(Baonghean.vn) - "Các em học sinh 17, 18 tuổi rất bướng, thầy cô, bố mẹ nói còn không được huống hồ là chúng tôi. Nói các em hợp tác chụp hình đã mệt rồi chứ chưa nói đến việc quản lý các em". 

Sau sự việc đáng tiếc xảy ra với nhóm học sinh đi chụp ảnh kỷ yếu ở biển Cửa Lò hôm 9/4, nhiều ý kiến cho rằng các nhóm chụp ảnh khi làm việc với học sinh cần có một phần trách nhiệm trong việc quản lý, đảm bảo an toàn cho các em. Trên thực tế, những nội dung này không hề được đề cập đến trong hợp đồng làm việc giữa các nhóm học sinh và phía thợ chụp ảnh. 

Một số nhóm chụp ảnh (xin phép giấu tên) chia sẻ về những khó khăn khi làm việc với "đối tác" là học sinh phổ thông. 

Thợ ảnh: 20 lớp đi chụp kỷ yếu mới được 1 lớp có người lớn đi cùng ảnh 1
"Cứ 10 lớp chụp kỷ yếu thì có 8 lớp chọn chụp ở biển". Ảnh minh hoạ (Internet)

Có cầu nên phải có cung 

Anh T là trưởng một nhóm chụp ảnh kỷ yếu khá mạnh và đầu tư bài bản ở Nghệ An. Phạm vi hoạt động của nhóm còn mở rộng sang cả Hà Tĩnh. Anh T cho biết nhu cầu chụp ảnh kỷ yếu của giới trẻ nở rộ trong khoảng 3 năm trở lại đây, kéo theo sự ra đời của nhiều nhóm chụp ảnh kỷ yếu. Có nhóm hoạt động chuyên nghiệp, cũng có nhóm chỉ làm thời vụ.

Anh T quan sát thấy "mùa kỷ yếu" của sinh viên cao trào vào dịp trước Tết, còn của học sinh thì vào tháng 3, tháng 4. Lúc cao điểm, có ngày nhóm chụp cho 3 lớp, có tuần chụp cho 10 lớp. Nhiều lớp phải chia ra chụp 2, 3 buổi. Tuỳ theo công việc mà nhóm điều động 3 - 5 người đi chụp cho mỗi "hợp đồng". 

Anh B, trưởng một nhóm chụp ảnh có tiếng ở TP Vinh thì nhận xét: Do cầu nhiều nên phải có cung. Các nhóm làm thời vụ "mọc như nấm" mỗi mùa kỷ yếu. Mà đã làm thời vụ thì sẽ có những nhóm làm việc thiếu chuyên nghiệp và thiếu kinh nghiệm làm việc với học sinh. Anh B tính sơ sơ năm 2017 này có ít nhất 10 đội chụp thời vụ. Chưa kể những đội chụp được các lớp thuê từ Hà Nội về. 

"Chúng tôi chỉ tư vấn còn khách hàng mới là người quyết định"

Anh T cho biết, với kinh nghiệm làm nghề của mình, anh luôn tư vấn cho các nhóm học sinh chọn nơi chụp an toàn, tiết kiệm chi phí mà hiệu quả. Nhất là năm nay, nhiều lớp có nhu cầu chụp vào ban đêm nên đội chụp ảnh thường khuyên các em chụp luôn ở trường hoặc các bãi cỏ trong thành phố.

"Tuy nhiên đa số các lớp đều gạt đi và chọn đi biển để có không gian vui chơi thoải mái. Cứ 10 lớp thì có 8 lớp chọn chụp ở biển Cửa Lò hoặc Bãi Lữ. Chúng tôi chỉ cung cấp dịch vụ và tư vấn thôi, còn nhu cầu của khách hàng như thế nào thì mình phải tôn trọng". 

Anh T cũng cho biết, làm việc với học sinh khác làm việc với sinh viên hay khách hàng lứa tuổi lớn hơn khi thường xuyên phải nhắc nhở để các em hợp tác, giúp việc chụp hình được hiệu quả, nhanh chóng.

Trước khi đi chụp, hai bên đều thống nhất sẽ làm việc với nhau theo tinh thần "hợp tác trên cơ sở là bạn". Tức là coi nhau như bạn bè để làm việc thoải mái hơn. Thế nhưng hễ đến biển là các em học sinh lại ham vui, đùa nghịch khiến đội chụp ảnh phải liên tục nhắc nhở không được xuống biển tắm. Có thể vì ít tuổi nên các em mang tư tưởng đi chơi nhiều hơn đi chụp ảnh. 

Anh B cũng có cùng nhận xét khi làm việc với khách hàng là các nhóm học sinh phổ thông: "Các em học sinh 17, 18 tuổi rất bướng, thầy cô, bố mẹ nói còn không được huống hồ là chúng tôi. Nói các em hợp tác chụp hình đã mệt rồi chứ chưa nói đến việc quản lý các em".

Ngoài ra, trong hợp đồng làm việc hai bên ký với nhau cũng chỉ đề cập các điều khoản về giá tiền gói chụp, gói thuê đồ, thời gian chụp, số lượng sản phẩm, thời gian trả sản phẩm... Không hề có điều khoản nào liên quan đến an toàn như: nếu xảy ra sự cố về người và của thì ai được uỷ thác đại diện chịu trách nhiệm cho mỗi bên, lớp đi chụp ảnh có ai là người lớn giám sát đi cùng không,...

Một bản hợp đồng giữa bên chụp ảnh và đại diện lớp chụp kỷ yếu. Ảnh: PV

Anh B cũng cho biết, trên thực tế các chuyến đi chụp ảnh kỷ yếu của học sinh đều không có phụ huynh hay giáo viên đi kèm. "Trong 20 lớp thì may ra mới được 1 lớp có người lớn đi theo giám sát. Thậm chí có lớp dù trường đã cấm đi xa chụp kỷ yếu các em vẫn trốn đi. Vì vậy mình nghĩ nhà trường và gia đình nên có biện pháp hợp lý hơn chứ không nên cấm các em chụp ảnh, vì đó là nhu cầu chính đáng". 

Luật sư nói gì về trường hợp này?

TS.LS Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng luật sư Trọng Hải và cộng sự nhận định: Trong trường hợp này khó có thể bàn đến trách nhiệm pháp lý của hai bên. Những "hợp đồng làm việc" giữa đội chụp ảnh và các nhóm học sinh không phải là một hợp đồng với đầy đủ các điều khoản và hiệu lực về mặt pháp lý mà chỉ có thể xem là một dạng thoả thuận, giao kèo mà thôi. 

"Trước pháp luật thì các bạn thợ chụp ảnh không sai và cũng không phải chịu trách nhiệm gì cho sự cố xảy ra. Tuy nhiên theo tôi thì về mặt ứng xử xã hội, các bạn vẫn có phần nào liên đới. Khi các bạn làm việc với học sinh dưới 18 tuổi - là những đối tượng chưa đủ năng lực hành vi dân sự, các bạn nên thoả thuận, ký kết với một người lớn được uỷ thác trách nhiệm đại diện cho các em.

Đó có thể là một phụ huynh, giáo viên được bố mẹ của các em uỷ nhiệm. Đồng thời trong hợp đồng nên có những điều khoản cam kết đồng ý cho các em đi chụp ảnh ở địa điểm này, trong thời gian này, bằng phương tiện gì, ai là người lớn cùng đi giám sát... Nếu có vấn đề phát sinh thì ghi rõ ai là người đại diện chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ đây sẽ là bài học xương máu cho các bạn thợ chụp ảnh, các bạn nên chặt chẽ hơn và có trách nhiệm hơn với công việc, khách hàng của mình". 

NPV

TIN LIÊN QUAN