(Baonghean) - Dưới gầm sàn của ngôi nhà người Thái - Nghệ An thời xưa, luôn có đặt một chuồng gà (lộc cảy), ở vị trí ngay bên dưới cái khung đặt bếp lửa. Chuồng này làm chỗ trú đêm cho cỡ hai ba chục con gà cả lớn lẫn bé. Chuồng gà quây bằng nứa, có một cửa nhỏ cho gà vào ra, cũng được đóng lại vào ban đêm để tránh cáo, chồn đến bắt. Các ổ gà đẻ trứng, ấp trứng được đặt ở phần bên trên của chuồng, ngang với đầu người.
Vào những dịp có khách quý, khách lạ ở xa hoặc bà con nội ngoại đến chơi nhà, nếu gia đình có điều kiện nuôi được gà trong nhà thì người Thái sẽ làm thịt con gà trong đàn để đãi khách. Buổi trưa, do toàn bộ đàn gà được thả cho đi bới ăn tự do nên việc bắt gà khá khó khăn. Việc sử dụng tên nỏ để bắn gà đãi khách bị cho là kiêng kị. Còn lúc chập tối, muốn bắt gà, chỉ việc gọi tất cả về cho ăn, xong rồi chúng kéo nhau vào chuồng nên muốn lựa chọn bắt con nào cũng được. Khi bắt, người ta lấy cái vợt lưới thò qua cửa chuồng, rồi úp lấy con gà ưng ý và kéo ra. Cũng có trường hợp, người ta chọn lấy khoảng chục con gà tơ ưng ý rồi đưa lên nuôi nhốt trên sàn, gọi là “cảy câm nhang”. Với cách nhốt như thế, muốn bắt gà để thịt lúc nào cũng được.
Biết khách thường hay có tâm lý e ngại về việc cơm nước, khi bắt gà để thịt đãi khách người ta thường thực hiện mau lẹ, chóng vánh, và điều cốt yếu là tránh gà kêu inh ỏi … Trước khi vặt lông gà, phải dùng một cành cây nhỏ, hoặc cành củi đập đầu gà cho chết chứ không cắt tiết, rồi mới nhúng vào nồi nước nóng già, chuẩn bị sẵn cho việc làm lông. Với người Thái, việc giết thịt gà là thuận ý Trời bởi việc đó nằm trong sự cần thiết, và cùng với một tấm lòng “yêu thương” được biểu hiện. Thế nên, trước khi giết một con gà làm thịt, người Thái sẽ cho nó biết rằng họ cần thiết phải làm như vậy, chứ không phải ác tâm hay ghét bỏ gì nó. Dùng tay trái túm thật chặt cả hai chân lẫn hai đầu cánh con gà, nói thành tiếng cho nó nghe một câu như sau: “Tao giết hôm nay thì hôm sau mày lại về với tao nhé!”. Phải nói như thế “hồn vía” con gà mới cảm nhận được tấm lòng yêu thương của chủ, sau này vía của nó tiếp tục đầu thai trở lại, việc nuôi gà của gia chủ vẫn phát triển bình thường.
Theo quan niệm về sinh - tử, luân hồi của người Thái, con người khi chết đi thì tấm thân trở về với đất, linh hồn lên mường Trời đi đến nơi trú ngụ của tổ tiên, và khi gặp được cơ duyên sẽ được đầu thai… Và con vật khi chết đi, “linh hồn” của con vật đó cũng “lên Trời” để sau này đầu thai trở lại làm kiếp con vật. Trong truyền thuyết của đồng bào Thái, cũng có tình tiết về những “cam kết” của trâu bò, gà vịt… khi xin phép Trời cho xuống trần gian, mục đích là phục vụ cho con người, bởi Trời đã định cho con người làm trung tâm cho sự phát triển của muôn loài. Theo đó, gà vịt tình nguyện “hy sinh” thân mình để trở thành món ngon cho chủ đãi khách khứa, cũng như trở thành vật “hiến sinh” trong các lễ cúng vía, làm mo.
Do khách đang được tiếp ở gian chính của nhà sàn nên việc vặt lông gà, chặt thịt gà được làm ở gian sau của nhà sàn hoặc ở ngay cạnh bếp lửa. Nếu giết gà có kèm theo việc cúng vía thì gà sẽ được khía cổ, đầu, khớp đùi rồi luộc cả con. Còn để nấu thức ăn, thịt gà được chặt ra thành miếng để nấu thành món ăn theo ý thích. Dù là luộc hay nấu, bao giờ người ta cũng để dành nguyên hai cái đùi gà cho trẻ con trong nhà...
Sầm Văn Bình
Yên Luốm, Châu Quang, Qùy Hợp