(Baonghean.vn) - Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) vừa thống nhất kế hoạch ứng phó với dòng người di cư ở mức kỷ lục tiến vào châu Âu. Khối nước đã hứa viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ khoản tiền 3 tỷ EUR và tổ chức các cuộc đàm phán mới về tư cách thành viên EU cho quốc gia này.

images1417613_t_i_xu_ng__1_.jpgThủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tham dự buổi hợp báo sau cuộc gặp cấp cao EU-Thổ Nhĩ Kỳ tại Brussels, Bỉ hôm 29/11. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk đã xác nhận thỏa thuận nói trên sau cuộc gặp cấp cao kéo dài 4 tiếng đồng hồ với Thổ Nhĩ Kỳ và lãnh đạo 28 quốc gia của khối nước diễn ra tại Brussels, Bỉ hôm 29/11.

Trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, ông Tusk khẳng định các đàm phán đánh dấu điểm khởi đầu mới trong quan hệ với Ankara.

Tusk nói: “Chúng tôi mong đợi một bước tiến lớn thay đổi quy tắc trò chơi nhằm ngăn chặn dòng người di cư tiến vào EU thông qua Thổ Nhĩ Kỳ”.

Một yếu tố chủ chốt của bản kế hoạch là gói viện trợ trị giá 3 tỷ EUR (tương đường 3,2 tỷ USD) trong 2 năm dành cho Thổ Nhĩ Kỳ để nâng cao mức sống của hơn 2 triệu người di cư Syria hiện đang cư ngụ tại quốc gia này.

EU cũng đã cam kết miễn thị thực đi lại cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực Schegen đến tháng 10/2016 và tái khởi động các đàm phán về quá trình trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thắt chặt an ninh biên giới, giữ lại những người di cư không đủ điều kiện xin tị nạn và trấn áp nạn buôn người.

Các nhà lãnh đạo có mặt tại cuộc gặp cũng thống nhất hàng năm sẽ tổ chức các hội nghị cấp cao EU-Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiệm vụ chưa từng có

Châu Âu đang ứng phó với cuộc khủng hoảng nhập cư lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, gần 1 triệu người di cư và tìm kiếm tị nạn đã đặt chân vào EU trong năm nay. Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ chính đối với những người di cư muốn tiến vào EU, với mục tiêu cuối cùng là tới các quốc gia như Đức và Thụy Điển.

Tổng thống Pháp cho biết số tiền EU đã hứa hẹn chỉ được rót “từng chút một” và tiến triển của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giảm thiểu số người di cư sẽ được giám sát chặt chẽ.

Ông Hollande cũng khẳng định các biện pháp thẩm tra cần được áp dụng để kiểm tra những người đến EU thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, bởi một số “phần tử khủng bố” trà trộn trong dòng người di cư.

Ông Ahmet Davutoglu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: Reuters.

Làm mới các đàm phán của EU

Một phần khác không kém phần quan trọng trong thỏa thuận là cam kết tái khởi động tiến trình tiếp cận EU của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn hầu như không đạt được gì kể từ khi các đàm phán đình trệ 10 năm trước. Các bộ trưởng ngoại giao của EU sẽ chính thức thông qua việc mở ra chương mới trong các đàm phán với Ankara vào ngày 14/12 tới.

Ông Dovutoglu khẳng định: “Tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có lợi cho EU, Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn cho hòa bình thế giới”.

Dù có dấu hiệu xích lại gần nhau hơn, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vẫn cảnh báo các tiêu chí gia nhập EU sẽ không thay đổi.

Thu Giang

(Theo Reuters, AFP)

TIN LIÊN QUAN