(Baonghean.vn)- 10 thợ lặn, chia thành 5 kíp, mỗi kíp 2 người lặn xuống từ 10-15 phút, nếu tìm thấy được nạn nhân tử vong thợ lặn sẽ đưa thi thể vào một túi cứu hộ để trục vớt và chuyển lên tàu.
» Vụ tàu chìm ở Nghệ An: Huy động thợ lặn, tàu giã cào tìm kiếm 4 thuyền viên còn mất tích
» Vì sao tàu VTB 26 chở 4.700 tấn than gặp nạn trên biển?
9h40: Sáng nay, Sở chỉ huy tiền phương nhận được thông tin phát hiện một thi thể trôi dạt trên vùng biển Nghệ An. Hiện đã cử người đến khu vực nhận tin báo để xác minh, tìm kiếm.
Sau hơn 2 ngày tìm kiếm, 4 thuyền viên trên tàu VTB 26 bị lật chìm ở khu vực biển Hòn Ngư vào rạng sáng 17/7 vẫn chưa được tìm thấy. Mặc dù đã quần thảo trên biển nhưng các tàu cứu hộ vẫn chưa tìm thấy các thuyền viên. Sau quá trình bàn bạc, các lực lượng cứu hộ quyết định sử dụng phương án dùng đội thợ lặn tiếp cận tàu VTB 26 để tìm kiếm các thuyền viên.
5h sáng 19/7, Tàu SAR 274 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã đưa đội thợ lặn chuyên nghiệp đến từ Hải Phòng di chuyển ra khu vực tàu VTB 26 bị chìm để tìm 4 thuyền viên còn mất tích.
Đến 6h, tàu SAR 274 đã tiếp cận được tàu VTB 26. Vị trí tàu VTB 26 bị chìm, nằm lật úp cách bờ khoảng hơn 3 hải lý, cách phía bắc Đảo Ngư chừng 800m. Khu vực này có độ sâu khoảng 10m. Thời tiết lúc này tại vùng biển Cửa Lò lặng gió, mưa nhỏ.
Cùng tham gia cứu nạn còn có tàu SAR 411 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam và tàu cứu hộ của Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Để có phương án tìm kiếm hiệu quả nhất, trước đó vào ngày 18/7, đội thợ lặn được Cục hàng hải Việt Nam đưa tới hiện trường để khảo sát. Tại đây, khu vực tàu bị chìm nước đục, sóng cuộn xung quanh tàu nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tìm kiếm.
Do khu vực tàu bị nạn bị lật nằm gần các ghềnh đá nên các tàu cứu nạn SAR không tiếp cận được gần. Đội thợ lặn đã được tăng bo lên một tàu cá của ngư dân và xuồng cứu hộ để có thể tiếp cận gần hơn với chiếc tàu chìm.
Chỉ đạo công tác tìm kiếm tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Tính - Phó Tổng giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (SAR) cho biết, trên cơ sở các biện pháp nghiệp vụ, khoa học và phỏng vấn các nhân chứng, chúng tôi nhận thấy có khả năng thuyền viên kẹt lại tàu rất lớn.
Cũng theo ông Tính, đội thợ lặn sẽ chia thành 5 kíp lặn, mỗi kíp lặn sẽ có hai người thay nhau vào trong boong tàu bị lật úp để kiểm tra. Nếu tìm thấy được nạn nhân tử vong thợ lặn sẽ đưa thi thể vào một túi cứu hộ để trục vớt và chuyển lên tàu.
Nếu đội thợ lặn không tìm thấy hoặc tìm thấy không đủ các thuyền viên thì lực lượng cứu hộ sẽ sử dụng hai cặp tàu giã cào của ngư dân để rà quét xung quanh khu vực tàu chìm.
Bên cạnh dùng phương án lặn, các tàu cứu nạn trên biển vẫn tích cực mở rộng phạm vi tìm kiếm. Một phương án nữa, nếu khó khăn quá khi sóng lớn, thủy triều dâng có thể nạn nhân xô vào kẹt cao vách phía Tây Bắc dựng đứng của đảo Hòn Ngư, lực lượng cứu hộ sẽ tính phương án dùng flycam để rà soát khu vực có nhiều ghềnh đá.
Nhóm phóng viên