PV: Thưa Thiếu tướng, nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ tại Việt Nam, ông có thể lý giải việc Mỹ và Việt Nam có nhu cầu mở rộng quan hệ song phương dù khác xa nhau về bản chất chính trị?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng là xét về bản chất, thể chế chính trị của Mỹ và Việt Nam hoàn toàn đối lập nhau: một bên là dân chủ đa nguyên, đa đảng đối lập, một bên là theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng dù thế, 2 bên vẫn có điểm chung, thúc đẩy hợp tác với nhau: Lợi ích.
Trong tập hợp lực lượng đối phó với Trung Quốc, Mỹ đánh giá Việt Nam là mắt xích hết sức quan trọng. Đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, bên cạnh tiếng nói chung của ASEAN, Mỹ đánh giá Việt Nam là tuyến đầu. Trong triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện nay và chiến lược xoay trục thời Obama, liên tục 3 chính quyền Mỹ đều đánh giá Việt Nam là quốc gia có tầm quan trọng, có truyền thống, sức mạnh nội tại mãnh liệt, đương đầu với những thử thách bên ngoài. Lợi ích lớn nhất mà Mỹ nhìn thấy ở Việt Nam là về an ninh và quốc phòng, chứ không phải kinh tế. Họ cần thông qua Việt Nam để củng cố quan hệ với ASEAN, củng cố mối quan hệ của với các nước như Nhật, Ấn Độ, Australia,... Vì thế, dù còn tồn tại một số vướng mắc, nhưng lợi ích chính trị đã đè bẹp tất cả.
Về phía Việt Nam cũng rất cần Mỹ, nhất là về kinh tế, khi Mỹ là một thị trường 330 triệu dân, chúng ta xuất siêu sang đó gần 50 tỷ USD. Mặt khác, chúng ta cần đầu tư nước ngoài FDI của Mỹ, quốc gia sở hữu những tập đoàn công nghệ cao. Về khoa học công nghệ, 50% sáng chế trên thế giới là của người Mỹ, họ cũng là nơi đào tạo nguồn nhân lực tốt nhất thế giới. Về chính sách đối ngoại, dẫu sao Mỹ cũng là siêu cường, Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an, có vai trò quan trọng trên sân khấu chính trị thế giới. Về an ninh - quốc phòng, vẫn cần hợp tác, vì lợi ích của đôi bên chứ không phải chống nước thứ ba. Đó là lý do mà dứt khoát từ cả 2 phía cần thúc đẩy quan hệ, là động lực của chuyến thăm Việt Nam lần này của Phó Tổng thống Mỹ.
PV:Theo ông, đâu là mục tiêu của bà Kamala Harris trong chuyến thăm Việt Nam dịp này? Những vấn đề nào sẽ được 2 bên đề cập, bàn thảo?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Mục tiêu bao trùm là củng cố mối quan hệ song phương Việt - Mỹ. Chắc chắn Mỹ sẽ đề nghị Việt Nam phát huy vai trò tích cực, nòng cốt trong ASEAN, góp phần củng cố quan hệ nội khối đoàn kết, thống nhất, không để ASEAN ngả vào “vòng tay” của Trung Quốc. Mỹ sẽ mong muốn thông qua Việt Nam củng cố quan hệ với ASEAN - mục tiêu quan trọng nhất.
Việt Nam là một nhân tố quan trọng trong tính toán chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, nên thông qua chuyến thăm này, chắc chắn Mỹ cũng phải nhận diện đúng hơn bối cảnh ở châu Á- Thái Bình Dương hiện nay, thái độ của các nước trong khu vực đối với Mỹ nói riêng, đối với các nước khác và Trung Quốc nói chung.
Về vấn đề đưa ra bàn bạc, thảo luận sẽ bao gồm quan hệ song phương và quan hệ đa phương. Chắc chắn 2 bên sẽ bàn đầu tiên về vấn đề kinh tế, làm thế nào xử lý bài toán xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ. Nhưng tôi cho việc này cũng không phải quá quan trọng. Chúng ta cũng yêu cầu Mỹ phải đầu tư nhiều hơn FDI vào VN, và tiếp tục tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam sang Mỹ. Ngoài ra, còn có hợp tác chống đại dịch Covid-19, hy vọng Mỹ sẽ ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam một phần công nghệ sản xuất vắc xin và cả một phần vắc xin.
Mỹ cũng sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực... Ở góc độ đa phương, quan trọng nhất là vấn đề Biển Đông, Mỹ tiếp tục cam kết ủng hộ Việt Nam bảo vệ lợi ích hợp pháp, ủng hộ đối thoại hòa bình dựa trên UNCLOS 1982, phản đối mọi hành động cưỡng ép, xâm phạm chủ quyền các nước. Vấn đề quan hệ ASEAN với Trung Quốc cũng được đề cập, kể cả thăm dò thái độ các nước ASEAN đối với chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của Mỹ.
PV:Ông dự báo như thế nào về kết quả của chuyến thăm?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chắc chắn qua chuyến thăm mối quan hệ Việt Nam - Mỹ sẽ được củng cố trên nhiều lĩnh vực, cả kinh tế, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, chính trị, an ninh quốc phòng... Đây là dấu mốc quan trọng thể hiện quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ đã được phát triển theo cả chiều sâu và chiều rộng.
Thông qua chuyến thăm, vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được đề cao. Khi Phó Tổng thống của một siêu cường đến thăm Việt Nam, chí ít dư luận sẽ hiểu rằng, chúng ta có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược của Mỹ. Phía Mỹ cũng có lợi, củng cố quan hệ với Việt Nam là một khâu quan trọng trong bố trí chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tôi nghĩ 2 bên đều có kết quả tốt.
PV: Bên cạnh Việt Nam, Singapore cũng là điểm dừng chân của Phó Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm này. Theo ông, Singapore có vai trò gì trong bố trí chiến lược của Mỹ?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trên mọi phương diện, trong 10 nước ASEAN thì quan hệ Mỹ-Singapore là bền chặt, thủy chung nhất trong hơn 60 năm qua. Về kinh tế, FDI của Mỹ tại Singapore lớn nhất, người dân nước này ý thức được sự phát triển của họ có phần quan trọng từ sự hợp tác của Mỹ. Về quốc phòng và an ninh, 2 bên không có hiệp định nhưng có bản ghi nhớ, theo đó Singapore cho phép quân đội Mỹ được tiếp cận sân bay, bến cảng của họ, hỗ trợ hậu cần cho quân đội Mỹ.
Bên cạnh đó, Singapore có vị trí đặc biệt quan trọng, gần 80% dân số là người Hoa, có thể hình dung Singapore là cầu nối giữa Mỹ với Trung Quốc, quan trọng trong thế bố trí chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là cầu nối Mỹ với ASEAN. Vì thế, thăm Singapore là cách Mỹ thể hiện mong muốn củng cố mối quan hệ truyền thống, lịch sử thêm bền chặt, khuyến khích Singapore đóng vai trò tích cực hơn nữa trong ASEAN, thúc đẩy ASEAN sắm vai trò trung tâm kết nối ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tránh ASEAN rơi vào tay Trung Quốc.
PV:Cuối cùng, ông có thể giải thích, tại sao chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ - một hoạt động ngoại giao bình thường, lại được dư luận thế giới dành nhiều quan tâm những ngày qua?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cần lưu ý, Việt Nam và Singapore thuộc ASEAN - mắt xích quan trọng nhất, là cầu nối giữa 2 đại dương, nên trong triển khai chiến lược Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Mỹ không thể thiếu sự tham gia của ASEAN. Do đó, chuyến thăm của bà Harris đến 2 quốc gia này ngoài ý nghĩa ngoại giao thông thường, thì ẩn sau còn có ý nghĩa địa chính trị và địa chiến lược trong tính toán chiến lược của Mỹ.
Vì thế, rất nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm, vì sau chuyến đi này mối quan hệ Việt Nam-Mỹ, Singapore-Mỹ phát triển như thế nào có thể làm rung chuyển cả khu vực. Nên nhớ, vào tháng 3/2021 chính quyền Biden đã công bố hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác với các quốc gia châu Á, để thúc đẩy mục tiêu chung.
PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!