vợ chồng xây được nhà, các con được học hành đến nơi đến chốn, không chỉ làm giàu cho gia đình mà vườn ươm còn giải quyết việc làm tại chỗ cho 10 -12 lao động tại địa phương với mức lương 1,5 - 2 triệu đồng/tháng”, ông Nam chia sẻ.
 
Những năm qua, nhiều gia đình ở thôn 2 và thôn 3 xã Ngọc Sơn đã vươn lên làm giàu từ mô hình vườn ươm cây giống lâm nghiệp. Một năm bà con thu hoạch từ 3 - 4 vụ và mỗi vụ bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/sào, tùy theo từng thời vụ. Kết quả đó không chỉ góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo cho người dân mà còn góp công sức cùng toàn xã Ngọc Sơn hoàn thành tiêu chí “việc làm và thu nhập” trong lộ trình về đích xây dựng nông thôn mới của xã trong năm 2015.
 
Hoàng Thúy
(Đài Quỳnh Lưu)