(Baonghean) - Thỏa thuận lịch sử hồi tuần trước giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov xét từ nhiều khía cạnh có thể xem là một bước đột phá. Được kỳ vọng là sẽ cứu vớt nhiều sinh mệnh vô tội, và đặt trên phông nền của cuộc chiến khủng khiếp nhất thế kỷ 21, người ta cho rằng thỏa thuận là thứ đáng để theo đuổi và nỗ lực đạt được.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters.

Vấn đề lại nằm ở chỗ sự “hữu hạn” trong tầm ảnh hưởng của cái gật đầu từ nhiều bên này. Giới phân tích nhận xét, thỏa thuận ngừng bắn về cơ bản có ý nghĩa nhất định, nhưng vẫn là những thỏa thuận hạn chế và mang tính chiến thuật nhiều hơn. Dù về phương diện viện trợ, lệnh ngừng bắn hay phối hợp chống các nhóm Hồi giáo cực đoan, cả Washington lẫn Moskva đều không muốn chúng trở thành một bộ phận “chướng tai gai mắt” trong tương lai của Syria.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng để đạt được bản thỏa thuận, cả 2 nhà ngoại giao cấp cao của 2 cường quốc Mỹ-Nga dường như phải cẩn trọng tính toán, thậm chí cố ý né tránh những vấn đề hóc búa, xương xẩu nhất. Trong số này, điều cốt yếu số 1, tức số phận chung cuộc của Tổng thống Syria Bashar al-Assad lại không được đưa lên bàn đàm phán. Động thái bỏ qua này đã nhận được không ít sự chú ý từ Damascus, Aleppo và nhiều thủ phủ khu vực khác giữ vai trò then chốt quyết định thế cục cuộc xung đột.

Trên thực tế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi xứ sở cờ hoa và đất nước bạch dương không đạt được cái bắt tay đồng thuận. Không chỉ bởi tại Washington, giới tinh hoa gần như không thể đi đến thống nhất về điều mà nước Mỹ nên làm. Điều tương tự cũng không hiện hữu giữa lòng các nước châu Âu, nơi đang cùng “hợp xướng” bày tỏ nỗi niềm lo lắng trước những ảnh hưởng chính trị có thể xảy ra khi dòng người di cư ùn ùn đổ vào lãnh thổ của họ. Tại đó, bên cạnh nhiều nước đang mải miết tìm kiếm những giải pháp cụ thể, cũng có không ít quốc gia mong mỏi cuộc chiến Syria nhanh đi đến hồi kết, dù với bất cứ giá nào.

Ở nước Mỹ, một nhóm quan chức Bộ Ngoại giao đã kêu gọi Washington có những động thái quân sự thận trọng chống lại các lực lượng đang hỗ trợ cho chính quyền Assad tại Syria. Không phải bởi họ tin rằng Assad có thể bị hạ bệ, mà bởi họ tin những hành động của ông Assad trong vòng 5 năm qua - bao gồm những vụ tấn công hóa học ghi nhận hồi tháng trước - cũng “đáng” nhận lấy một phản ứng mang tính trừng phạt hơn.

Người dân Aleppo, Syria nhận thực phẩm cứu trợ. Ảnh: Reuters.

Những người khác, bao gồm nhiều tiếng nói từ phe tự do và tân bảo thủ cho rằng đường hướng này là phi thực tế. Họ khăng khăng với quan điểm rằng làm suy yếu năng lực của chính phủ Syria trong việc duy trì quyền kiểm soát chỉ khiến tình hình vốn đã u ám lại càng tồi tệ thêm, và khiến quá trình tái thiết Syria trong dài hạn trở nên gian nan hơn, dù dưới một chính phủ mới hay vẫn dưới quyền hành của ông Assad.

Washington khó có khả năng giải quyết vấn đề này trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới. Và như vậy, dù ai giành chiến thắng và trở thành chủ nhân Nhà Trắng thì cũng đều phải xây dựng một chiến lược chứa đựng nhân tố là những diễn biến đương thời tại Syria, bao gồm những vùng chiến sự như Aleppo.

Đó là nơi mà sự điều phối chung giữa Mỹ và Nga hòng chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan sẽ nhiều khả năng đem lại tác động thực sự. Điều này sẽ mang lại ý nghĩa trên nhiều cấp độ. Trước hết, đa phần các cường quốc khu vực và quốc tế cũng như các lực lượng địa phương về cơ bản đều ở chung một phe. Họ đều muốn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không còn tồn tại nữa, dẫu quan điểm về thế lực thế chân IS là gì vẫn còn trong vòng tranh cãi.

Trong trường hợp máy bay Nga, Mỹ và các nước khác cùng hoạt động trong một khu vực, nhất thiết phải có các hệ thống nghiêm ngặt để ngăn chặn khả năng vô ý đối đầu nhau. Theo Reuters, cho đến nay, Moskva và Washington đang hoạt động khá hiệu quả tại đây, ngay cả khi Không quân Syria thi thoảng có “thử vận may” bằng việc tiến hành không kích gần nơi các lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ đang hợp lực cùng phe nổi dậy ôn hòa.

Thành phố Idlib của Syria tan hoang sau các đợt không kích. Ảnh: Reuters.

Một vấn đề khác cần lưu ý là còn rất nhiều bên quan tâm tới cuộc chiến Syria ngoài Nga và Mỹ. Cả Iran - bên đang ủng hộ ông Assad lẫn các cường quốc Hồi giáo dòng Sunni ủng hộ phe đối lập đều có quan điểm, lý lẽ riêng của mình. Và với việc điều động các lực lượng quân đội tới Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành bên định hình cuộc xung đột theo cách vượt ra khỏi những ưu tiên hàng đầu dành cho Kerry, Lavrov, Obama và Putin.

Kể từ khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan  dập tắt âm mưu đảo chính hồi tháng 7, rõ ràng ông không còn ý nghĩ “chịu ơn” với bất cứ cường quốc bên ngoài nào nữa khi đề cập đến việc định hình chính sách. Sau những vụ tấn công gần đây của IS trong lãnh thổ của mình, rõ ràng Ankara cũng mong đẩy lùi nhóm này không kém phần so với suy nghĩ của Washington.

Một ngày nào đó, cuộc chiến Syria có thể đi đến hồi kết thông qua một hiệp định được đàm phán ở cấp độ quốc tế. Thỏa thuận Kerry-Lavrov khi ấy có thể sẽ được xem là một trong những viên gạch đặt nền móng cho tương lai tươi đẹp đó. Nhưng hiện giờ, nó đơn giản chỉ là mở ra cánh cửa bước sang chương mới của cuộc xung đột đang tiếp diễn.

Phú Bình

(Theo Reuters)

TIN LIÊN QUAN