(Baonghean.vn) - Trong 2 ngày 25 và 26/7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức tập huấn công tác thông tin và tuyên truyền năm 2016.
Tham dự lớp tập huấn có đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Trung ương trình bày các chuyên đề.
Trong ngày 25/7, các đại biểu được nghe báo cáo các nội dung về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TTP; "Báo cáo Việt Nam 2035" do TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình bày.
Về nội dung "Báo cáo Việt Nam 2035", các đại biểu được cung cấp nhiều thông tin hữu ích về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam từ trước đến nay. Trên cơ sở đó phân tích, rút ra các kết luận quan trọng về những tồn tại xã hội và nổi lên những vấn đề xuyên suốt quá trinhg phát triển; các tương quan dài hạn giữa sự thịnh vượng và chất lượng quản trị xuất phát từ thể chế kinh tế và chính trị.
Theo đó, cần có 6 chuyển động lớn để đạt được mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2035 như: Hiện đại hóa nền kinh tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân; Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trọng tâm; Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; Đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế cùng với sự phát triển của xã hội;...Định hướng phát triển đất nước đến năm 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Để thực hiện được mục tiêu này, cần xây dựng 3 trụ cột: Thịnh vượng về kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường; Nâng cao năng lực quản lý cả Nhà nước và năng lực giải trình của Nhà nước trước nhân dân; Công bằng và hòa nhập xã hội.
Về các vấn đề trọng tâm cần chú trọng để phát triển nền kinh tế khi nước ta thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh việc làm sao tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước; vấn đề nắm bắt các cơ hội để gia tăng khả năng xuất khẩu ở các thị trường lớn của doanh ngiệp Việt Nam, trong đó các ngành có cơ hội lớn đó là dệt may, giày da, thủy sản đông lạnh. Làm gì để vượt qua các rào cản kỹ thuật để xuất khẩu hàng hóa, củng cố vị thế và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập TPP.
Chú trọng nâng cấp từ gia công sang phân phối, bán lẻ hoặc thiết kế, xây dựng nhãn mác thương hiệu hàng hóa, chất lượng hàng hóa. Tức là thay đổi quy trình công nghệ, thay đổi cách thức sản xuất để thay đổi vị thế và chức năng của nền kinh tế.
Bên cạnh chỉ ra các cơ hội lớn, đa dạng cho sự phát triển kinh tế đất nước thì buổi tập huấn cũng chỉ ra các hạn chế, yếu kém và các thách thức lớn khi nước ta gia nhập TPP, như: tụt hậu về phát triển ngày càng rõ; trong đó nổi bật là tụt hậu về thể chế và về môi trường kinh doanh.
Theo chương trình tập huấn, chiều 25/7, các đại biểu tiến hành sinh hoạt báo cáo viên định kỳ. Ngày 26/7, đại biểu sẽ được nghe các chuyên đề về tình hình Biển Đông thời gian gần đây và quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển./.
Hoài Thu