(Baonghean) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mới đây khẳng định, có bằng chứng cho thấy liên quân do Mỹ đứng đầu hỗ trợ các nhóm khủng bố trong đó có Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân người Kurd. Với Mỹ, tuyên bố gây 'sốc' này chẳng khác nào 'cú đấm sau lưng' của một đồng minh thân cận. 

Mỹ có hỗ trợ khủng bố?

Tổng thống Erdogan khẳng định “chắc như đinh” rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có “đầy đủ bằng chứng thông qua các bức ảnh và video” cho thấy liên quân do Mỹ dẫn đầu đang ngấm ngầm hỗ trợ cho các nhóm khủng bố như IS, các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD). Ông cũng chỉ trích liên quân do Mỹ đứng đầu không giữ những cam kết trong cuộc chiến chống IS.

Đây không phải lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra bất mãn với việc Mỹ hậu thuẫn các nhóm vũ trang PYD và YPG tham gia cuộc chiến chống IS tại Syria. Còn nhớ hồi tháng 9, khi có mặt ở New York tham dự Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Tổng thống Erdogan cáo buộc Mỹ đã cung cấp thêm vũ khí cho các chiến binh người Kurd ở miền Bắc Syria. Phía Ankara cho rằng, số vũ khí đó được vận chuyển trên 2 máy bay vận tải quân sự và giao cho lực lượng khủng bố ở Syria.

images1786256_bna_5863b4312a2e2.jpgTổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ “chống lưng” các nhóm phiến quân. Ảnh: AP

Trước nữa, hồi đầu năm, tại một cuộc họp với các đại diện địa phương, ông Erdogan tuyên bố, Mỹ đã gây ra bể máu ở Syria vì coi thường mối đe dọa từ các lực lượng vũ trang trong khu vực, không chỉ có phiến quân IS. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ Ankara lên án việc Mỹ từ chối khẳng định lực lượng người Kurd ở Syria là phần tử khủng bố, đồng thời hỗ trợ họ về mặt quân sự.

Tuy vậy, đây là lần đầu tiên Ankara muốn công khai bằng chứng về việc Mỹ hỗ trợ cho khủng bố trong đó có cả IS. Vậy điều gì khiến Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích mạnh mẽ đồng minh lâu năm đến vậy?

Có thể thấy, thời gian gần đây, trong khi mối quan hệ với Mỹ ngày càng xa cách thì mối bang giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga lại được củng cố bất chấp việc Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa bị ám sát. Kèm theo những tuyên bố khẳng định “không đảo lộn” quan hệ song phương, cả Ankara và Moskva đều tỏ ra “đồng tâm nhất trí” trong nhiều vấn đề, nhất là về cuộc chiến ở Syria.

Không rõ có sự liên hệ gì hay không nhưng cùng thời điểm ông Erdogan cáo buộc Mỹ hậu thuẫn khủng bố, Nga cũng có những tuyên bố tương tự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, “Washington đánh cược vào hoạt động trợ giúp quân sự cho lực lượng chống chính phủ (Syria) - những kẻ khao khát điên cuồng bắn hạ máy bay. Nay, khả năng chúng đã được trang bị những vũ khí, trong đó có tên lửa di động chống máy bay. Và rất có thể, các vũ khí này sẽ sớm rơi vào tay lực lượng thánh chiến”.

Những cáo buộc của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi chính quyền Mỹ phê chuẩn Dự luật Cấp phép quốc phòng. Chính điều này khiến hai nước lo ngại việc thông qua dự luật sẽ mở đường để Mỹ cung cấp thêm vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria. 

Toan tính của Ankara

Có thể nói, sau những cáo buộc mới nhất, quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi xuống mức thấp tồi tệ. Giới quan sát cho rằng, tuyên bố gây “sốc” của Tổng thống Erdogan là lời cảnh báo đến Mỹ sau thời gian “cơm không lành, canh chẳng ngọt” thời gian gần đây. Hai nước từng là đồng minh gắn bó chặt chẽ. Tuy vậy, mối quan hệ này bắt đầu xuất hiện những rạn nứt kể từ sau khi nổ ra cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7.

Nhiều lãnh đạo Mỹ đã tỏ ra bất bình khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc Mỹ hỗ trợ hoặc “chống lưng” cho vụ đảo chính. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng phàn nàn việc Mỹ chậm trễ trong việc ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm nước này cần được trợ giúp nhất. Căng thẳng giữa hai nước bị đẩy cao hơn sau khi Mỹ từ chối dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ, cũng là nhân vật được cho là kẻ chủ mưu vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ. 

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại Mỹ cung cấp thêm vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria. Ảnh: EPA

 Mối quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên phức tạp hơn khi Mỹ ủng hộ cho người Kurd - lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách “khủng bố”. Về phần mình, Mỹ quyết định rút vũ khí hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và đưa sang Romania coi như một động thái đáp trả những cáo buộc của chính quyền Erdogan.

Tất cả những điều này đã tạo ra những hố sâu ngăn cách giữa hai bên, khiến Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc tới những lựa chọn mới có lợi cho nước này, trong đó có việc tìm đến, khôi phục và thiết lập quan hệ hợp tác mạnh mẽ với Nga. Việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập “bộ ba” những nước tham gia tiến trình hòa bình Syria (cùng với Nga, Iran) là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy, Mỹ dần bị cô lập trên bàn cờ chính trị ở đây. Thậm chí có chuyên gia còn nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ rồi sẽ không còn mặn mà với cả NATO. 

Rõ ràng khi những căng thẳng với Mỹ đang ngày càng rơi vào bế tắc thì việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra những cáo buộc Washington hỗ trợ phiến quân khủng bố vào thời điểm này có thể được xem như một toan tính đầy chiến lược. Ngoài việc “dằn mặt” Mỹ, chính quyền Ankara còn có thể dễ dàng xích lại gần với Nga và một số quốc gia Trung Đông. Rồi đây, trong tiến trình đối thoại chính trị về tương lai Syria, có lẽ Mỹ sẽ phải khó khăn hơn khi phải đối phó với đối phương, trong đó có cả đồng minh thân thiết Thổ Nhĩ Kỳ.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN