Khi lúa chín vàng rực ngoài đồng, cũng là lúc máy gặt liên hợp hoạt động, không còn cảnh người dân kéo nhau ra đồng nhộn nhịp như trước. Ảnh: Xuân Hoàng

Trước đây, vào ngày mùa thu hoạch lúa, trên các cánh đồng nhộn nhịp người, các loại xe thô sơ và trâu, bò làm sức kéo. Nhà nhà hối hả ra đồng gặt, vận chuyển những bó lúa trĩu nặng về nhà, ướt đẫm mồ hôi. Ngày nay, thay vào đó là những chiếc máy gặt liên hợp hiện đại có mặt trên các cánh đồng, không chỉ giúp người nông dân đỡ vất vả như trước, mà còn đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Nhiều gia đình thậm chí phó mặc ruộng cho thợ gặt.

Trong cái nắng như đổ lửa của những ngày mùa, có mặt trên các cánh đồng của các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương... mới thật sự thấu hiểu nỗi vất vả của những người làm nghề thợ gặt.

Anh Nguyễn Văn Tân, một chủ máy gặt liên hợp ở xã Đồng Thành (Yên Thành) cho hay, anh đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy gặt liên hợp từ 2 năm trước. Do vậy, cứ vào vụ thu hoạch lúa là anh bám ruộng để nhanh lấy lại vốn. Quan sát cho thấy, ngồi trên chiếc máy gặt liên hợp gồm có 3 người (gọi là tổ gặt), trong đó một người lái chính ngồi trên ca bin điều khiển máy và 2 người phụ đứng bên hông máy có nhiệm vụ hứng lúa vào bao tải và vác lúa lên bờ. Tất cả đều trang bị đồ bảo hộ, trùm kín mặt để tránh cái nóng của ánh nắng mặt trời.

Tổ gặt gồm 3 người trên một chiếc máy gặt liên hợp. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Tân cho biết: Trước khi vào vụ thu hoạch, công việc đầu tiên là thuê thợ máy kiểm tra toàn bộ máy móc, làm sao để máy hoạt động suôn sẻ trên đồng ruộng, hạn chế tối đa hư hỏng.

Nhờ đó, từ đầu vụ đến nay, máy gặt của anh hoạt động suôn sẻ, ngày nào tổ thợ cũng có việc làm. Ban ngày nắng nóng, làm không hết việc thì tranh thủ làm đến nửa đêm mới nghỉ.

"Mỗi hộ ở đây chỉ làm 3 – 5 sào lúa, nhưng do 2 - 3 thửa cách xa nhau nên có những hộ phải gặt 2 - 3 buổi mới xong. Cái khó nữa là, cùng một cánh đồng, nhưng do nhiều giống lúa khác nhau, nên ruộng chín trước, ruộng chín sau, tổ máy hoạt động vất vả, bởi phải di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác qua nhiều cánh đồng. Cùng đó, nhiều đám ruộng bị đổ rạp sát đất, phải giảm tốc độ của máy. Do đó, hiệu suất của máy gặt không cao, đáng lẽ mỗi ngày thu hoạch được 5 - 6 ha, nhưng chỉ được 4 - 5 ha lúa" - anh Tân cho biết.

Đưa máy gặt liên hợp vào thu hoạch lúa, tạo thuận lợi cho bà con nông dân rút ngắn thời gian ngày mùa và đỡ vất vả. Ảnh: Xuân Hoàng

Chủ máy Nguyễn Văn Tân chia sẻ thêm, hàng ngày dù trời đang nắng nóng, chủ máy và tổ gặt vẫn phải ra đồng, xem ruộng nhà nào chín thì chủ động gọi điện cho gia chủ. Gặt xong, nếu gia chủ không có phương tiện chở lúa về thì chủ máy sẵn sàng vận chuyển về tận nhà, không tính phí.

"Ngoài đầu tư mua máy gặt liên hoàn, gia đình còn đầu tư mua xe vận tải loại nhỏ để kiêm chở lúa cho bà con. Ngay cả bao bì đựng lúa mình cũng đầu tư luôn, do vậy những lúc nắng nóng, những hộ không muốn ra đồng thì phó mặc cho thợ gặt, chỉ việc ngồi nhà chờ lúa về phơi phóng" - anh Tân chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hợi - chủ ruộng lúa ở xã Đồng Thành bộc bạch: Gia đình hàng năm gieo cấy 4 sào lúa. Mỗi khi đến vụ thu hoạch, do con cái đi làm ăn xa, nên chủ máy gặt cứ thế thu hoạch và vận chuyển lúa về tận nhà, chứ ông bà già rồi không muốn ra đồng nữa.

Hì hục lấy đống bùn lầy ra khỏi vòng bánh xích của máy gặt, anh Long, quê ở Thanh Hoá, được đám bạn gọi vào huyện lúa Yên Thành gặt thuê, cho biết: “Lúa ở đây được mùa, năng suất cao, nhưng tổ máy khá vất vả, bởi đồng đất nhiều nơi sục bùn, lầy lội, cùng đó nhiều nơi bờ ruộng nhỏ hẹp, rất khó đi lại. Với mức thu 160.000 - 200.000 đồng/sào lúa, trong khi còn có cả chi phí nhiên liệu, công thợ máy, ăn uống... nên chủ máy phải điều hành một cách phù hợp để tránh lãng phí và hiệu quả nhất”.

Nhiều chủ máy sắm cả xe vận tải để vận chuyển lúa từ ruộng về tận nhà cho các hộ dân. Ảnh: Xuân Hoàng

Quan sát cho thấy, trên mỗi chiếc máy gặt liên hợp đều có 2 chiếc thang bằng kim loại. Tìm hiểu được biết, do nhiều cánh đồng bùn lầy, phải đặt thang để máy gặt xuống ruộng an toàn. Nếu không cẩn thận máy dễ bị lật. Trên thực tế đã có những trường hợp bị lật máy ngay ngoài ruộng, không những gây hư hỏng máy mà còn ảnh hưởng đến tính mạng thợ gặt", một chủ máy cho hay.

Dù vất vả để di chuyển máy đi khắp các cánh đồng cao hay thấp, nhưng những người thợ máy vẫn phải căn từng đường chạy đều đặn để máy gặt hoạt động hiệu quả, đỡ tốn nhiên liệu mà không bị sót lúa của nông dân. Đây cũng chính là yếu tố tối thiểu để tạo dựng uy tín, tạo niềm tin cho người nông dân tin tưởng giao trọn ruộng lúa, thành quả lao động của mình cho thợ gặt.

Khoảng 7 - 8 năm trở lại đây, ngoài máy làm đất, máy gặt liên hợp được sử dụng phổ biến ở các huyện miền xuôi của Nghệ An. Việc sử dụng máy gặt liên hợp không những rút ngắn được thời gian thu hoạch lúa cho nông dân mà còn giảm thiểu tỷ lệ thất thu, đặc biệt là giảm sức lao động trong mùa gặt.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã có gia đình đầu tư mua máy gặt liên hợp về phục vụ bà con, nhưng cũng có địa phương phải huy động máy gặt từ nơi khác đến. Dù thế nào, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, hoặc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, bà con nông dân đều có máy gặt phục vụ một cách chu đáo và giá cả phù hợp, không còn cảnh phải thu hoạch bằng sức người như trước.

Sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng đã tránh được tình trạng tranh giành máy gặt và địa bàn hoạt động của chủ máy, gây mất an ninh trật tự.

Những chiếc máy gặt liên hợp hiện đại, cùng đó là việc chuyển đổi ruộng đất, đã góp phần quan trọng làm nên mùa vàng trọn vẹn, giúp người nông dân bớt vất vả trong mùa thu hoạch./.