(Baonghean) - Ngày 7/12, trong buổi trả lời phỏng vấn hãng tin Ria Novosti, Thủ tướng Binali Yildirim tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không rút đơn xin trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU). Và Brussels nên nhận thấy rằng, không thể thiếu Ankara trong việc đảm bảo an ninh trong khu vực.
Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nhân tố bảo vệ châu Âu. Nếu người tị nạn đi qua được Thổ Nhĩ Kỳ, họ sẽ tràn vào châu Âu. Không ai khác, chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mới ngăn chặn được điều này.
Do đó, “trong tương lai, an ninh của EU không thể thiếu đi vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông nhấn mạnh. Các nhà lãnh đạo EU cần cân nhắc, suy nghĩ kỹ lưỡng về các bước đi của mình, không phải vì lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, mà vì chính lợi ích của EU.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU trở nên nhạy cảm hơn sau khi các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu tại phiên họp toàn thể diễn ra ở Strasbourg ngày 24/11 đã thông qua nghị quyết kêu gọi tạm ngừng đàm phán cấp cơ chế thành viên EU cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Nghị quyết được thông qua trong bối cảnh nhiều nghị sĩ châu Âu bày tỏ lo ngại về cách hành xử “không thoả đáng” của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm nay.
Điều này gây phản ứng mạnh từ Ankara. Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đó chỉ là quan điểm mang tính dân túy và thiển cận chứ không liên quan gì tới việc khuyến khích những cơ chế cải cách.
Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập EU từ năm 1987, nhưng các cuộc thảo luận mãi đến năm 2005 mới bắt đầu. Cho đến nay, Ankara mới thống nhất được với EU 1 trong số 35 chương phải thực hiện để trở thành thành viên chính thức.
Giữa Ankara và các thành viên EU xảy ra quá nhiều bất đồng phức tạp dẫn đến sự đình chỉ lâu dài. Cho đến tháng 3, các nhà lãnh đạo EU mới tiếp tục tăng cường các cuộc đàm phán để đổi lấy sự giúp đỡ của Ankara trong việc giảm dòng người di cư sang châu Âu.
Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ thảo luận lại với Thổ Nhĩ Kỳ về việc gia nhập EU khi gặp nhau tại Brussels trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 15 và 16/12 tới.
Mỹ Nga
(Theo Ria Novosti)