(Baonghean.vn) - Sau 50 ngày chiến sự, Hamas và quân đội Israel đã đi đến thoả thuận ngừng bắn "không giới hạn" vào thứ 3 26/8. Chuyên gia về Trung Cận Đông của Ban cố vấn đối ngoại châu Âu - một trung tâm nghiên cứu đặt tại Luân Đôn, Daniel Levy đưa ra những đánh giá, nhận định về thoả thuận này.

Phóng viên Le monde (PV): Thoả thuận ngừng bắn lần này có gì khác so với những thoả thuận trước đây?

Daniel Levy (DL):Thoả thuận này có nhiều điểm tương đồng với những thoả thuận kí kết vào tháng 11 năm 2012 và tháng 1 năm 2009. Cả 2 thoả thuận này đều bị phá vỡ sau đó. Cho đến thời điểm hiện tại, khó có thể nói trước liệu chúng ta có nên trông chờ vào thoả thuận vừa đạt được này. Nhiều điểm bất đồng giữa 2 bên vẫn cần đàm phán trong vòng 1 tháng nữa để thực sự đi đến một hiệp định ngừng bắn vĩnh viễn.

Hiện, giải pháp duy nhất là kết thúc mọi việc trên bàn chính trị. So với những thoả thuận trước đây, thoả thuận lần này "tham vọng" hơn hẳn: Hamas yêu cầu xây dựng một cầu cảng và một sân bay, đồng thời gỡ bỏ toàn bỏ lệnh phong toả đã bao trùm bầu không khí ngột ngạt lên dải Gaza từ năm 2006. Đó là lý thuyết, trên thực tế, tôi nghĩ rằng kết quả sẽ không khác là mấy.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu:
Thủ tướng Benjamin Netanyahu: "Hamas không đạt được bất cứ điều gì trong số các yêu sách đưa ra". Ảnh: wordpress

PV:Tại sao Benyamin Netanyahu và Hamas lại chấp nhận kí hiệp định vào thời điểm này?

DL: Tôi cho rằng, cả 2 bên chỉ đơn giản là đã chạm đến giới hạn của mình và nếu tiếp tục thì cũng chẳng ích gì. Từ quan điểm đó, tôi không đánh giá cao vai trò trung gian của Ai Cập. Ai Cập có vẻ chú tâm vào những mục tiêu riêng liên quan đến Hamas, hơn là thực sự coi trọng việc đi đến một lệnh ngừng bắn.

TIN LIÊN QUAN
Thoả thuận này được kí kết bởi cả 2 bên đã bão hoà về tổn thất cũng như lợi ích thu được. Tất nhiên, Netanyahu đã có thể đi đến cùng trên chiến trường quân sự và san phẳng dải Gaza, nhưng cái giá phải trả là bao nhiêu? Trái với quan điểm của một số Bộ trưởng trong chính phủ Israel, ông ta không mong muốn điều đó.

Netanyahu hiểu rõ mình đang yếu thế, các điều tra gần đây cho thấy sự ủng hộ của dân chúng đối với ông đang giảm sút - thời điểm đàm phán đã đến. Đi đến cùng của ván bài mang tên dải Gaza đồng nghĩa với tổn thất lớn về thời gian và mạng người - một đòn chí mạng cho sự nghiệp chính trị của ông ta cả trên trường nội địa và quốc tế. Hơn nữa, với năm học mới khai giảng vào tuần tới, ông ta không thể cho phép mình đánh cuộc lâu hơn nữa vào ván bài rủi ro này.

PV: Hamas tuyên bố đây là một "thắng lợi", trên thực tế thì sao?

DL:Tôi nghĩ rằng khi thiệt hại về người lên tới 2000 mạng sống, khó có thể dùng từ "thắng lợi". Nhưng xét từ góc độ chiến thuật, Israel không hề thắng Hamas. Vậy nên, đúng, đây là một thành công đáng kể đối với Hamas: họ đã cầm cự được suốt 50 ngày, chứng minh được rằng Israel đã đứng trước bờ vực nguy hiểm, họ đã tạo ra một mối đe doạ dù chênh lệch lực lượng với thế yếu thuộc về mình.

Thông thường, chênh lệch lực lượng trong giao chiến phải đi đến kết quả là người Palestine sẽ tổn thất rất lớn, trong khi người Israel thậm chí còn không mảy may biết gì về tình hình chiến sự và tiếp tục cuộc sống bình thường. Nhưng ở đây, Hamas đã thay đổi thế cuộc: trong vòng 50 ngày, người Israel đã không được thảnh thơi. Tất nhiên, cái giá phải trả trên mọi mặt trận là vô cùng to lớn, nhưng về mặt chính trị và hình tượng, Hamas đã bước ra khỏi trận chiến với tư cách của kẻ mạnh hơn.

PV: Ông có cho rằng những yêu cầu của Hamas sẽ được thực hiện?

DL: Còn tuỳ vào các điểm trong hiệp ước: tôi không nghĩ rằng việc xây cầu cảng và sân bay sẽ khả thi. Bù lại, việc nới lỏng phong toả dải Gaza đối với tôi là hoàn toàn có thể, nhất là để vận chuyển cứu trợ nhân đạo, của cải và các phương tiện phục vụ cho việc xây dựng lại dải Gaza. (Le monde ngày 28/08)

Nấm Linh Chi