(Baonghean.vn) - Thỏa thuận hạt nhân từng được thế giới hân hoan đón chờ và tán tụng giờ đây lại đang mấp mé bên bờ vực sụp đổ, khi Mỹ - thành viên có tầm ảnh hưởng nhất có khả năng 'lật kèo'.

Báo Nghệ An Điện tử giới thiệu những phân tích và nhận định sâu dưới góc nhìn chuyên gia của Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an.

Đứa con tinh thần 12 năm thai nghén

Tháng 7/2015, sau 12 năm thương lượng và cả những cuộc đàm phán nước rút căng thẳng, những lần thức trắng bên ly cà phê của các nhà ngoại giao “cú đêm”, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) chính thức đạt thỏa thuận lịch sử về hồ sơ hạt nhân của Tehran, với tên gọi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung.

Theo thỏa thuận, Iran cam kết giảm số máy ly tâm cũng như lượng urani làm giàu xuống dưới mức có thể dùng để sản xuất vũ khí nguyên tử trong vòng 15 năm.

Ngoài ra, Iran phải cho phép Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) mở rộng thanh sát các cơ sở hạt nhân, cũng như tiếp cận vĩnh viễn đối với các cơ sở quân sự của nước này.

Đổi lại, Iran từng bước được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc.

Cái tên Iran cũng được đưa ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Đồng thời, Tehran được tái gia nhập hệ thống ngân hàng thế giới, thị trường dầu lửa và được gỡ bỏ phong toả hàng tỷ USD tài sản ở nước ngoài.

Thoả thuận giữa Iran và nhóm P5+1 được đánh giá là thành quả tích cực của thế giới trong việc ngăn chặn, loại bỏ phát triển vũ khí hạt nhân. 

Cú “lật kèo” của Tổng thống Mỹ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước nay vẫn phản đối thỏa thuận hạt nhân năm 2015 quá nhượng bộ Iran.

Trước Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng trước, ông Trump còn gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất của Mỹ”.

Mới đây nhất, trong một diễn biến gây “bão”, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/10 đã phát biểu mạnh mẽ tại Nhà Trắng, khẳng định chính quyền của ông sẽ không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã ký - điều mà nhà lãnh đạo Mỹ đã “miễn cưỡng” làm trong 2 chu kỳ 90 ngày trước đó.

images2031934_trump_final.jpg

Chính giới Mỹ cũng như nhiều phó tướng thân cận nhất của Trump không muốn huỷ bỏ thoả thuận, trong đó có Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.

Họ nhiều lần khuyên giải và cảnh báo Tổng thống rằng nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ khơi mào thảm họa. Những thành viên này cho rằng, thoả thuận dù thiếu sót cũng ngăn được Iran phát triển vũ khí hạt nhân trong ít nhất 10 năm.

Trong khi đó, IAEA đã 8 lần xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận. Do vậy, có thể nói, Donald Trump đang đi ngược lại với quan điểm của cộng đồng thế giới, và những hành động, tuyên bố của ông hoàn toàn không chính đáng, thậm chí hết sức phi lý.

Sai lầm lớn nhất

Xét trên mọi phương diện, việc Trump không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận sẽ tạo ra hậu quả rất lớn.

 
"Nếu Mỹ đưa Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo của Iran vào danh sách khủng bố thì Iran sẽ phản ứng và Mỹ sẽ phải gánh toàn bộ hậu quả."
 
Người phát ngôn
Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasem

Thậm chí, Richard Dalton - cựu Đại sứ Anh tại Iran còn cảnh báo, quyết định đầy rủi ro này sẽ đẩy Mỹ vào cuộc xung đột với Iran giữa lúc bế tắc trong vấn đề Triều Tiên còn chưa tìm ra hướng giải.

Không ít ý kiến cũng nêu quan điểm, quyết định này sẽ làm nước Mỹ yếu đi, mọi người sẽ hoài nghi về sự chân thành trong lời của Mỹ cũng như nhận thức về lợi ích quốc gia của nước này.

Nói cách khác, tuyên bố Iran không thực hiện đúng theo thỏa thuận đã ký hồi năm 2015 làm dấy lên phản ứng dữ dội ngay cả trong đồng minh của Mỹ, và hậu quả trước mắt sẽ là Washington bị cô lập trên thế giới, khi dư luận cho rằng họ “nói một đường, làm một nẻo”.

Một khi cộng đồng quốc tế mất lòng tin, quan hệ của Mỹ với các đồng minh cũng sẽ dần chia rẽ và rơi vào khủng hoảng. Lẽ dĩ nhiên, quan hệ với các "đối thủ" Nga, Trung Quốc, Ấn Độ,... cũng không tránh khỏi kịch bản xấu đi. Và đáng quan ngại không kém, động thái của Mỹ có thể càng khuyến khích Triều Tiên gây hấn bằng việc phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Khả năng xung đột Mỹ-Iran

Chúng ta hiện không loại trừ khả năng Mỹ và Iran xảy ra xung đột. Tuy nhiên, phải thấy Iran có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong thế giới hiện đại, khác xa Iraq, Libya, Yemen, thậm chí còn có sức mạnh tổng hợp lớn hơn cả Triều Tiên.

Iran là trung tâm của cuộc chiến chống khủng bố, liên quan đến cuộc xung đột dòng Hồi giáo Sunni-Shiite, liên quan đến vấn đề người Kurd, chốt chặn eo biển Hormuz rộng 50 km - nơi qua lại của 40% sản lượng dầu lửa thế giới… Nếu xảy ra chiến tranh Mỹ-Iran, có thể chắc chắn một điều rằng thế giới phải chịu thảm họa, cả về kinh tế, chính trị lẫn xã hội.

Iran có sức mạnh quân sự khá đáng gờm, có tàu ngầm tàng hình, tên lửa chống tàu, ngư lôi hiện đại, tên lửa đất đối biển, máy bay không người lái,…, nên một khi xung đột quân sự Mỹ-Iran xảy ra, nó sẽ châm ngòi bùng phát, lan rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông, vượt ngoài tầm kiểm soát.

Trước thảm họa có thể dự báo ấy, giới diều hâu Washington dù muốn hay không phải cân nhắc thiệt hơn, bởi chẳng ai khác, “ngư ông đắc lợi” dĩ nhiên là Trung Quốc và Nga - 2 đối thủ của Mỹ.

Trong Thượng viện, Hạ viện Mỹ vẫn có những nghị sĩ công khai tuyên bố không nên chấp thuận ý kiến của Trump, kéo Mỹ vào canh bạc khiến họ suy yếu, nhưng đây chỉ là thiểu số. Sau 60 ngày, nhiều khả năng cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ chuẩn y, nghĩa là đồng ý với Trump và phê chuẩn thêm các lệnh trừng phạt Iran.

Như vậy, nhìn lại 9 tháng cầm quyền của Trump, người ta thấy nước Mỹ đã làm lung lay quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đưa quan hệ với châu Âu, Australia, Canada,… rơi vào căng thẳng. Chủ nhân Tòa Bạch ốc “gây thù chuốc oán” qua những lời phát biểu vội vàng, hấp tấp về Triều Tiên, Iran, khiến quan hệ của Mỹ với các nước bị xấu đi, vô hình trung ông đang càng xa rời lời hứa tranh cử “Nước Mỹ là trên hết” của chính mình.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Thực hiện: Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN